23/01/2025

Bốc thăm cho con vào trường mầm non: Giải toả áp lực thiếu trường học

Bốc thăm cho con vào trường mầm non: Giải toả áp lực thiếu trường học

Việc phụ huynh ở P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) phải bốc thăm may rủi để có chỗ gửi con học trường mầm non công lập khiến dư luận xôn xao và coi đây là hiện tượng cá biệt. Tuy nhiên, thực tế việc thiếu trường lớp diễn ra ở nhiều địa bàn trên TP.Hà Nội.

 

 

Một quận thiếu tới 36 trường

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu thực tế hiện nay điều kiện cơ sở vật chất của các trường không đồng đều. Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhiều khó khăn, một số phường thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường đã có trường nhưng vẫn không đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh (HS) do dân số trên địa bàn quá đông.

Bốc thăm cho con vào trường mầm non: Giải tỏa áp lực thiếu trường học - ảnh 1
 Thay vì được đầu tư, xây dựng trường học, lô đất F5/TH3 và F5/NT5 do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư đang được dùng làm bãi trông xe, tiệm sửa xe máy THÀNH TRUNG

Sau những dấu hỏi lớn của dư luận về việc bốc thăm may rủi vào Trường mầm non Hoàng Liệt, trong báo cáo mới nhất gửi UBND TP, UBND Q.Hoàng Mai cho biết: P.Hoàng Liệt có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện trên địa bàn phường có 85 tòa chung cư cao tầng và đang xây tiếp 5 tòa. Đa số hộ dân ở đây là các gia đình trẻ, có con nhỏ. Với tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non hằng năm, nên sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường này là rất lớn.

Sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập tại Q.Hoàng Mai đều vượt xa quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, bậc mầm non có 22 trường công lập và 26 trường ngoài công lập; 370 nhóm, lớp mầm non độc lập. Với số trẻ mầm non khoảng 31.300, bình quân một lớp ở các trường công lập có 38,5 HS.

Bốc thăm cho con vào trường mầm non: Giải tỏa áp lực thiếu trường học - ảnh 2
Cuối tháng 8, khoảng 700 phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) vì số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu   ĐẬU TIẾN ĐẠT

Ở cấp tiểu học, toàn quận có 20 trường công lập và 3 trường ngoài công lập. Với số HS khoảng 43.600 em, trong đó tiểu học công lập là 41.600 (tăng hơn 1.400), bình quân có 48 em một lớp. Với THCS, quận hiện có 17 trường công lập và một trường tư thục. Với số HS gần 24.000, trong đó hơn 23.700 học công lập, bình quân một lớp có 46 HS.

Bốc thăm cho con vào trường mầm non: Giải tỏa áp lực thiếu trường học - ảnh 3
UBND các tỉnh, thành được yêu cầu rà soát, tăng cường quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em   NGỌC THẮNG

Đặc biệt, báo cáo nêu: “Với tổng số HS mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học mới là hơn 79.600 như trên, nếu chiếu theo quy định, toàn ngành giáo dục Q.Hoàng Mai còn thiếu 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1)”. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho biết theo quy định mỗi phường chỉ cần 1 trường công lập ở mỗi cấp học nhưng riêng P.Hoàng Liệt hiện đã có tới 3 trường tiểu học công lập nhưng vẫn quá tải trầm trọng.

Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sĩ số HS trung bình là 49,7, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng HS đông, sĩ số HS/lớp cao, quận khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%.

Theo Phó chủ tịch UBND Q.Hà Đông Phạm Thị Hòa, quận có dân số gần 500.000 người. Mỗi năm, số HS tăng từ 6.000 – 7.000 HS, sĩ số trung bình 60 HS/lớp, nhóm trẻ là khá đông. “Cứ với tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hóa như hiện nay mà số trường học không được xây dựng hoàn thành thì dự báo trong 5 năm tới, Q.Hà Đông sẽ thiếu trường học trầm trọng. UBND Q.Hà Đông đang thúc giục chủ đầu tư các khu đô thị kể trên sớm triển khai xây dựng trường học, đưa vào phục vụ giảng dạy”, bà Hòa cho biết.

 

Đất xây trường bỏ hoang

Ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho biết quận cũng đã rà soát các ô đất quy hoạch trường học, báo cáo đề xuất thành phố loại hình đầu tư và phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 có 56 ô quy hoạch (công lập 40, ngoài công lập 16). Giai đoạn 2026 – 2030 có 79 ô quy hoạch (công lập 60, ngoài công lập 19). “Các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận còn nhiều, đã được thành phố giao chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường, để kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất quy hoạch trường học đã giao chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư xây dựng là 59”, ông Thái thông tin.

Tại P.Hoàng Liệt, nơi phụ huynh phải bốc thăm cho con vào trường mầm non công lập, thống kê của quận cho biết hiện có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng. Một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế (quy hoạch vào ao làng, nghĩa trang, đình chùa…). Các ô quy hoạch chưa giao chủ đầu tư có công trình kiên cố, khó giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tính khả thi để đề xuất đầu tư.

Ông Trần Quý Thái cho biết về phía quận giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trường mầm non trên địa bàn P.Hoàng Liệt, dự kiến xây thêm 2 điểm trường để tăng số trường, lớp mầm non, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân địa phương… Tiếp tục rà soát các ô đất đã được quy hoạch xây dựng trường học nhưng chưa được đầu tư xây dựng, các ô đất đã giao cho các chủ đầu tư ngoài công lập tuy nhiên không thực hiện đúng thời gian xây dựng trường kéo dài trong nhiều năm; các ô đất chủ đầu tư chưa bàn giao đất cho UBND quận, đề nghị UBND thành phố có biện pháp thu hồi và bàn giao cho UBND quận lập dự án đầu tư bằng vốn ngân sách.

Còn Phó chủ tịch UBND Q.Hà Đông Phạm Thị Hòa thông tin tại địa bàn quận có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án còn rất chậm so với quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Vì thế, đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng theo bà Hòa, nguyên nhân chậm triển khai xây dựng trường có nhiều. Đơn cử, trường hợp Công ty CP xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội thuộc tập đoàn Geleximco là đơn vị được giao xây dựng 10 trường học thuộc Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn nhưng đến nay mới có 4 trường đưa vào hoạt động, 2 trường đang chờ nghiệm thu, 4 trường đang chờ thiết kế, chưa thể xây dựng ngay trong giai đoạn 2021 – 2023. Một trường hợp khác là tại Khu đô thị mới Phú Lương, Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Việt được giao xây 2 trường mầm non và THCS nhưng thi công chậm vì vướng 5 giếng khoan nước thô, hệ thống đường dây điện cấp cho máy bơm, đường ống của Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đang chờ phê duyệt phương án di dời. Hay như dự án xây Trường mầm non Sao Khuê tại Khu đô thị mới Văn Khê do Công ty CP Sông Đà Thăng Long được giao làm chủ đầu tư có vi phạm về trật tự xây dựng, đến nay chưa khắc phục được, dẫn đến chậm trễ…

Theo khảo sát, tại H.Thanh Trì, hàng chục ô đất được quy hoạch xây trường học ở Khu đô thị Thanh Hà cũng bị chủ đầu tư bỏ hoang từ nhiều năm nay, tạo áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục trên địa bàn xã Cự Khê (H.Thanh Oai). Cụ thể, theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13.7.2015 của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5, tỷ lệ 1/500, có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học. Trong đó, 21 ô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS; 2 ô đất xây dựng trường THPT. Việc bàn giao đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng trường học là điều kiện khi UBND tỉnh Hà Tây trước đây xem xét giao đất cho nhà đầu tư. Nhưng, hiện vẫn còn 21 điểm trường công lập chưa được đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân H.Thanh Oai đã đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao 21 ô đất xây trường theo quy hoạch cho UBND huyện quản lý; kiến nghị cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng hệ thống trường công lập để đảm bảo đủ trường, đủ lớp công lập cho các HS tại Khu đô thị Thanh Hà cũng như trên địa bàn xã Cự Khê.

Thủ tướng yêu cầu không để bức xúc về nhu cầu đến trường của trẻ

Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông ngày 31.8 vừa qua yêu cầu: UBND các tỉnh, thành rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, HS, không để bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, HS tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, HS phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.

 

Tuệ Nguyễn

Về vấn đề này, theo tài liệu thu thập được, ngày 18.5.2021, UBND TP.Hà Nội khẳng định đã tiếp thu nội dung và sẽ giao Sở KH-ĐT kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và đôn đốc việc bàn giao toàn bộ các ô đất quy hoạch xây trường để đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn xã Cự Khê.

Dù vậy, chiều 2.9, đại diện UBND H.Thanh Oai cho biết mọi thứ vẫn giống như hơn 1 năm trước, lúc UBND TP.Hà Nội khẳng định tiếp thu, giao Sở KH-ĐT kiểm tra làm rõ trách nhiệm nhà đầu tư. Hiện trạng ô đất vẫn để hoang, cỏ mọc um tùm trong khi trường học ở địa phương này đang thiếu, gây áp lực thiếu lớp, thiếu trường. “Cá nhân tôi rất mong muốn được thành phố giao lại đất để đầu tư công, xây trường, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn. Huyện đã ý kiến về vấn đề này rất nhiều lần. Cử tri trên địa bàn cũng đã kiến nghị rất nhiều rồi. Rất mong thành phố với các sở, ngành quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, vị lãnh đạo H.Thanh Oai này bày tỏ.

 

Ý kiến

Cần có chế tài đủ mạnh với chủ đầu tư không xây trường theo cam kết

Tại Hà Nội, chưa chú trọng thực hiện nghiêm nguyên tắc phát triển quy hoạch đô thị về phát triển trường học dẫn đến tình trạng nhiều khu vực thiếu trường học ở cấp mầm non, tiểu học, THCS… Thực trạng ở Hà Nội những năm qua là mới chỉ chú trọng làm đường giao thông, tiện ích về ăn, ở, sinh hoạt… để thu hút người dân mua nhà, cư trú. Còn trường học thì thường phát triển chậm hơn rất nhiều. Thực trạng này gây quá tải về giáo dục, và chỉ được giải quyết dần dần ở khu vực nào thể hiện rõ nhu cầu cực kỳ cấp thiết. Đa số khu vực khác chưa thực sự cấp thiết thì vẫn kéo dài tình trạng đất quy hoạch xây trường bỏ hoang, còn trường học thì thiếu. Đây là bất cập của phát triển đô thị tại Hà Nội. Đáng tiếc là trẻ em lại là đối tượng gánh chịu hậu quả của bất cập này, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nhân lực tương lai của đất nước.

Để tốc độ xây trường đuổi kịp xây nhà ở thì cần có hình thức cam kết giữa chủ đầu tư các khu đô thị mới, chủ đầu tư các trường học với nhà nước về tiến độ xây dựng. Nếu không có kế hoạch xây trường, cam kết thực hiện theo thì kiên quyết không cấp phép xây dựng dự án. Đồng thời, cần có chế tài phạt về kinh tế đủ mạnh, đủ sức răn đe và đi kèm với điều kiện ghi hồ sơ, không cấp phép dự án mới cho các chủ đầu tư chưa giải quyết xong hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án khu đô thị cũ. Không nên duy trì cơ chế cấp phép như hiện nay, mà cần siết lại để tránh tình trạng dự án khu đô thị mới đi vào “vết xe đổ” của dự án khu đô thị đã phát triển trước mà chưa hoàn thiện hạ tầng. Đơn cử, như ở P.Hoàng Liệt, chủ đầu tư Khu đô thị mới Linh Đàm là Tổng công ty phát triển Nhà và Đô thị (HUD) chưa hoàn thành xây dựng trường học thì nên dừng cấp phép triển khai các khu đô thị mới đối với đơn vị này.

Trước mắt, TP.Hà Nội cần lập đoàn thanh kiểm tra về các khu đất đã được quy hoạch xây dựng trường học nhưng chưa triển khai xây dựng. Làm rõ từng nguyên nhân của sự chậm trễ, có giải pháp khắc phục, thúc đẩy xây trường học nhanh nhất có thể. Đồng thời, rà soát lại năng lực của các chủ đầu tư, nếu thấy năng lực yếu kém cần kiên quyết thu hồi dự án, giao cho đơn vị đủ năng lực thực hiện. Có cam kết về kế hoạch, tiến độ, chất lượng dự án và rõ chế tài cụ thể nếu không hoàn thành đúng.

PGS-TS Nguyễn Quang Minh, Khoa Kiến trúc, ĐH Xây dựng Hà Nội

Lê Quân (ghi)

TUỆ NGUYỄN – LÊ QUÂN

TNO