27/12/2024

Kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Bất chấp tuyên bố không thiếu hàng và lập đoàn thanh tra của Bộ Công thương, đến hôm qua 31.8, vẫn có nhiều cây xăng tại một số tỉnh, thành treo biển hết hàng hoặc bán cầm chừng theo định mức.

 

 

Đặc biệt, hàng loạt doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu ở Cần Thơ kiến nghị T.Ư thanh tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ngưng bán hàng, bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối, bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng.

 

Chỗ hết xăng, chỗ chỉ cấp phát nội bộ

Ngày 31.8, trên địa bàn TP.Cần Thơ có một số DN ngưng bán xăng dầu hoặc hạn chế bán vì “hết hàng”. Tại một cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên QL91B (đoạn qua Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), khi PV Thanh Niên ghé đổ xăng, nhân viên bán xăng chỉ vào bảng tạm kê phía trước với dòng chữ “Hết xăng dầu”, nói: “Hết rồi, hết tạm thời mà chưa biết khi nào có lại”.

Kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu - ảnh 1
Một cây xăng trên QL91B, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ để bảng “hết xăng dầu” sáng ngày 31.8 ĐÌNH TUYỂN

Tương tự, tại một trạm cấp phát xăng dầu cho Công an TP.Cần Thơ tại Q.Ninh Kiều vào ngày thường vẫn bán cho người dân nhưng hiện cũng đã để bảng “cấp phát nội bộ”. Nhân viên ở đây thông tin: “Xăng dầu còn ít quá nên chỉ cấp theo phiếu thôi”.

Một chủ cây xăng ở TP.Cần Thơ cho biết tình hình của các DN phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn. “Mấy DN đầu mối xăng dầu không cung hàng cho thì cây xăng treo cò chứ lấy gì mà bán. Tình hình này không giải quyết thì tới ngày 5.9, tôi đoán là mấy DN phân phối treo cò hết”.

Kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu - ảnh 2
Ngư dân Bình Thuận phải đi mua gom từng can dầu cho chuyến đi biển  QUẾ HÀ

Liên quan đến tình trạng trên, ngày 30.8, Hội DN xăng dầu TP.Cần Thơ đại diện cho các DN phân phối xăng dầu trên địa bàn đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, UBND TP.Cần Thơ, kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu. “Chúng tôi đang gặp khó khăn do nguồn cung xăng dầu khan hiếm, đặc biệt là nguồn dầu DO, các đơn vị lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc, tại các kho có rất ít hàng”, công văn của các DN này nêu.

Kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu - ảnh 3
Xăng dầu cần được điều hành theo cơ chế thị trường và đòi hỏi sự minh bạch  NGỌC DƯƠNG

Các DN phân phối xăng dầu ở Cần Thơ cũng cho biết từ ngày 15.8 đến nay, họ phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít. Để đảm bảo có nguồn xăng dầu bán ra thị trường, nhiều thương nhân phân phối xăng dầu phải mua giá âm từ 1.000 – 3.000 đồng/lít dầu DO từ các đơn vị có hàng gửi tại Tổng kho Nhà Bè (TP.HCM), sau đó đem về phân phối cho hệ thống của mình ở khắp miền Tây, trong đó có Cần Thơ. “Do vậy, mỗi lít xăng dầu bán lẻ chúng tôi lỗ từ 1.000 – 3.000 đồng/lít”, các DN than.

Hội DN xăng dầu TP.Cần Thơ đưa ra 2 kiến nghị: cần vào cuộc thanh, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu (bao gồm các đầu mối xuất nhập khẩu có phần vốn của nhà nước) ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng; đảm bảo kế hoạch cung ứng xăng dầu đồng đều từ các thương nhân đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay…

Trao đổi thêm về kiến nghị trên, một DN xăng dầu ở Cần Thơ cho rằng: “Cơ quan chức năng đi thanh tra, kiểm tra các cây xăng bán lẻ chỉ là phần ngọn thôi, gốc của vấn đề là các DN đầu mối không bán ra thì các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ xăng dầu đều bó tay”.

 

Bán theo định mức ở Đồng Nai, Bình Thuận

Tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), trong sáng 31.8, người dân phản ánh tại Trạm xăng dầu Tân Tiến (thuộc Công ty CP xăng dầu Tín Nghĩa, đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) chỉ cho đổ không quá 500.000 đồng/xe. Khi người dân thắc mắc thì nhân viên trả lời do hàng hết, phải chờ nhập về. Trả lời PV Thanh Niên chiều cùng ngày, ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tín Nghĩa, cho biết tình trạng khan hiếm xăng dầu đã xảy ra mấy ngày gần đây, buộc lòng công ty phải bán giới hạn không quá 500.000 đồng. “Tuy nhiên, sau khi công ty nhập được xăng, chúng tôi đã cho bán bình thường trở lại, ai mua bao nhiêu thì bán bấy nhiêu. Riêng dầu thì vẫn phải bán không quá 500.000 đồng, khi nào chúng tôi nhập được hàng thì mới điều chỉnh trở lại”, ông Tùng nói.

Trước đó, vào sáng 30.8, người dân cũng phản ánh Trạm xăng dầu của HTX Gò Me (P.Thống Nhất) và Trạm xăng dầu trong Bến xe Biên Hòa (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng treo bảng tạm thời ngưng bán chờ nhập hàng. Khoảng 1 giờ sau, 2 trạm xăng dầu này hoạt động trở lại. Đại diện Trạm xăng dầu của HTX Gò Me lý giải khoảng 6 giờ 45 sáng 30.8, nhu cầu đổ xăng của người dân tăng đột biến, trong khi nguồn xăng dầu từ đầu mối chưa về kịp nên cửa hàng buộc phải thông báo tạm hết xăng. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, xe xăng dầu của đơn vị đầu mối đưa xăng dầu về, thì cửa hàng đã cung ứng trở lại.

Tương tự, đại diện Trạm xăng dầu trong Bến xe Biên Hòa cũng cho hay nhu cầu tiếp nhiên liệu tại trạm những ngày gần đây tăng lên đột biến khoảng gấp rưỡi so với ngày thường. Khoảng 9 giờ sáng ngày 30.8, cửa hàng tạm hết xăng do nguồn hàng từ đơn vị đầu mối chưa về kịp. Đến khoảng 10 giờ sáng, cửa hàng hoạt động trở lại bình thường khi được cung ứng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai, trong ngày 30.8 trên địa bàn tỉnh có 4 trạm xăng dầu treo bảng hết hàng; 3 trạm hết xăng nhưng còn dầu… Đến 31.8, trên địa bàn có 1 trạm hết xăng dầu, 2 trạm hết xăng còn dầu. Cục QLTT đã có văn bản yêu cầu các đội QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu, đặc biệt phải giám sát 24/24 trong đợt cao điểm nghỉ lễ 2.9.

Còn tại Bình Thuận, tình trạng khan hiếm dầu cũng đã xảy ra trong mấy ngày qua, khiến ngư dân than thở vì không có nhiên liệu đi biển.Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại cảng cá Phan Thiết vào chiều ngày 31.8, nhiều ngư dân phản ánh các đại lý chỉ bán không quá 500 lít/ghe. Do vậy, nhiều chủ ghe phải chạy đi khắp nơi gom dầu cho đủ chuyến để ra khơi (khoảng 2.000 – 3.500 lít/ghe, tùy theo thời gian đi). Anh N.H.K (P.Phú Tài, TP.Phan Thiết) cho biết có chủ tàu chấp nhận mua dầu giá cao nhưng cũng không có mà mua. “Thậm chí họ còn thuê xe ôm đi các huyện lân cận mua dầu, chấp nhận trả thêm tiền công 100.000 đồng/can, nhưng vẫn không được”, anh K. cho hay. Không chỉ ở Phan Thiết, mà ngay ở các cảng cá tại Phan Rí Cửa và một số cảng cá khác trên địa bàn Bình Thuận cũng có tình trạng khan hiếm dầu cho ngư dân.

 

Kiến nghị Bộ Công thương tháo gỡ

Hôm qua 31.8, UBND TP.Cần Thơ đã có công văn kiến nghị gửi Bộ Công thương về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP. Cụ thể, TP.Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối hỗ trợ cung ứng thêm nguồn xăng dầu cho các thương nhân phân phối trên địa bàn TP.Cần Thơ, đáp ứng các đơn hàng của thương nhân phân phối. Đồng thời chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của DN; phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân trên địa bàn, ổn định thị trường.

Mấy DN đầu mối xăng dầu không cung hàng cho thì cây xăng treo cò chứ lấy gì mà bán. Tình hình này không giải quyết thì tới ngày 5.9, tôi đoán là mấy DN phân phối treo cò hết.

Một chủ cây xăng ở TP.Cần Thơ

Bên cạnh đó là chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, kế hoạch sản xuất để luôn bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường. UBND TP.Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân phân phối xây dựng kế hoạch mua hàng, đăng ký sản lượng với các thương nhân đầu mối, đồng thời xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các thương nhân phân phối không thực hiện việc bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc theo quy định.

Hiện tại cả nước có 33 DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu (bao gồm các đầu mối xuất nhập khẩu có phần vốn của nhà nước). Ngoài hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc các DN đầu mối được đảm bảo nguồn cung thì có hơn 300 thương nhân phân phối xăng dầu với ít nhất 4.500 cửa hàng, đại lý xăng dầu khác đang phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các đầu mối (theo quy định 1 thương nhân phân phối phải có tối thiểu 5 cửa hàng và 10 đại lý – PV).

Vì vậy, đầu mối “ngắt nguồn” thì các đại lý kinh doanh cũng chỉ còn cách treo biển hết hàng mà thôi.

 

ĐÌNH TUYỂN – LÊ LÂM – QUẾ HÀ

TNO