24/12/2024

Bằng chứng mới nhất về 3 đường lây nhiễm SARS-CoV-2

Bằng chứng mới nhất về 3 đường lây nhiễm SARS-CoV-2

Các bằng chứng hiện tại cho thấy vi rút gây bệnh Covid-19 lây truyền qua 3 đường: không khí, giọt bắn và tiếp xúc.

 

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2355/QĐ-BYT 2022 về “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” thay thế hướng dẫn cũ ban hành năm 2020.

 

Hiểu đúng về 3 đường lây nhiễm

Theo hướng dẫn, vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây truyền qua 3 đường: không khí, giọt bắn và tiếp xúc.

Trong đó, lây truyền qua không khí nghĩa là vi rút có thể lây lan từ các tiểu phần dịch hô hấp nhỏ (hạt khí dung) phát tán ra từ miệng hoặc mũi của người bệnh (NB) khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở. Sau đó, một người khác có thể bị nhiễm vi rút khi hít phải hạt khí dung chứa SARS-CoV-2 đi qua không khí ở khoảng cách gần (ví dụ khoảng cách hội thoại), còn gọi là lây truyền qua không khí trong phạm vi gần. Vi rút cũng có thể lây lan ở những nơi thông gió kém và/hoặc ở nơi đông người do các hạt khí dung chứa SARS-CoV-2 lơ lửng trong không khí và có thể phát tán trong phạm vi rộng (xa hơn khoảng cách hội thoại), còn gọi là lây truyền qua không khí trong phạm vi rộng.

Với đường lây truyền qua giọt bắn, vi rút có thể lây lan từ các tiểu phần dịch phát tán ra từ miệng hoặc mũi của NB khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở. Sau đó, một người khác có thể bị nhiễm vi rút khi các tiểu phần dịch tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, hoặc miệng.

Bằng chứng mới nhất về 3 đường lây nhiễm SARS-CoV-2 - ảnh 1
Bên trong Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Q.Hoàng Mai, Hà Nội  ĐẬU TIẾN ĐẠT

Lây truyền qua tiếp xúc nghĩa là lây nhiễm có thể xảy ra khi tay ô nhiễm do tiếp xúc với các bề mặt ô nhiễm vi rút sau đó động chạm vào các vị trí nhạy cảm (mắt, mũi, miệng).

 

Phòng ngừa chuẩn là gì ?

Hướng dẫn nêu rõ nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh là cần thực hiện phòng ngừa chuẩn kết hợp với phòng ngừa qua đường không khí, đường tiếp xúc và đường giọt bắn trong thăm khám, điều trị, chăm sóc người xác định nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

Trong đó, phòng ngừa chuẩn bao gồm các biện pháp: vệ sinh tay theo 5 thời điểm vệ sinh tay và theo kỹ thuật vệ sinh tay 6 bước; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp tùy theo tình huống như khi xử lý máu, dịch tiết, chất tiết hay khi dự kiến sẽ tiếp xúc với máu, dịch tiết, chất tiết; thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp khi ho, hắt hơi; thực hiện dự phòng tổn thương do vật sắc nhọn trong khi chăm sóc NB; xử lý dụng cụ chăm sóc NB tái sử dụng đúng quy trình; thu gom, vận chuyển, xử lý đồ vải bẩn, an toàn; vệ sinh môi trường chăm sóc NB.

Kiểm soát môi trường là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2. Các bề mặt môi trường cần phải được khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn bề mặt được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Xử lý chất thải đúng quy định. Sắp xếp NB an toàn: xếp NB nhiễm SARS-CoV-2 có tình trạng bệnh nặng vào phòng cấp cứu khu cách ly hoặc phòng cách ly có đầy đủ phương tiện cấp cứu riêng biệt; xếp NB không có biểu hiện nặng vào buồng riêng hoặc có thể sắp xếp theo nhóm cùng bệnh chung buồng; không xếp người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính với người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.

 

Biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường không khí

Xếp NB nằm phòng cách ly riêng. Trường hợp không thể bố trí phòng riêng, cần sắp xếp NB cùng nhóm đã xác định nhiễm chung phòng.

Đảm bảo thông khí an toàn (thông khí tự nhiên, thông khí cơ học hoặc phối hợp nhưng số lần luân chuyển khí/giờ phải đạt từ 12 luồng khí/giờ trở lên). Có thể dùng hệ thống hút khí ra ngoài (thấp bên dưới, cách nền nhà 10 – 15 cm) ra khu vực không có người qua lại và tránh cho không khí đã ô nhiễm tái lưu thông vào khu vực buồng bệnh.

Mang khẩu trang N95 khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tạo khí dung hoặc những nơi không đảm bảo hoặc không đánh giá được tình trạng thông khí.

Mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi vào phòng NB và cởi bỏ trước khi ra khỏi phòng đệm. Lưu ý không để phương tiện phòng hộ cá nhân chạm vào bề mặt môi trường hay những vật dụng khác khi cởi bỏ.

Chỉ vận chuyển trong những trường hợp hết sức cần thiết. Mang khẩu trang y tế cho NB khi ra khỏi phòng. Tiến hành thủ thuật trong phòng riêng với cửa ra vào phải đóng kín, thông khí an toàn và cách xa những NB khác…

Theo Bộ Y tế, vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn gồm nhiều chủng khác nhau. Một số chủng gây bệnh khi xâm nhiễm từ động vật sang người, số khác chỉ xâm nhiễm và tồn tại ở các loài động vật bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Đôi khi vi rút Corona từ động vật tiến hóa để lây sang người để rồi sau đó lây từ người sang người như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS). Chủng vi rút Corona được xác định năm 2019 (SARS-CoV-2) là chủng mới, chưa từng xuất hiện ở người. SARS-CoV-2 có khả năng lây từ người sang người và gây ra đại dịch Covid-19.

Tính đến cuối tháng 8.2022, sau hơn 2 năm gây dịch ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, toàn thế giới có hơn 600 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 6,4 triệu người tử vong. Số ca tử vong đã giảm đi đáng kể ở nhiều quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên hiện tại số mắc mới hằng ngày đang có xu hướng tăng tại một số quốc gia.

Từ đầu dịch đến nay VN có 11,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 43.000 người tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 được điều trị khỏi tại VN đến ngày 31.8 là hơn 10,17 triệu ca.

 

 LIÊN CHÂU

TNO