23/12/2024

Bẫy tín dụng đen bủa vây công nhân: Ám ảnh chiêu trò khủng bố

Bẫy tín dụng đen bủa vây công nhân: Ám ảnh chiêu trò khủng bố

Dù không liên can nhưng nhiều lãnh đạo, đồng nghiệp của người lao động vay nợ cũng bị khủng bố tinh thần bởi các băng nhóm tín dụng đen. Họ và gia đình bị bêu riếu trên mạng xã hội, xúc phạm danh dự, thậm chí bị đe doạ đến tính mạng.

 

 

Đe doạ tính mạng con cái đồng nghiệp

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty TNHH Nidec VN (TP.Thủ Đức, TP.HCM), bức xúc cho Thanh Niên hay công ty vừa gửi đơn cầu cứu đến Công an TP.HCM, Công an TP.Thủ Đức, Công an P.Tân Phú (TP.Thủ Đức) về tình trạng nhân viên của công ty bị nhóm cho vay đe dọa. Trong đơn nêu thời gian gần đây, công ty thường xuyên bị làm phiền bởi nhiều dịch vụ cho vay nóng, tín dụng đen dưới hình thức như gọi điện thoại (tự động hoặc trực tiếp) vào số máy công ty và cá nhân; gửi thư, gửi email nhắc nhở, hù dọa, chửi bới với lời lẽ thô tục đến nhân viên với lý do đòi nợ người lao động (NLĐ) đang làm việc tại công ty.

Bẫy tín dụng đen bủa vây công nhân: Ám ảnh chiêu trò khủng bố - ảnh 1
Tài liệu đính kèm mà Công ty TNHH Nidec VN gửi cơ quan công an điều tra

“Đặc biệt từ đầu tháng 7.2022 đến nay, nhân viên công ty chúng tôi bị vu khống, bôi nhọ danh dự, làm nhục từ các bài đăng trên trang mạng xã hội. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tình cảm, các mối quan hệ gia đình và xã hội của nhân viên”, anh Hùng nói và nêu ví dụ: “Một nữ nhân viên thuộc phòng nhân sự của công ty đã bị ghép ảnh, bôi nhọ trên mạng xã hội. Ảnh này ghép hình của chị và con chị với đám tang, kèm lời đe dọa nếu không trả nợ thì con gái của chị sẽ không an toàn. Nhóm cho vay biết được cả địa chỉ lẫn gia đình của nhân viên trong khi họ hoàn toàn không vay nợ”.

Bẫy tín dụng đen bủa vây công nhân: Ám ảnh chiêu trò khủng bố - ảnh 2
Tin nhắn giả mạo Công ty TNHH Nidec VN gửi người lao động thông báo chấm dứt hợp đồng

Anh Hùng cho biết thêm: “Nhóm cho vay còn gửi hàng loạt email rác, bêu xấu lãnh đạo công ty lừa đảo, kèm theo tất cả các thông tin cá nhân của lãnh đạo. Phía ban giám đốc chỉ có thể hỗ trợ chúng tôi tố cáo nhóm cho vay sang công an”.

Mở ra xem danh sách chặn hàng chục số điện thoại, anh Hùng ngán ngẩm: “Không chỉ số điện thoại cá nhân, ngay cả cổng điện thoại của phòng nhân sự vốn dùng cho hoạt động tuyển dụng lao động, trả lời thắc mắc của NLĐ, cũng bị khủng bố. Thử tưởng tượng điện thoại reo liên tục trong ngày. Ám ảnh lắm, chặn số này, thì lập tức có số khác gọi”.

Bẫy tín dụng đen bủa vây công nhân: Ám ảnh chiêu trò khủng bố - ảnh 3
Bên cho vay ghép ảnh con cái của nhân viên phòng nhân sự tại Công ty TNHH Nidec VN với hình ảnh đám tang rồi phát tán trên mạng xã hội  NVCC

Sau khi thống nhất cùng phía công đoàn, công ty đã quyết định tạm thời cắt số liên hệ của phòng nhân sự, dù biết điều này thoạt đầu có thể gây khó khăn cho việc trao đổi thông tin.

“Chúng tôi không còn cách nào khác. Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền tất cả công nhân viên không tiếp cận tín dụng đen, chỉ đạo bảo vệ không tiếp nhận hay để các đối tượng phát tờ rơi chào mời vay. Phía công đoàn đang giới thiệu những nguồn vay chính thống với mức lãi suất phù hợp cho NLĐ”, anh Hùng nói.

Thậm chí, bên cho vay còn dùng số điện thoại giả mạo phòng nhân sự của công ty gửi tin nhắn tới nhiều người vay hoặc không vay nợ với nội dung: chấm dứt hợp đồng lao động vì công ty đã nhắc nhở nhiều lần nhưng NLĐ không xử lý, khắc phục, dẫn đến công ty bị quấy rối liên tục, ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty và ban giám đốc. Thắc mắc liên hệ số điện thoại 093724xxxx…

Theo thông tin từ anh Hùng, mới đây, ngày 23.8, phía công an địa phương đã lên làm việc, thu thập chứng cứ liên quan. Anh mong muốn cơ quan điều tra ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín, hình ảnh và đời sống tinh thần của NLĐ.

 

Trả nợ thay để được yên ổn

Một nữ trưởng phòng nhân sự thuộc một công ty may mặc ở Q.Bình Tân (TP.HCM) kể tường tận cho chúng tôi nghe gần chục trường hợp công nhân, NLĐ vay nóng trong năm nay. Vì mất khả năng trả nợ và bị khủng bố tinh thần, NLĐ đành cắt liên lạc. Không truy lùng được con nợ, các nhóm cho vay tìm đến những trường hợp khác bất chấp họ có quen biết NLĐ hay không.

“Nơi bị làm phiền để đòi gặp người vay nợ đầu tiên là nhân viên kế toán, rồi tới phòng nhân sự. Cứ mỗi giờ, mỗi ngày là một số lạ điện thoại, người lạ điện tới. Họ chửi thề, đe dọa tính mạng con cái của các nhân viên. Họ còn đòi đâm người, vác mã tấu tìm gặp… và cảnh báo, hăm dọa “chỉ có công an mới cứu được tụi bây”…”, nữ trưởng phòng lo lắng và tiết lộ thêm: “Nhóm cho vay thường xuyên ghép hình ảnh giữa các cá nhân nam nữ trong công ty tung lên mạng xã hội và bêu xấu đây là mối quan hệ bất chính. Thậm chí, trong đợt giãn cách xã hội năm ngoái, chúng tôi phải giải quyết sự vụ có đối tượng giả danh NLĐ của công ty điện thoại lên bệnh viện báo là công ty có 2 người chết, hấp hối vì Covid-19, cần xe cấp cứu…”.

“Nhiều khi cả nhân viên lẫn NLĐ không còn tâm trí đâu mà làm việc. Thực tế, chúng tôi không muốn can thiệp vào quan hệ dân sự của NLĐ, nhưng nhân viên bị khủng bố yêu cầu giải quyết, chúng tôi phải làm. Chưa kể, ngay cả tổng giám đốc của công ty cũng bị gọi điện quấy nhiễu như vậy. Ban giám đốc muốn sâu sát, tìm hiểu NLĐ thật sự khó khăn không để giúp đỡ. Trong nhiều trường hợp, chủ công ty đứng ra giải quyết các khoản vay này”, vị này nói.

Ngoài ra, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều trường hợp bị cuốn vào các hình thức đòi nợ khủng bố dù không liên đới. Như trường hợp chị T., quản lý bộ phận nhân sự của một công ty dịch vụ, thương mại ở Q.10 (TP.HCM) liên tục nhận các cuộc gọi đe dọa, yêu cầu trả tiền mặc dù chị không hề vay nợ.

“Thống kê tại công ty, mỗi tháng có ít nhất chục trường hợp báo cáo công nhân dính vào vay lãi suất cao, mất khả năng trả nợ. Tình trạng này tại công ty tôi đã diễn ra từ nhiều năm nay, đã có hàng trăm số điện thoại lạ liên tục gọi đến khủng bố tôi. Gần đây nhất, một nam thanh niên tự xưng là nhân viên của công ty cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu, yêu cầu xác minh nhân thân công nhân và trả tiền vay thay cho họ. Khi tôi từ chối thì thanh niên này nói tôi là đồng lõa lừa đảo, dọa sẽ in hình ảnh của tôi đi dán khắp nơi”, chị T. phản ánh với chúng tôi.

Nữ quản lý nhân sự cũng cho hay có nhiều trường hợp theo dõi, thực tế không phải NLĐ vay, mà thân nhân của họ mượn nợ, nhưng chính chị lại là người bị khủng bố.

“Như trường hợp người nhà của nam công nhân tại công ty tôi vay nóng số tiền 22 triệu đồng. Sau 2 tháng gồng trả nợ bất thành, phía cho vay đã tự tính lãi phạt cộng tiền gốc, số tiền lúc này lên đến 88 triệu đồng. Liên hệ không được, họ khủng bố bằng cách nhắn tin, điện thoại bất kể ngày đêm. Có những câu lăng mạ như: “Chân chị còn dính phèn, chị nói chuyện bần lắm, sang lên đi chị. Chị làm từ công nhân đi lên cho nên chị mới lúa như vậy, chị chạy chọt hết bao nhiêu tiền để vô vị trí đó thế chị”…”, chị T. cho biết.

Không những chị T. bị khủng bố tinh thần mà chính em trai chị nhiều lần cũng bị liên hệ và nghe đầu dây bên kia nói chị T. quỵt nợ bỏ trốn. “Họ bảo đã biết họ tên, ngày tháng năm sinh của tôi và con tôi. Thật sự là giờ tôi cũng không biết làm sao”, chị T. nói trong tuyệt vọng. (còn tiếp)

 

LÊ TRỌNG – TRẦN DUY KHÁNH – PHAN THU HOÀI

TNO