23/12/2024

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có ‘giấy khai sinh’ Việt Nam

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có ‘giấy khai sinh’ Việt Nam

Việt Nam đã vươn lên nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu cá cảnh lớn trên thế giới. Một lượng không nhỏ cá cảnh các dòng như bảy màu, neon, dĩa… vốn rất được người Anh, Đức, Mỹ, Nam Phi ưa thích lại có “giấy khai sinh” tại Việt Nam.

 

 

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có giấy khai sinh Việt Nam - Ảnh 1.

Tại một trang trại nuôi cá cảnh xuất khẩu ở TP.HCM – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Trong câu chuyện hồi phục kỷ lục của ngành xuất khẩu thủy sản khi thu về 6,7 tỉ USD trong bảy tháng đầu năm có sự đóng góp thầm lặng của những trại cá cảnh. 2/3 trại cá ở Việt Nam đang đặt tại TP.HCM.

 

Liên tục lên máy bay

Tại trại cá cảnh rộng hơn 10.000m2 của Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.HCM), ông Nguyễn Văn Thủy, giám đốc hợp tác xã, cho biết hiện trang trại đang tập trung nuôi chăm và xuất ra thị trường khoảng vài chục loài cá khác nhau.

Bên cạnh một số loài “cá cỏ” giá trị thấp (chỉ từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/con) thường thấy như bảy màu, hồng kim, hà lan, trân châu, neon, tứ vân…, trang trại cũng đang sản xuất và ngày ngày cung cấp ra thị trường các dòng cá có giá trị cao như cá dĩa, la hán, ông tiên, ba đuôi…

Được thành lập từ năm 2013, đến nay hợp tác xã có 33 thành viên. Số lượng công nhân làm việc thường xuyên tại trang trại khoảng 60 – 80 người, hưởng mức lương bình quân 7 – 10 triệu đồng/tháng.

Ông Thủy cho biết hiện nay bình quân mỗi tháng hợp tác xã đều xuất khẩu khoảng hơn 1 triệu con với đủ chủng loài, doanh thu khoảng 2,5 tỉ đồng.

Tại khu vực đóng gói, vận chuyện hàng có phần đông đúc, nhộn nhịp hơn. “Manchester 38 thùng, còn Osaka 19 thùng…”, một tràng dài các địa chỉ và số lượng hàng cần phải chuẩn bị trong ngày hôm nay được một nhân viên đọc lớn trên loa. Các dòng cá đạt yêu cầu sau khi được tuyển lựa, phân loại tại trại cá sẽ được chuyển đến đây.

“Đa phần ở đây ngày nào chúng tôi cũng có đơn chuyến xuất đi nước này, nước kia cả. Thị trường lớn thì vẫn phải châu Âu và Mỹ, châu Á thì có Nhật, Hàn, Singapore, rồi UAE, Nam Phi, Ấn Độ… Các nước như Đức, Anh mê cá Việt mình lắm”, ông Thủy chia sẻ.

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có giấy khai sinh Việt Nam - Ảnh 2.

Giám đốc Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn Nguyễn Văn Thủy và 2 loại cá dĩa (trên), buồm dạ quang xuất khẩu có giá trị cao – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Nỗ lực tìm đơn hàng mới

Theo Chi cục Thủy sản TP.HCM, các năm trước xuất khẩu cá cảnh từng đem về 23 – 25 triệu USD, trong hai năm dịch vừa qua dù có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức 15 – 17 triệu USD/năm (khoảng 400 tỉ đồng).

Năm nay dự báo khó khăn, tuy nhiên vẫn có tín hiệu vui khi sáu tháng đầu năm xuất khẩu cá cảnh vẫn thu về 6,5 triệu USD và điều bất ngờ với không ít người là Việt Nam đã vươn lên nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu cá cảnh lớn trên thế giới.

Để phục hồi doanh thu như trước dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh đang phải nỗ lực tìm thị trường mới, chắt chiu từng đơn hàng và mở rộng dòng sản phẩm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Ngọc Hùng, phó giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết đây hiện là thời điểm quan trọng để các trại cá lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cá tập trung gom hàng, chuẩn bị cho mùa vụ cao điểm nhất trong năm.

“Cá trong ba tháng hè thường sẽ ít xuất khẩu vì nghỉ hè người Tây sẽ đi du lịch. Đến cuối tháng 8 dương lịch là cao điểm bởi người dân các nước sẽ mua cá rất nhiều để chơi trong dịp Noel, chơi Tết Dương lịch sắp tới”, ông Hùng thông tin.

Để có những đơn hàng quốc tế ngay thời điểm hậu COVID-19, Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng phải linh động rất nhiều. Thêm tiêu đề tiếng Anh trên website của công ty, ông Hùng chia sẻ công ty không ngại khó ngại khổ tìm đến các nước để chào hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm.

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có giấy khai sinh Việt Nam - Ảnh 3.

Ngành tiềm năng lớn, lợi nhuận cao

Theo bà Võ Thị Mộng Thu – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, xuất khẩu cá cảnh là một ngành tiềm năng khi có tỉ suất lợi nhuận lớn, đã và đang mang về kim ngạch xuất khẩu hằng năm đáng kể cho ngành thủy sản.

Thị phần sản xuất cá cảnh tuy không lớn so với cá thịt nhưng có giá trị gia tăng và với linh phụ kiện đi kèm, tạo thành ngành dịch vụ và nông nghiệp đô thị quan trọng.

“Giá trị xuất khẩu cá cảnh của TP nhìn chung từ năm 2012 đến trước thời điểm dịch COVID-19 đều tăng 16%/năm, xuất khẩu đều khắp các châu lục. Giai đoạn xuất khẩu cá cảnh tốt nhất là năm 2015 – 2016, với tỉ lệ tăng trên 28%/năm. Đến năm 2021, giá trị xuất khẩu lại giảm so với năm 2019 do dịch bệnh”, bà Thu cho biết.

Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương (khoa thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), Việt Nam có lợi thế cơ bản khi nằm trong khu vực trung tâm sản xuất cá cảnh nước ngọt nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nam Bộ lại có lợi thế về điều kiện tự nhiên.

Tuy nhiên, ông Lương cho rằng sản xuất cá cảnh ở TP.HCM và các tỉnh phụ cận đa phần ở quy mô nhỏ, thiếu định hướng và chiến lược để cạnh tranh ở tầm khu vực và thế giới. Cần hình thành những công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt thị trường và tạo đột phá xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Lương cho rằng để phát triển ngành này, cần có kho lưu trữ dữ liệu thông tin về giống loài, kỹ thuật, thị trường để dẫn dắt doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh.

Các dòng cá bảy màu, neon, dĩa ở Anh, Đức, Mỹ có giấy khai sinh Việt Nam - Ảnh 4.

Mỗi tháng có hơn 1 triệu con cá được hợp tác xã do ông Nguyễn Văn Thủy làm giám đốc xuất ra năm châu – Ảnh: CÔNG TRIỆU

Gặp khó vì vận chuyển

Anh Lâm Diệu Tài, quản lý trang trại cá cảnh chuyên xuất khẩu tại tỉnh Long An, cho biết xuất khẩu cá cảnh đang gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu đến từ việc không tìm được chuyến bay và giá cước vận chuyển tăng mạnh.

Trong hai năm dịch bệnh, chuyện không thể tìm được chuyến bay để gửi hàng ra nước ngoài, cụ thể là khu vực châu Âu và Mỹ, với các công ty như anh Tài là không hiếm.

“Doanh nghiệp cũng quen với việc đơn xuất kho, thậm chí ra gần tới tàu bay vẫn phải quay đầu về kho và nằm chờ tiếp. Cứ kéo dài thế này thì rất khó vì hiện đơn hàng khá dày mà thị trường sắp sửa vào vụ”, anh Tài nói.

Chi phí vận chuyển tăng cao, mỗi kg hàng gửi đi Mỹ trước năm 2020 chỉ khoảng 4 USD nhưng hiện đã tăng lên gần 16 USD.

Đặc biệt, việc khan hiếm chuyến bay khiến việc ghép đơn hàng hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó doanh nghiệp muốn gửi hàng thì bắt buộc phải mua nguyên kệ (730kg/kệ) cho dù đơn hàng có thể chỉ cần khoảng một nửa số đó.

 

TP.HCM đứng đầu

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM), TP.HCM là trung tâm cá cảnh và cũng là địa phương chiếm tỉ trọng xuất khẩu cao nhất cả nước với 62%, Tiền Giang đứng thứ hai với 13%.

CÔNG TRIỆU
TTO