Heo chết hàng loạt sau tiêm vắc xin: Dân nói tiêm đúng, bộ nói tiêm sai
Heo chết hàng loạt sau tiêm vắc xin: Dân nói tiêm đúng, bộ nói tiêm sai
Khi nghe có vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, nhiều người chăn nuôi ở Phú Yên hồ hởi đăng ký và tiêm cho đàn heo. Tuy nhiên chưa kịp mừng vì heo được bảo vệ khỏi dịch bệnh, nhiều hộ nuôi đã khóc ròng khi thấy đàn heo bệnh, chết hàng loạt.
Đến ngày 26-8, ông Lê Hùng Vương (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) chưa hết bàng hoàng khi toàn bộ 34 con heo được tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC, do Công ty CP Thuốc thú y trung ương (Navetco) sản xuất, bỗng đổ bệnh nặng rồi lăn ra chết.
Khoảng 7 ngày sau tiêm vắc xin, heo chết cả đàn
Với thâm niên hơn 30 năm nuôi heo, cả heo nái lẫn heo thịt, ông Vương cho biết gia đình ông rất ý thức việc tiêm chủng ngừa.
“Heo nhà tôi từ mới sinh đến khi trưởng thành đều được nhỏ kháng thể, tiêm ngừa dịch E.Coli, tiêm phòng 3 bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả. Năm nay nghe có vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi, tôi đăng ký tiêm ngay cho đàn heo. Tưởng heo sẽ khỏe mạnh, ai ngờ…”, ông Vương nói khi đưa chúng tôi đi xem các chuồng heo trống trơn.
Theo ông Vương, sau khi được Trạm thú y huyện Phú Hòa thông báo có vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, ông cùng nhiều người trong xã đã đến đăng ký. Sau 7 – 10 ngày, vắc xin được chuyển về, thú y viên của xã đến các hộ nuôi để tiêm cho heo.
“Nhà tôi nuôi 48 con heo, nhưng tôi chỉ tiêm cho 34 con, số còn lại là heo nái gần đẻ và heo thịt lớn sắp xuất chuồng nên không tiêm. Heo được tiêm vắc xin ngày 13-8 thì đến các ngày 20, 21-8 đồng loạt “trổ” bệnh: sốt cao, xuất huyết ngoài da, ói hoặc đi tiêu ra máu, nước tiểu vàng đậm, bỏ ăn, sau đó ngã ra chết hàng loạt”, ông Vương kể
Trong khi đó những con heo của gia đình ông Vương không tiêm ngừa loại vắc xin nêu trên vẫn đang phát triển bình thường, heo nái vẫn đẻ con khỏe mạnh. “Thiệt hại đối với người chăn nuôi heo quá lớn, như gia đình tôi là hơn 200 triệu đồng.
Vì vậy tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm và công ty sản xuất vắc xin sớm có kết luận vì sao heo chết, xác định ai chịu trách nhiệm về thiệt hại này để bồi thường, hỗ trợ cho dân”, ông Vương đề nghị.
Cũng ở xã Hòa Định Đông, nhà ông Mai Xuân Thủy nuôi 43 con heo. “Đáng lẽ tui tiêm vắc xin hết đàn luôn, nhưng vì thuốc không đủ nên chỉ tiêm 28 con. Sau 1 tuần tiêm thuốc thì heo đổ bệnh nặng, đến nay đã chết 17 con rồi”, ông Thủy cho hay.
Lòng vòng trách nhiệm
Ông Đào Lý Nhĩ, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết do nhu cầu người nuôi, các trạm chăn nuôi và thú y ở Phú Yên đã cung ứng vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi cho người dân và từ ngày 4-8 đến 17-8, thú y cơ sở đã tiêm cho 756 con heo từ 2 tháng tuổi trở lên.
“Sau khi tiêm 2 – 7 ngày, heo bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng: sốt, bỏ ăn, có con không đi lại được, cơ thể tím tái và chết. Đến chiều 26-8, đã có 756 con mắc bệnh, trong đó 431 con đã chết”, ông Nhĩ cho hay.
Nhiều người chăn nuôi tại Phú Yên khẳng định việc Bộ NN&PTNT thông tin rằng người dân mua 36 lọ vắc xin (tương đương 900 liều) về tự tiêm cho đàn heo mà không có hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y như trong thông cáo báo chí vào ngày 25-8 là không chính xác.
“Dân muốn có vắc xin phải đăng ký với trạm thú y huyện, rồi trạm báo lên cho Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên mua về cung ứng. Có vắc xin, thú y viên của xã đến các hộ chăn nuôi tiêm chứ không phải người nuôi tiêm”, bà Trần Thị Thuận (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-8, ông Nguyễn Văn Lâm, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên, khẳng định vắc xin này đã được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành trên toàn quốc từ ngày 18-5-2022, có hiệu lực đến 18-5-2027.
“Ngày 25-5, Công ty Navetco cũng gửi thông báo chào giá, bán rộng rãi cho các địa phương, cửa hàng thuốc thú y có nhu cầu. Như vậy đây là vắc xin đã ra thành phẩm, được bán thương mại rộng rãi toàn quốc”, ông Lâm nói, đồng thời cho biết đã hướng dẫn là vắc xin này chỉ tiêm cho heo 8 – 10 tuần tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, một số người dân mở rộng đối tượng tiêm phòng với heo nhỏ hoặc lớn tuổi hơn, heo nái, heo đực giống… Ông Dương Bá Trực, cán bộ thú y xã Hòa Định Đông, cho biết sau khi tiêm cho đàn heo 8 – 10 tuần tuổi, nhiều người dân nhờ tiêm luôn cho heo các loại không kể lứa tuổi nào.
“Vì những ngày đầu sau tiêm, heo không sao cả nên bà con mới nhờ tiêm. Không ngờ sau 7 ngày, heo đổ bệnh. Chúng tôi tiêm phòng cho 139 con của 12 hộ chăn nuôi, có đến 128 con chết, chỉ còn 11 con nhưng cũng đã “nằm” rồi”, ông Trực thừa nhận.
Bình Định: 258 con heo chết sau tiêm vắc xin
Ngày 26-8, ông Huỳnh Ngọc Diệp, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Định, cho biết địa phương này có tổng cộng 258 con heo của 83 cơ sở chăn nuôi bị chết sau khi được tiêm vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, dù chỉ tiêm cho heo 8 – 12 tuần tuổi.
Bà Nguyễn Thị Mai (ở huyện Tây Sơn) cho biết sau khi được tiêm vắc xin 7 – 8 ngày, một số heo của gia đình bà bắt đầu bị sốt, bỏ ăn, nằm gục tại chỗ rồi chết. “Trước khi được tiêm vắc xin, heo nhà tôi vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường và không hề có biểu hiện gì khác lạ. Vậy nhưng không hiểu sao sau khi tiêm vắc xin vào là heo bệnh, chết”, bà Mai buồn bã.
LÂM THIÊN
Cục Thú y khẳng định do tiêm không đúng loại heo
Ông Nguyễn Văn Long (quyền cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ qua kiểm tra thực tế tại một số tỉnh (Phú Yên, Bình Định) đã sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC. Các đoàn công tác Cục Thú y phát hiện việc phân phối, tổ chức tiêm phòng vắc xin không đúng theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất.
Theo đó, người dân, cán bộ thú y cơ sở tự ý tiêm không đúng đối tượng heo được chỉ định, không thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh, sát trùng… “Nếu tính tổng tất cả các loại heo chết đến nay mới ghi nhận 602 con (chiếm 2,6%) trong tổng số 22.844 con heo được tiêm. Như vậy phải khẳng định vắc xin dịch tả heo châu Phi hiệu quả”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, đến ngày 22-8, Công ty Navetco đã cung ứng 22.844 liều vắc xin cho 19 tỉnh, thành phố. Những địa phương làm theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Cục Thú y chỉ có 27 con heo chết (chiếm 0,6%), giống như bất kỳ các loại vắc xin khác. Ngay tại Bình Định, có 905 liều được tiêm theo hướng dẫn, đến nay heo đều phát triển tốt.
Theo Cục Thú y, số lượng heo phản ứng, chết sau tiêm vắc xin tại Bình Định và Phú Yên đã giảm, cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trước mắt, Công ty Navetco cam kết bước đầu hỗ trợ 2 triệu đồng/heo nái và heo đực giống, 1 triệu đồng/heo thịt bị chết sau tiêm vắc xin, đồng thời hỗ trợ thuốc, chất bổ trợ để điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng những con heo có phản ứng sau tiêm phòng.
C.TUỆ