22/01/2025

Các lãnh đạo doanh nghiệp thao túng cổ phiếu từng bị xử án ra sao?

Các lãnh đạo doanh nghiệp thao túng cổ phiếu từng bị xử án ra sao?

Việc ông Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi nâng vốn khống ở FLC Faros gây nhiều chú ý. Trước đó từng có lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị lãnh án chung thân sau khi tăng vốn khống, thao túng cổ phiếu.

 

Các lãnh đạo doanh nghiệp thao túng cổ phiếu từng bị xử án ra sao? - Ảnh 1.

Cổ phiếu “họ FLC” liên tục rớt giá sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt do thao túng chứng khoán – Ảnh: B.MAI

Ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC – vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) ra quyết định khởi tố bổ sung để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì đã nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS) từ vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng lên đến 4.300 tỉ đồng trong năm 2014-2016, rồi đưa công ty lên sàn chứng khoán, “bán giấy lấy tiền”, thu về hơn 6.400 tỉ đồng.

Diễn biến của cổ phiếu ROS khiến nhiều nhà đầu tư chú ý, được xem là một hiện tượng trên sàn chứng khoán.

Trải qua thời kỳ huy hoàng tăng lên giá 214.000 đồng vào cuối năm 2017, góp phần giúp ông Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản 2,5 tỉ USD, hiện tại mã ROS chỉ còn ở giá 2.510 đồng/cổ phiếu và sắp bị hủy niêm yết kể từ ngày 5-9.

Với những bất thường về cả giá cổ phiếu lẫn thông số trong báo cáo tài chính, nhiều năm qua không ít người trong giới đầu tư chứng khoán cũng đã đặt nghi vấn về những “mờ ám” liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và “họ FLC”.

Mặc dù hiện tại chưa có phán quyết cuối cùng đối với ông Trịnh Văn Quyết về các hành vi sai phạm, tuy nhiên trong lịch sử thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến nhiều lãnh đạo nhúng tay nâng khống vốn điều lệ công ty, thao túng cổ phiếu. Có người đang bị điều tra, có người đã bị lãnh án phạt cả về dân sự lẫn hình sự.

Điển hình như hồi tháng 1-2022, đại diện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP ASA và các đơn vị liên quan”.

Căn cứ vào kết quả điều tra, xác định ông Nguyễn Văn Nam – nguyên giám đốc ASA – đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỉ đồng, để bán và thu tiền bất chính.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Nam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp khác, ngày 5-3-2020 TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án thao túng giá chứng khoán tại Công ty CP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA).

Theo cáo trạng, vào cuối năm 2015, bà Phạm Thị Hinh (cựu chủ tịch hội đồng quản trị KSA, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán VSM) đã tăng vốn điều lệ KSA bằng cách phát hành thêm 56,5 triệu cổ phiếu mã KSA.

Tuy nhiên sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA lại bị giảm mạnh nên bà Hinh đã chỉ đạo nhiều đồng phạm lập ra 69 tài khoản chứng khoán và liên tục mua bán để tạo cung cầu giả, gây sự chú ý khiến nhiều “con mồi” nhảy vào mua bán cổ phiếu. Việc này đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với tổng số tiền 8 tỉ đồng.

Cũng tại phiên xử, bà Hinh khai nhận do sau khi phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ nhưng bị ế nên đã nhờ người đứng tên mua cổ phần. Tiền mua cổ phần được vay từ ngân hàng, sau đó nộp vào công ty, rồi lại rút ra trả nợ ngân hàng.

Sau cùng, ngoài phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư, hội đồng xét xử cũng tuyên bị cáo Hinh 18 tháng tù về tội “thao túng thị trường chứng khoán”. Ba đồng phạm của Hinh mỗi người bị phạt 15 tháng tù treo với thời gian thử thách 3 tháng.

Ở một vụ án khác, vào chiều 7-5-2019, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết phạt tù chung thân với bị cáo Trần Hữu Tiệp – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Mỏ và khoáng sản Miền Trung (mã chứng khoán MTM) – về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong vụ án thao túng giá cổ phiếu MTM.

14 bị cáo còn lại có liên quan bị tuyên từ 18 tháng tù đến 12 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội giả mạo trong công tác.

Một trong những thông tin đáng chú ý là dù Công ty MTM không có vốn, không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được ông Nguyễn Văn Dĩnh – nguyên giám đốc Công ty CP Khoáng sản Nari Hamico – mua lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM với giá 3 tỉ đồng, rồi chỉ đạo em gái và kế toán làm giả hồ sơ cho Công ty MTM đủ điều kiện được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Trong lúc đang chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM thì ngày 29-5-2015 ông Dĩnh lại bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả giấy tờ, trốn thuế…

Biết “đường đi nước bước” nên Tiệp cùng đồng phạm đã thỏa thuận với vợ của ông Dĩnh để mua lại giấy tờ Công ty MTM rồi hoàn thiện hồ sơ, đưa cổ phiếu MTM lên sàn chứng khoán, sau đó thu lợi bất chính từ số cổ phiếu bán ra. Ước tính có hơn 1.000 bị hại trong vụ việc.

BÔNG MAI