23/12/2024

Ukraine áp dụng học thuyết ‘kháng chiến’ của Mỹ để chống Nga

Ukraine áp dụng học thuyết ‘kháng chiến’ của Mỹ để chống Nga

Quân đội Ukraine được cho là đã áp dụng hình thức kháng chiến do phương Tây xây dựng, trong đó huy động cả nguồn lực từ nhân dân để chống lại đối thủ mạnh hơn nhiều.

 

 

Trong lúc xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ bảy, các quan chức Mỹ và châu Âu đánh giá Ukraine đã áp dụng thành công phương thức được lực lượng các chiến dịch đặc biệt của Mỹ phát triển để chống lại đối thủ vượt trội về sức mạnh quân sự.

 

Bất quy ước

Theo CNN, phương pháp này gọi là Phác thảo tổ chức kháng chiến (ROC) được lực lượng Mỹ phát triển vào năm 2013, sau cuộc chiến giữa Nga với Georgia năm 2008. Đến năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine khiến Ukraine và phương Tây bất ngờ, đồng thời thúc đẩy phương Tây nghiên cứu phát triển kế hoạch phòng thủ tổng lực, không chỉ bằng quân đội mà còn có sự tham gia của dân chúng.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine từ tháng 2 đã tạo điều kiện để ROC được mang ra thực hành. Học thuyết này cung cấp cách tiếp cận mới và bất quy ước trong tác chiến và phòng thủ tổng lực.

Ukraine áp dụng học thuyết 'kháng chiến' của Mỹ để chống Nga - ảnh 1
Người dân Odessa học cách sử dụng súng để bảo vệ thành phố hồi tháng 3  REUTERS

Tướng về hưu Mark Schwartz, tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt châu Âu của Mỹ trong thời gian ROC được phát triển, cho biết: “Đó là cuộc phòng thủ toàn diện, tận dụng mọi nguồn lực của chính quyền Ukraine. Họ đang sử dụng toàn bộ nguồn lực và họ cũng đang sử dụng một số phương tiện mang tính bất quy ước cao để ngăn chặn quân đội Liên bang Nga”.

Một ví dụ cho phương thức kháng chiến bất quy ước là các vụ tấn công và nổ tại căn cứ của Nga tại Crimea gần đây. Một báo cáo của chính quyền Ukraine được chia sẻ với CNN thừa nhận rằng Kyiv đứng sau các vụ tấn công các căn cứ và một kho đạn của Nga. Đến nay Ukraine không công khai thừa nhận đứng sau.

Các cuộc tấn công sâu trong lòng đối phương, vượt ngoài tầm bắn của các vũ khí mà phương Tây đã công khai gửi cho Ukraine. Các đoạn video hiện trường cũng không cho thấy tên lửa bay đến hay máy bay không người lái. Nga cáo buộc đã có hành động phá hoại đằng sau các vụ nổ.

Đại tá lục quân Mỹ về hưu Kevin Stringer, người đứng đầu nhóm phát triển khái niệm trên, cho rằng những vụ tấn công Crimea là dấu hiệu của việc ROC được sử dụng. “Do bạn không thể tiến hành theo cách quy ước, bạn sẽ phải sử dụng các lực lượng đặc nhiệm và những lực lượng đó cần sự hỗ trợ về tình báo, nguồn lực, hậu cần nhằm tiếp cận những khu vực này”, ông Stringer nói.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 4, tướng Richard Clarke, tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, nói rằng Mỹ đã giúp huấn luyện các đơn vị tại Ukraine có thành phần là lực lượng đặc nhiệm trong hơn 18 tháng trước đó. Khi được hỏi việc huấn luyện có chứng minh tác dụng trong xung đột hiện nay, ông Clarke trả lời thẳng thắn là “có”.

“Sức mạnh nhân dân”

Vào thời gian đầu xung đột, chính quyền Ukraine đã lập website liệt kê những cách để kháng chiến. Trong đó có việc sử dụng hành động phi bạo lực như tẩy chay các sự kiện công cộng, đình công, sử dụng biện pháp châm biếm. Mục đích là nhằm ngăn chặn chính quyền thân Nga tại những vùng bị Moscow kiểm soát có thể quản lý khu vực đó và cũng nhằm nhắc nhở người dân về chủ quyền. Học thuyết còn gợi ý những hành động bạo lực như tấn công bằng bom xăng, phóng hỏa, đổ hóa chất vào bình xăng để làm hỏng phương tiện của đối phương.

Ukraine áp dụng học thuyết 'kháng chiến' của Mỹ để chống Nga - ảnh 2
Người dân Zhytomyr học cách ném bom xăng để bảo vệ thành phố  REUTERS

Học thuyết kêu gọi thực hiện chiến dịch tuyên truyền rộng rãi để kiểm soát cách mà cuộc xung đột được tường thuật, ngăn chặn việc tuyên truyền của đối phương và khiến người dân đoàn kết.

Những đoạn video quay cảnh binh sĩ Ukraine cứu động vật bị bỏ rơi hoặc cảnh Ukraine tấn công xe tăng Nga, được lồng ghép nhạc pop hoặc rock, đã được lan truyền mạnh trên các mạng xã hội. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đóng vai trò đầu tàu khi thường xuyên hiện diện trước cộng đồng quốc tế, mỗi đêm đều có bài phát biểu về tình hình, mục đích là để cuộc chiến không bị lãng quên. Chiến dịch lan tỏa thông điệp này mang lại sự ủng hộ cho Ukraine và giúp nước này nhận được thêm vũ khí từ các nước phương Tây.

Về tổng thể, khái niệm này cung cấp một khuôn khổ cho việc gia tăng khả năng chống chịu của một quốc gia trước sức ép bên ngoài, và việc lên kế hoạch cho cuộc kháng chiến. ROC được thiết kế để có thể điều chỉnh phù hợp với dân số, năng lực và địa hình của từng nước khác nhau. Học thuyết này không nhằm tạo ra hoặc hỗ trợ việc dấy loạn mà nhằm thành lập một lực lượng được chính phủ chấp nhận để thực hiện các hoạt động chống lại thế lực từ bên ngoài.

“Đây là cách để đảo ngược tình thế trước một cường quốc hàng đầu thế giới. Thật ấn tượng khi chứng kiến điều mà ý chí và lòng quyết tâm phản kháng có thể làm, bất chấp những mất mát không thể tin được về tính mạng và sự hy sinh”, tướng Schwartz nói.

Không chỉ Ukraine, ít nhất 15 nước đã tham gia huấn luyện liên quan đến ROC và sự quan tâm của các nước châu Âu với học thuyết ngày càng tăng.

VI TRÂN

TNO