23/12/2024

Đụng độ đẫm máu giữa 2 phe chính trị ở thủ đô Libya

Đụng độ đẫm máu giữa 2 phe chính trị ở thủ đô Libya

Cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Tripoli của Libya giữa lực lượng ủng hộ 2 chính phủ ngày 27.8 đã khiến ít nhất 23 người thiệt mạng.

 

 

 

Đụng độ đẫm máu giữa 2 phe chính trị ở thủ đô Libya - ảnh 1
 Một chiếc xe cháy rụi trên đường phố Tripoli hôm 27.8 AFP

AFP đưa tin cuộc đụng độ ở thủ đô Tripoli của Libya giữa những người ủng hộ các chính phủ đối lập nhau ngày 27.8 đã khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và làm hư hại 6 bệnh viện.

Nhiều vụ cháy, nổ đã làm rung chuyển các quận của Tripoli từ đêm trước đến ngày 27.8. Khói cũng bốc lên từ các tòa nhà bị hư hại. Theo AFP, đến tối 27.8, trật tự dường như đã được lập lại.

Bộ Y tế Libya ở Tripoli thông báo 23 người đã thiệt mạng và 140 người bị thương trong cuộc giao tranh. Sáu bệnh viện đã bị tấn công và xe cứu thương không thể tiếp cận các khu vực bị cuộc đụng độ ảnh hưởng, Bộ Y tế cho biết trước đó, lên án “tội ác chiến tranh”.

Phái bộ Libya tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch” vì “các cuộc đụng độ có vũ trang đang diễn ra bao gồm các cuộc pháo kích bừa bãi vào các khu dân cư đông đúc”.

Đại sứ Mỹ tại Libya, ông Richard Norland, cũng tuyên bố Washington “lên án” tình trạng bạo lực gia tăng, đồng thời kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian giữa các bên xung đột”.

Cuộc đụng độ diễn ra giữa hai chính phủ đang tranh giành quyền kiểm soát đất nước Bắc Phi này và nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của nó: Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) do ông Abdulhamid Dbeibah lãnh đạo ở thủ đô Tripoli và một chính phủ do cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha lãnh đạo được quốc hội phê chuẩn ở phía đông Libya.

Hai bên đều cáo buộc phía còn lại gây ra cuộc đụng độ mới nhất. GNU, chính phủ được thành lập như một phần của tiến trình hòa bình do LHQ lãnh đạo sau bạo lực, tuyên bố giao tranh nổ ra sau khi các cuộc đàm phán để tránh đổ máu ở Tripoli sụp đổ.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Bashagha, người được quốc hội Libya và chỉ huy quân đội Khalifa Haftar ở phía đông hậu thuẫn, nói rằng nhiệm vụ của GNU đã kết thúc.

Ông Bashagha được quốc hội bầu ra năm 2014 bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ vào tháng 2. Chính phủ này đặt tại thành phố Tobruk, miền đông Libya.

Tuy nhiên, cho đến nay ông Bashagha vẫn chưa thể nhậm chức ở Tripoli vì ông Dbeibah đã khăng khăng chỉ giao quyền lực cho một chính phủ dân cử.

Chính phủ của ông Dbeibah cáo buộc ông Bashagha “thực hiện những lời đe dọa của mình” để chiếm Tripoli bằng vũ lực.

GNU cũng nói nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra về việc “tổ chức bầu cử vào cuối năm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị”, nhưng ông Bashagha đã “rời đàm phán vào thời điểm cuối cùng”.

Ông Bashagha phủ nhận sự tồn tại của các cuộc đàm phán như vậy và cáo buộc chính quyền “bất hợp pháp” của ông Dbeibah “bám lấy quyền lực”.

Tuần trước, ông Bashagha đã kêu gọi “những người đàn ông của Libya” từ bỏ sự ủng hộ của họ đối với chính quyền “lỗi thời và bất hợp pháp” của ông Dbeibah.

Cuộc đụng độ mới nhất làm dấy lên lo ngại rằng khủng hoảng chính trị ở Libya có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang lớn.

“Chiến tranh đô thị có logic riêng của nó, có hại cho cả cơ sở hạ tầng dân sự và con người. Vì vậy, ngay cả khi không phải là một cuộc chiến kéo dài, cuộc xung đột này gây hủy diệt rất lớn, như chúng ta đã thấy”, AFP dẫn lời ông Emadeddin Badi, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

ĐÔNG A

TNO