23/01/2025

‘Thuốc’ nào chữa ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất?

‘Thuốc’ nào chữa ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất?

Phân luồng lại xe công nghệ, đổi vị trí đón xe buýt, cấm tuyệt đối taxi chào mời khách… là những giải pháp kỹ thuật liên tiếp được áp dụng, nhưng để “chữa bệnh” ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ dùng “thuốc hạ sốt” thôi chưa đủ!

 

 

TP sẽ quản nếu tình hình không cải thiện

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành chỉ đạo khẩn liên quan việc tổ chức giao thông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng Công an TP, UBND Q.Tân Bình, UBND Q.Phú Nhuận và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất khẩn trương nghiên cứu, thống nhất các phương án tổ chức giao thông tại sân bay. Trong đó, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phát triển hệ thống các tuyến xe buýt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giao thông công cộng. Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với tổ công tác liên ngành đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực sân bay, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các lực lượng có biện pháp phòng chống, hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông; kịp thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc phát sinh.

'Thuốc' nào chữa ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất? - ảnh 1
Hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 25.8  NHẬT THỊNH

“Nếu tình hình trật tự an toàn giao thông tại Tân Sơn Nhất không được cải thiện, giao Sở GTVT nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét phương án quản lý đối với sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp với xu thế phát triển và cơ chế đặc thù về quản lý đô thị đặc biệt tại TP”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Chỉ đạo khẩn trên cho thấy những bất cập của sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua đã tới mức bức thiết. Không chỉ còn dừng lại ở việc quá tải nhà ga, các chuyến bay thường xuyên trễ (delay), mọi bức xúc giờ đổ dồn về khu vực đón xe phía ngoài nhà ga quốc nội.

Báo cáo UBND TP trước đó, Sở GTVT TP đánh giá việc tổ chức các làn đón trả khách tại ga quốc nội chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ và xe buýt được đón trả khách tại vị trí thuận lợi. Xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ đón khách tại làn D bên trong tòa nhà TCP dẫn đến tập trung đông khách, gây mất trật tự, nhưng chưa được cơ quan quản lý tòa nhà phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Ngoài ra, do không có bãi đỗ xe dành cho phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, taxi nên tình trạng giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu hành khách vào các giờ cao điểm.

 

Lỗi do quản lý?

'Thuốc' nào chữa ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất? - ảnh 2
 Hành khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM)  NHẬT THỊNH

Tại Hội thảo về quy hoạch giao thông TP.HCM diễn ra cuối tuần qua, ông Phan Văn Mãi thừa nhận giải pháp căn cơ để quản lý bài bản các hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất là đẩy nhanh dự án nhà ga T3 và các tuyến đường kết nối. Tuy nhiên, vấn đề điều hành, quản trị nội bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hiện vẫn chưa thật sự tốt.

“Có những việc sau khi lãnh đạo Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo, sau đó các bên ngồi lại với nhau thì đã cải thiện được, như việc đưa xe buýt vào đưa đón hành khách, tăng cường taxi, sắp xếp luồng tuyến… Điều đó cho thấy Bộ GTVT cần tiếp tục chỉ đạo để TP cùng các đơn vị liên quan làm tốt hơn việc quản lý sân bay Tân Sơn Nhất”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận.

Trước quan điểm trên, ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, phân tích: Về phối hợp, Cảng liên tục họp với Sở GTVT và luôn sẵn sàng phối hợp nhiệt tình. Đơn cử, khi Sở GTVT đặt vấn đề chuyển tuyến xe buýt đón khách từ ga quốc tế xuống ga quốc nội, Cảng đã lập tức phối hợp cùng khảo sát và thực hiện. Sau đó, Sở muốn chuyển đổi vị trí đón khách của xe buýt từ cuối làn B lên đầu làn B, thêm các thông báo tại khu lấy hành lý cho khách thuận tiện tiếp cận… thì Cảng cũng đồng ý ngay. Về việc chủ động các giải pháp xử lý bất cập về hoạt động vận tải đón khách, từ năm 2021 Cảng Tân Sơn Nhất đã mở thêm 2 làn xe trong khu vực nhà để xe TCP để giải tỏa cho các phương tiện, đồng thời điều thêm an ninh tăng cường chốt, gác, kiểm soát… không phải chờ tới khi Bộ, Cục chỉ đạo mới làm.

Cũng theo lãnh đạo Cảng, tất cả phương tiện vận tải đều đang phải chia nhau gồng mình cõng lượng khách tăng rất lớn. Sản lượng hành khách ở ga quốc nội tăng tới gần 31% so với cao điểm 2019, tất cả dồn hết vào một nhà ga. Trong khi đó, lượng xe taxi, vận tải hành khách hiện vẫn thiếu, đặc biệt vào khung giờ cao điểm và khi chuyến bay dồn dập xuống cùng một thời điểm, nên dù đã cố gắng hết sức nhưng cũng rất khó để giải quyết triệt để bất cập.

 

Điều tiết giờ chỉ mang tính “hạ sốt”

Thực tế, số lượng các dự án “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất có rất nhiều nhưng hầu hết đều chỉ trên giấy. Ngoài nhà ga T3 và chùm 5 dự án kết nối giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá đặc biệt cấp bách nhưng ì ạch mãi chưa thể khởi công, kế hoạch của Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) còn có dự án xây dựng nhà để xe tại khu vực ga quốc tế; làm đường hầm hoặc cầu đi bộ kết nối nhà xe TCP với nhà ga. Mới đây, Cục Hàng không VN đã có văn bản đề xuất ACV sớm thực hiện các dự án này ngay trong giai đoạn năm 2023. Trước đó, từ năm 2018, một doanh nghiệp cũng đề xuất xây dựng trung tâm dịch vụ hàng không (ga hàng không trung chuyển tên H-CAT) kết nối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện nay và cảng hàng không Long Thành trong tương lai. Đề án khi đó được ACV đánh giá cao, khẳng định phù hợp với chỉ đạo của Bộ GTVT về việc giảm tải cho người đưa tiễn, phương tiện ra vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, rồi cũng “chìm vào quên lãng” suốt 5 năm qua.

Từng là thành viên thuộc Tổ tư vấn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM, TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết tình trạng ùn tắc của sân bay này như hiện nay đã được các chuyên gia dự báo trước nên từ giai đoạn 2016 – 2017, TP đã cấp bách tính chuyện mở rộng sân bay. Nếu không có 2 năm dịch bệnh thì có thể tình trạng quá tải còn diễn ra sớm hơn. Hiện nay, cơ sở hạ tầng quá nghẽn, quản lý gỡ được chỗ này thì kẹt ở chỗ khác. Tất cả những giải pháp được đưa ra hiện nay chỉ mang tính ngắn hạn, triệu chứng tới đâu gỡ tới đó, như liều thuốc giảm sốt. Về lâu dài không thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.

TS Dương Như Hùng còn lo ngại ngay cả khi tất cả các dự án nêu trên hoàn thành thì có thể sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ùn tắc vì tất cả hoạt động ra/vào sân bay chỉ dồn vào một chỗ phía nam. Vì thế, nếu không tính phương án tiếp cận sân bay từ nhiều hướng, cả phía bắc và phía nam, thì dù có nhà ga T3 cũng sẽ tiếp tục quá tải.

'Thuốc' nào chữa ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất? - ảnh 3

“Thực tế phương án mở nhà ga T3 ở phía nam hoàn toàn bất lợi về kết nối giao thông. Làm nhà ga ở phía bắc tuy kinh phí nhiều hơn một chút nhưng xử lý giao thông rất dễ. Tuy nhiên, dù Bộ GTVT nhất quyết chọn phương án xây nhà ga T3 ở phía nam, nhưng vẫn phải tính phương án làm cửa đón phía bắc. Có thể làm đường ngầm, đường trên cao…; quan trọng là điều phối giao thông về phía bắc. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện hệ thống đường vành đai, làm đường kết nối với QL1, đường thoát phía nam, đường cao tốc… thì mới mong giải bài toán giao thông kết nối sân bay”, ông Hùng đề xuất.

Tốc độ tăng trưởng nhanh, trong khi hạ tầng khó khăn mà lượng taxi thì thiếu quá nhiều sau dịch bệnh. Hoạt động điều xe cũng do các hãng taxi phụ trách, Cảng không có quyền gọi điện điều xe. Ở góc độ quản lý, chúng tôi cũng đã liên tục có văn bản, thậm chí gọi điện trực tiếp tới từng hãng yêu cầu cung ứng đúng lượng xe đã cam kết. Giờ cũng siết thêm quy định, taxi mời khách cũng cấm luôn, hãng xe nào vi phạm ngưng cho đón khách tại sân bay… Mọi giải pháp có thể làm, chúng tôi đã cố gắng làm hết.

Ông Đặng Ngọc Cương, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

HÀ MAI

TNO