24/12/2024

Tuyển sinh đại học 2022: Nơm nớp nỗi lo ‘vỡ trận’

Tuyển sinh đại học 2022: Nơm nớp nỗi lo ‘vỡ trận’

Không chỉ thí sinh, phụ huynh mà các trường đại học cũng quay cuồng với 30 ngày đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến vừa qua. Bị động, hồi hộp và lo lắng “vỡ trận” – đó là tình trạng chung của nhiều trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

 

Tuyển sinh đại học 2022: Nơm nớp nỗi lo vỡ trận - Ảnh 1.

Thí sinh đăng ký xét tuyển các phương thức xét tuyển sớm tại một trường đại học ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC BÍCH

“Thời điểm này mấy năm trước công tác tuyển sinh đã ổn rồi, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa biết tuyển được bao nhiêu sinh viên. Hồi hộp quá!” – hiệu trưởng một trường đại học tại TP.HCM chia sẻ.

 

Rất hoang mang

Trưởng phòng tuyển sinh của một trường đại học lớn ở TP.HCM bày tỏ sự lo lắng và cho biết năm nay số thí sinh cũng như số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường đều giảm khá nhiều so với các năm trước.

“Chúng tôi thật sự rất hoang mang không biết do xu hướng chung trong tuyển sinh năm nay hay việc truyền thông của trường chưa tốt. So với năm ngoái, hiện số thí sinh và số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường chỉ bằng khoảng 50%. Đây là con số hoàn toàn bất thường, vì mọi năm việc tăng giảm chỉ nằm trong số 15 – 20%” – vị này cho hay.

Ông Phạm Doãn Nguyên, giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM, cho rằng năm nay, với những thay đổi liên tục trong công tác tuyển sinh, các trường đại học khá bị động trong triển khai, tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh. Điều này có thể dẫn đến “vỡ trận” trong kế hoạch tuyển sinh của các trường.

“Bên cạnh một số lượng rất lớn thí sinh chưa (không) đăng ký nguyện vọng xét tuyển, sắp tới đây có thể sẽ có một lượng lớn thí sinh nữa không thực hiện xác nhận nguyện vọng và nộp lệ phí vì nhiều nguyên nhân như từ bỏ nguyện vọng, ở vùng sâu vùng xa không thuận lợi trong việc nộp lệ phí trực tuyến trên hệ thống của bộ…

Lộ trình kế hoạch tuyển sinh chung năm nay khá phức tạp, nhiều công đoạn có thời gian triển khai cập rập lại thay đổi liên tục, chưa đồng bộ trong triển khai và hướng dẫn nên rất nhiều thí sinh, phụ huynh lúng túng không nắm được thông tin hoặc không biết các bước thực hiện việc đăng ký như thế nào” – ông Nguyên nói.

Ông Nguyễn Trung Nhân – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cũng cho biết: “Trường thật sự lo lắng khi số thí sinh đăng ký xét tuyển giảm khá nhiều so với năm 2021, trong khi tổng lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng.

Việc kế hoạch tuyển sinh bị đẩy lùi cũng làm cho trường bị động, bởi ngoài số thí sinh không đăng ký xét tuyển còn có nhiều em đã đăng ký nhưng chọn du học hoặc học nghề và khi đó cho dù có trong danh sách trúng tuyển nhưng các em không nhập học. Việc gọi tuyển sinh bổ sung đợt 2 trễ cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của năm học”.

Nhiều thông tin gây hiểu lầm cho thí sinh

Ông Lê Trọng Vinh – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhận định năm nay Bộ GD-ĐT thay đổi hoàn toàn quy định trong tuyển sinh nhưng thông tin định hướng cho thí sinh chậm, nhiều thông tin gây hiểu lầm cho thí sinh như việc thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ.

“Lẽ ra khi các trường up dữ liệu lên hệ thống thì các em đó đương nhiên đã đăng ký nguyện vọng đó luôn, không cần đăng ký lại. Hơn nữa, thông tin về đóng lệ phí của bộ thay đổi gây khó khăn rất lớn cho thí sinh vì nhiều em chưa có thông tin cũng như cách đóng tiền trên hệ thống như thế nào.

Khả năng rất nhiều thí sinh trúng tuyển sớm nhưng không biết phải đăng ký nguyện vọng nên sẽ không có trong dữ liệu đăng ký nguyện vọng để các trường thực hiện công tác xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển chính thức” – ông Vinh phân tích.

Theo bà Huỳnh Khả Tú – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2022 Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh chủ động thực hiện trực tuyến tất cả các khâu (từ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho đến đăng ký nhập học trực tuyến).

Tuy nhiên, các mốc thời gian tuyển sinh do Bộ GD-ĐT quy định khá rộng rãi cho thí sinh. Trong đó, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển kéo dài lên đến 30 ngày (không giới hạn số lần điều chỉnh) tạo nhiều thời gian cho thí sinh suy nghĩ, lựa chọn ngành nghề/trường học.

Nhưng thực tế cho thấy thời gian dài nhưng các thí sinh chưa thật sự tập trung, đa số các em hoặc là đăng ký nguyện vọng ngay từ những ngày đầu hoặc là đến tận ngày cuối mới đăng ký. Theo thông tin từ bộ, khi còn 1 tuần (trước khi kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển – ngày 20-8) thì chỉ mới 50% thí sinh đăng ký nguyện vọng.

 

Thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký, 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển

Theo Bộ GD-ĐT, đến 17h ngày 23-8 đã có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố thông tin phân luồng thí sinh thanh toán lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến, lại khác với lần điều chỉnh gần đây.

Theo đó, để việc thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến của thí sinh được an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải do quá trình xác thực thông tin có thể mất nhiều thời gian trên hệ thống, Bộ GD-ĐT điều chỉnh phân luồng lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh như sau:

● Từ 0h ngày 24-8 đến 17h ngày 26-8: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái.

● Từ 0h ngày 25-8 đến 17h ngày 27-8: Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.

● Từ 0h ngày 26-8 đến 17h ngày 28-8: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.

● Từ 0h ngày 27-8 đến 17h ngày 29-8: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum.

● Từ 0h ngày 28-8 đến 17h ngày 30-8: TP.HCM, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh.

● Từ 0h ngày 29-8-2022 đến 17h ngày 31-8-2022: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

TRẦN HUỲNH
TTO