24/12/2024

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo

Thời gian học kéo dài, mức lương còn hạn chế là một trong những nguyên nhân chính khiến phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu còn là nghề ‘hiếm’ trong xã hội.

 

 

Chưa được xem là nghề kiếm ra thu nhập chính

Là một giáo viên người điếc dạy ngôn ngữ ký hiệu (NNKH), ông Nguyễn Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty Nắng Mới (TP.HCM), chia sẻ: “Người điếc gặp nhiều khó khăn trong đời sống, nhất là việc giao tiếp và hiện không có dịch vụ công hỗ trợ phiên dịch NNKH tại tòa án, bệnh viện…”.

Vì thế, các phiên dịch viên NNKH góp phần làm cầu nối để hỗ trợ việc giao tiếp của người điếc. Họ sẽ dùng NNKH để chuyển đổi lời nói thành dạng ngôn từ có thể nhìn thấy được với mục đích giúp cho những người điếc có thể giao tiếp thuận lợi với người khác.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít bạn trẻ theo đuổi nghề này vì nhiều khó khăn. “Tính đến năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 30 phiên dịch viên NNKH”, bà Nguyễn Thị Hòa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thúc đẩy văn hóa điếc (tỉnh Đồng Nai), cho biết.

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo - ảnh 1
Anh Trần Trung Hiệp (bên phải) chia sẻ: “Đa phần phiên dịch viên NNKH không thể xem đây là công việc chính vì không đảm bảo thu nhập”  NVCC

Anh Trần Trung Hiệp (29 tuổi, phiên dịch viên NNKH) cũng cho rằng nghề này còn thiếu nhân lực, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập chưa cao nhưng thời gian học tập lại kéo dài (2-3 năm tùy vào khả năng của mỗi người).

“Đa phần phiên dịch viên NNKH không thể xem đây là công việc chính vì không đảm bảo thu nhập. Dù thu nhập hạn chế nhưng tôi cố gắng theo đuổi vì nhận thấy nghề này mang đến nhiều giá trị nhân văn cho xã hội”, anh Hiệp chia sẻ.

Là sinh viên chuyên ngành du lịch nhưng anh Hiệp rẽ sang công việc về NNKH từ năm 2018 sau khi chứng kiến những khó khăn của người điếc. Theo anh Hiệp, bất kỳ ai cũng có thể học trở thành một phiên dịch viên NNKH nhưng đòi hỏi sự kiên trì rất cao.

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo - ảnh 2
Anh Hiệp cho rằng, không quan trọng đang học ngành nghề nào, ai cũng có thể học và làm về NNKH NVCC

Còn Nguyễn Phúc Thịnh, sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Tôi quyết định học thêm ngôn ngữ này vì mong muốn có thể giao tiếp với bà tôi là một người điếc”. Sau khi hoàn thành khóa cơ bản (5 tháng) và đang học khóa sơ cấp (4 tháng), anh dự định sẽ làm phiên dịch viên NNKH, đồng thời giảng dạy giáo lý cho trẻ em điếc tại nhà thờ trong tương lai.

Theo anh Thịnh, khó khăn lớn nhất trong quá trình học NNKH là sự khác biệt giữa ngữ pháp trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ điếc. Chẳng hạn, một số cấu trúc câu trong ngôn ngữ nói khi diễn đạt qua ký hiệu sẽ bị đổi trật tự, khiến Thịnh đôi khi bị nhầm lẫn.

 

Cần học gì để trở thành phiên dịch viên NNKH?

Hiện Việt Nam chưa có một trường ĐH hay CĐ nào đào tạo chính quy về ngành phiên dịch NNKH mà chỉ dừng lại ở những khóa đào tạo ngắn hạn.

Chẳng hạn, tính đến năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy văn hóa điếc tại Trường ĐH Đồng Nai chỉ mới đào tạo được 2 khóa ngắn hạn, một phần là do yêu cầu đầu vào khá cao, cụ thể học viên cần sử dụng thành thạo NNKH mới có thể theo học. Bên cạnh đó, môn NNKH chỉ là một phần nhỏ trong chương trình học của một số trường ĐH.

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo - ảnh 3
Ông Nguyễn Hoàng Lâm (trái) chia sẻ: “Khi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, các yếu tố trên gương mặt cũng rất quan trọng”  NVCC

Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, để có thể trở thành một phiên dịch viên NNKH thì điều kiện tiên quyết là phải thành thạo NNKH rồi mới học thêm các chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng làm phiên dịch.

“Không phải ai biết NNKH cũng đều có thể là phiên dịch. Nghề này đòi hỏi nhiều sự chú ý bằng mắt, đôi tay nhanh nhẹn, sự biểu cảm trên mặt vì loại hình NNKH có hình thức khác biệt với ngôn ngữ nói”, bà Hòa chia sẻ.

Phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu: nghề hiếm người theo - ảnh 4
Ông Lâm chia sẻ: “Khi sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, các yếu tố trên gương mặt cũng rất quan trọng”  NVCC

“Bên cạnh đó, phiên dịch viên NNKH phải rèn luyện trí nhớ tốt để ghi nhớ thông tin và thường xuyên giao lưu với người điếc từ 3-5 năm”, ông Lâm lưu ý thêm.

Hiện người điếc khi có nhu cầu khám chữa bệnh hoặc hầu tòa thuê các dịch vụ phiên dịch NNKH, trung bình 200.000 đồng/giờ. Theo anh Trần Trung Hiệp, công việc phiên dịch NNKH hiện chỉ dừng lại ở đáp ứng nhu cầu cá nhân. Anh Hiệp cho hay anh thường là phiên dịch NNKH trong các sự kiện, hỗ trợ người điếc đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt hoặc phòng khám tư nhân. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, phía công ty của anh sẽ có chính sách hỗ trợ. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Lâm bày tỏ kỳ vọng nhà nước sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ chi phí phiên dịch NNKH cho người điếc tại tòa án và bệnh viện.

TRÂM TRẦN – THẢO LINH

TNO