Phí chồng phí trong sân bay!
Phí chồng phí trong sân bay!
Nhiều hành khách cho rằng đang có tình trạng phí chồng phí dịch vụ ở sân bay, khách phải trả 2 lần tiền trong khu vực sân bay.
Sau bài viết “Sân bay cần sòng phẳng với hành khách!” (Tuổi Trẻ ngày 20-8), nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục bày tỏ bức xúc khi bỏ tiền mua dịch vụ cảng hàng không nhưng nhận lại phiền toái là không thể chấp nhận được.
Giá vé có tăng có giảm, phí thì thu đều
Trong giá vé máy bay có 2 khoản thu mà các hãng hàng không đang thu hộ cho Tổng công ty Cảng hàng không VN – ACV (khai thác, quản lý 22 sân bay) khi bán vé.
Với các hãng hàng không, do cạnh tranh nên nhiều thời điểm giá vé giảm. Nhưng với dịch vụ sân bay lại khác, áp theo mức được quy định và thu đều đều.
Cứ mỗi khách bay, ACV sẽ “bỏ túi” một khoản gồm phí dịch vụ cảng 100.000 đồng/khách đi nội địa và 25 USD/khách (khoảng 600.000 đồng/khách) đi quốc tế ở các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…
Riêng dịch vụ đảm bảo an ninh, hành lý có giá 20.000 đồng/khách áp dụng cho tất cả các sân bay.
Khi mua vé, khách hàng thường phải trả từ giá vé máy bay, thuế giá trị gia tăng cho đến phí quản trị, phí sân bay, phí an ninh soi chiếu, phụ thu dịch vụ xuất vé/phí thanh toán. Như vậy, khách đã mua dịch vụ ở sân bay do cảng hàng không cung cấp.
Tuy nhiên, cứ đến dịp cao điểm, hành khách lại ngán ngẩm với điệp khúc kẹt từ ngoài vào trong, kẹt từ trên trời xuống dưới đất ở một số sân bay nhất là ở Tân Sơn Nhất.
Phí chồng phí?
Ông Nguyễn Sâm (quận Tân Bình) cho rằng các phí ông đã phải thanh toán trước trong vé máy bay rồi. Thế nhưng, cứ cao điểm đi lại thì thấy hình ảnh chen lấn, giành giật taxi, xe công nghệ ở Tân Sơn Nhất đập vào mắt.
Ngoài số tiền bị “chém đẹp”, hành khách còn cam chịu trả thêm phí ra vào sân bay 10.000 đồng/lượt. Khoản phí này cộng gộp vào tiền cước khách hàng phải trả. “Thu phí chồng phí thì trái luật!” – ông Sâm nhận định.
Về tình trạng khách hàng phải trả phí chồng phí ở sân bay, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, đã nhiều lần lên tiếng. Bởi đoạn đường nội bộ phía trong sân bay tạo điều kiện thuận tiện để hành khách vào nhà ga là thuộc đầu tư chung của cảng hàng không đó nên phải tính chung vào chi phí dịch vụ của sân bay, không thu riêng.
Các khoản tiền thu phí chồng phí, sân bay luôn trong tình trạng có lãi, đặc biệt ở các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài. Thu của khách hàng không thiếu một đồng nhưng chất lượng dịch vụ mang lại không tương xứng là không sòng phẳng với khách hàng.
Theo một số chuyên gia, chuyện bát nháo, lộn xộn khi đón xe, giao thông công cộng trong sân bay không đáp ứng yêu cầu của khách… cần phải nghiêm túc xem xét lại.
Là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm tới 95,4% vốn, ACV (quản lý khai thác 22 sân bay trên cả nước) cần có trách nhiệm trong việc cân bằng lợi ích các bên, tránh tình trạng lộn xộn, thậm chí bị đặt vấn đề lợi ích nhóm trong sân bay.
Tài xế kêu khó giải thích
Thường xuyên chở khách vào sân bay, ngoài tiền cước xe, nhiều tài xế cho hay rất khó giải thích mỗi khi khách phản ứng về yêu cầu phải trả thêm 10.000 – 15.000 đồng phí ra cổng sân bay.
Nếu đi GrabCar, ngoài tiền cước và 10.000 đồng phí ra cổng sân bay, khách còn tốn thêm 15.000 đồng tiền xe đậu ở nhà xe TCP dù xe không hề đậu mà đến thẳng đón khách. “Khách đóng phí sân bay rồi, họ có quyền đón khách.
Chúng tôi bị nhiều chất vấn nhưng không trả lời được vì tổng cộng họ phải trả thêm 25.000 đồng tiền phí khi đón xe công nghệ ở Tân Sơn Nhất” – anh Thắng, một lái xe Grabcar, nói.