Bí ẩn thành cổ Châu Sa: Huyền ảo bóng ma Hời
Bí ẩn thành cổ Châu Sa: Huyền ảo bóng ma Hời
Cũng như những nơi vốn là đền tháp, thành luỹ của người Chăm, người dân sống ở vùng thành Châu Sa vẫn luôn nhắc đến những chuyện ma Hời, vàng Hời, hư hư thực thực.
Xa xăm thời gian huyền tích, nhắc đến vài bóng người chập chờn, hiu hắt trong đêm không trăng, những ánh lửa lập lòe dưới bóng lũy tre chạy dọc theo hào thành, gợi óc tò mò của người nghe. Rồi những hình ảnh ấy lại kích thích trí tưởng tượng để họ thêu dệt thêm tình tiết mới. Cứ thế, vô vàn câu chuyện huyền ảo xoay quanh ngôi thành đang mỗi ngày thêm mờ dần trong mưa nắng rêu phong.
Chuyện về ma Hời, vàng Hời thành Châu Sa còn gắn với ngọn núi Phú Thọ, núi Hòn Yàng và phòng thành Cổ Lũy nằm bên hữu ngạn. Người dân quanh vùng kể rằng, có những đêm, vào thời điểm chuyển từ canh ba sang canh tư, khi sao Mai đã chớm phía chân trời đằng đông, rất nhiều bóng sáng bay từ bờ nam sang bờ bắc rồi đáp xuống thành Châu Sa. Họ bảo đó là vàng Hời đi ăn đêm trên núi Phú Thọ, nghe gà gáy chuyển canh vội trở về, nếu không sẽ biến thành hòn cuội dưới ánh mặt trời.
Bia di tích Châu Sa LÊ HỒNG KHÁNH |
Có câu chuyện về ông lý trưởng làng Châu Sa, một hôm đi hầu quan trên, gần nửa đêm mới trở về làng. Khi đến đoạn thành phía đông, giáp cánh đồng Dinh, gặp một đàn gà, có con gà mái dẫn bầy con đi ăn trong đêm. Trời tối mịt, nhưng từ thân đàn gà lại lấp lánh ánh sáng màu vàng. Nhớ câu chuyện người làng kể về những đàn gà vàng của người Hời thường đi ăn men theo chân thành đất những đêm khuya vắng, ông nọ tháo đôi guốc gỗ kẹp nách rồi đánh bạo đuổi theo. Sau mấy lần ngã nhào chúi dụi và nhiều vết xước trên mặt vì vấp phải bụi cây, gạch vỡ, ông cũng tóm được một chú gà con đang nằm thiêm thiếp dưới chân vì hoảng sợ. Khi ông cúi xuống, đưa tay định nắm lấy con gà, thì ôi thôi, con gà đã biến thành cục đất tự bao giờ. Sững sờ, ngạc nhiên pha chút lo sợ, nhưng vì óc hiếu kỳ, ông cuộn hòn đất ấy vào chiếc khăn rồi mang về, đặt ở một góc nhà, trông chừng cẩn thận. Ba hôm sau, hy vọng mong manh cục đất bằng nắm tay kia sẽ biến trở lại thành con gà vàng đã tan biến. Cục đất vẫn là cục đất. Chờ đêm xuống, ông mang “con gà vàng” ra phía hào thành, đặt xuống thảm cỏ, “trả lại cho mẹ nó”. Lạ thay, khi nghe tiếng kêu của gà mẹ trong đám cây cỏ, cục đất bỗng hóa thành con gà vàng, vừa kêu chíp chíp, vừa chạy nhanh tìm mẹ. Về sau, người đàn ông này bỏ tiền của cùng một số người hằng tâm dựng lên ngôi miếu nhỏ ở bên cạnh đoạn hào phía đông thành Châu Sa, ngày đêm hương khói. Dân gian gọi tên là miếu Con Gà. Miếu Con Gà nay không còn nữa, nhưng câu chuyện về đàn gà phát sáng vẫn còn lưu truyền trong dân gian cả vùng Châu Sa.
Đâu đó cũng có chuyện về những lá trầu, những quả cau nho nhỏ bằng vàng, mấy chiếc tráp đựng đồ trang sức bằng bạc của phụ nữ Chăm. Kể vậy thôi, nhưng hầu như chẳng mấy ai nhặt được. Vật mà người ta nhìn thấy nhiều nhất, cho đến hôm nay, là những viên gạch Hời, sứt mẻ có, nguyên vẹn có, đó đây vương vãi khắp trong các khu vườn, các lối đi trong xóm Thành – khu dân cư nằm lọt trong thành cổ Châu Sa.
Quang cảnh sông Diêm Điền – Hàm Giang, chạy dọc phía bắc thành Châu Sa |
Chuyện vàng Hời, đồ Hời ở thành Châu Sa còn lưu truyền đến nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi. Người viết bài này có lần điền dã tại thôn Vân Hà (xã Đức Phong, H.Mộ Đức), cách thành Châu Sa chừng 40 km về phía nam, may mắn được gặp bà cụ gần 80 tuổi kể lại câu chuyện mà bà nghe từ ông cố của mình: Năm nọ, cách đây rất lâu, một đêm trời vắng cả trăng sao, có mấy người đàn ông từ đâu lạ lắm, quang gánh trĩu trên vai, trong đó có một số chum lọ, nồi gốm, kiểu dáng rất lạ đi qua con đường nhỏ đầu làng Vân Hà. Khi đến cánh đồng trước mặt nhà ông cố của bà thì trời rạng sáng. Sợ bị dân làng nhìn thấy, sinh nhiều bất tiện, họ vào nhà xin nghỉ lại. May cho họ, chủ nhà vốn là ông quan đã hồi hưu, hiểu biết lai lịch người Hời và tòa thành của họ ngày xưa ở Châu Sa. Trò chuyện với chủ nhà, họ cho biết là người Hời, về lại thành Châu Sa tìm đồ thờ và của cải của cha ông ngày trước. Theo lời họ, của cải thì không nhiều và cũng không có gì đáng giá lắm. Chủ yếu là tìm lại đồ thờ cúng và di vật của tổ tiên. Tối hôm sau, trước khi đi tiếp, họ tặng gia chủ hào hiệp đã cho họ tá túc qua đêm hai chiếc bình bằng đất nung to như chiếc ấm đất của người Việt, có hình dạng bầu bĩnh, cân đối, khá đẹp. Trên chiếc nắp bình có núm, nặn rất khéo. Gia đình ông cố bà giấu hàng xóm việc đã gặp và “chứa chấp” những người này. Hai chiếc ấm được gìn giữ như một báu vật gia đình. Rất tiếc, về sau, những vật quý này đã thất lạc. Cũng có người bảo rằng, một người con gái trong dòng họ lấy chồng về Thạch Trụ (nay thuộc xã Đức Lân, H.Mộ Đức) đã được gia đình cho mang theo hai chiếc bình trong những năm chiến tranh loạn lạc.
Bà cụ còn kể thêm, không biết trong đêm những người Hời ngủ nhờ, họ và ông cố của bà đã trò chuyện điều gì mà sau này, ông cụ tỏ ra nhiều suy tư mỗi khi nhắc đến những người Chăm phiêu bạt và chốn quê hương mà họ phải cất bước ra đi.
LÊ HỒNG KHÁNH
TNO