11/01/2025

6 tháng chiến sự Ukraine: Cuộc sống người Nga dưới lệnh cấm vận

6 tháng chiến sự Ukraine: Cuộc sống người Nga dưới lệnh cấm vận

Sáu tháng từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, người dân Nga dường như đang cố gắng lờ đi cuộc xung đột để tiếp tục cuộc sống bình thường.

 

 

 

Tính đến hôm nay 24.8, tròn 6 tháng chiến sự nổ ra tại Ukraine, Nga đã hứng chịu tổng cộng 11.812 lệnh cấm vận, theo cơ sở dữ liệu Castellum.AI. Trong số đó, 9.117 lệnh cấm được tung ra từ ngày 22.2, khi Mỹ và đồng minh đáp trả việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận hai vùng đòi ly khai tại miền đông Ukraine là cộng hòa độc lập và đưa quân sang Ukraine sau đó 2 ng

 

Kinh tế Nga ra sao ?

Tuy đối diện với cấm vận dồn dập, nền kinh tế Nga không nhanh chóng sụp đổ như dự đoán của nhiều người. Sau cú sốc ban đầu, Ngân hàng trung ương Nga đã triển khai các biện pháp kiểm soát dòng vốn và tăng mạnh lãi suất, giúp ổn định thị trường và biến đồng rúp trở thành một trong những đồng tiền mạnh nhất trong năm nay, theo Đài CNBC.

“Bất chấp sự càn quét của những lệnh cấm vận và những dự báo của nhiều nhà quan sát, nền kinh tế Nga không đổ vỡ, và dù đối diện với mức suy giảm 5 – 6% trong năm nay, nó không bị đe dọa sụp đổ hay gặp một cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính”, chuyên gia Chris Weafer tại Moscow của Hãng tư vấn Macro-Advisory nói. Theo ông, nền kinh tế, công nghiệp và người dân Nga đã có nhiều năm điều chỉnh trước các lệnh cấm vận từ năm 2014 và trước nữa nên giờ đây họ được chuẩn bị tốt hơn và có sự tự trang trải lớn hơn, mặc dù chỉ ở mức cơ bản.

6 tháng chiến sự Ukraine: Cuộc sống người Nga dưới lệnh cấm vận - ảnh 1
Người Nga đi dạo tại quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow ngày 5.8  REUTERS

Theo thăm dò gần đây của Hãng khảo sát độc lập Trung tâm Levada (trụ sở tại Nga), đa số người Nga lo ngại về lệnh cấm vận nhưng phần đông cũng cho rằng Moscow nên tiếp tục các chính sách hiện tại thay vì nhượng bộ để được dỡ cấm vận. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy đa số người Nga tự tin rằng đất nước đang đi đúng hướng và ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine.

 

Gạt chiến sự sang một bên

Sau 6 tháng, cuộc sống thường nhật tại các thành phố lớn ở Nga không thay đổi nhiều. Người dân vẫn tiệc tùng, nghỉ hè, quán bar vẫn mở cửa và các lễ hội âm nhạc tiếp tục diễn ra. “Chúng tôi đang có một buổi tiệc. Chúng tôi đứng ngoài chính trị, chúng tôi chỉ muốn nhảy múa, cảm nhận cuộc sống và vui vẻ. Tôi không thể lo lắng nữa và việc này giúp tôi quên đi”, vũ công Anna Mitrokhina tại Moscow nói với tờ The Guardian.

Một blogger người Nga chuyên về phong cách sống nổi tiếng trên mạng Instagram cho biết cô đã ngừng các chủ đề về chiến sự vì không ai muốn nghe và bởi việc đó khiến những người theo dõi cô bực bội. Một số người lo ngại về sự ra đi của các thương hiệu phương Tây, trong khi cũng có những người tỏ thái độ thản nhiên và tự tin vào sự thay thế trong nước. Cũng có người quyết định không nói về chính trị hay chiến sự nhằm tránh gây rạn nứt với người thân, trong khi một số bác bỏ những cáo buộc mà họ cho do phương Tây tuyên truyền và nhấn mạnh họ chẳng thể làm gì để thay đổi những điều đang diễn ra.

Theo ước tính của Cục An ninh liên bang Nga (FSB), hơn 3,8 triệu người Nga ra nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 3, trong đó có người đi làm nhưng cũng có người ra đi vì xung đột Ukraine. Tạp chí Fortune cho biết một số ước tính khác đưa ra số người rời Nga vì chiến sự là 300.000 – 3,8 triệu. Làn sóng rời đi thứ hai được cho là đang diễn ra khi nhiều người cần thêm thời gian để sắp xếp công việc và gia đình.

Nigel Li, sinh viên quan hệ quốc tế người Singapore tại Moscow, trong bài viết trên Đài CNA mô tả sinh hoạt tại Nga đang diễn ra bình thường sau giai đoạn hỗn loạn nhất định trong những tuần chiến sự đầu tiên. “Bánh mì, kiều mạch và thịt được sản xuất tại địa phương trở nên phổ biến hơn. Giá của những nhu yếu phẩm này thực sự đã tăng, nhưng so với giá của các mặt hàng xa xỉ nước ngoài thì chúng vẫn tương đối hợp túi tiền của người tiêu dùng. Khoảng trống của các thương hiệu cũng như hàng hóa ngoại nhập ở Nga cũng dần được lấp đầy bởi các thương hiệu trong nước”, sinh viên Nigel Li viết.

Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế tại Nga cũng như nước ngoài dự báo Nga sẽ thật sự thấm đòn vào năm 2023, khi nước này phải chuyển ngân sách dùng cho đầu tư sang phục vụ chiến sự và châu Âu bắt đầu cấm vận hoàn toàn dầu mỏ từ Moscow.

 

Tỷ lệ tín nhiệm ông Putin cao

Khảo sát của Trung tâm Khảo sát ý kiến công cộng toàn Nga từ ngày 8 – 14.8, mức độ tin tưởng của người dân Nga đối với Tổng thống Putin là 80%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với tuần trước đó, theo TASS. Mức độ ủng hộ của người dân đối với công việc của nhà lãnh đạo là 77,8%. Trước đó hồi tháng 6, khảo sát của Trung tâm Levada cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin là 83%, tăng từ mức 65% hồi tháng 12.2021.

 

Nga đề nghị LHQ họp khẩn, Mỹ – Ukraine cảnh báo

Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn trong ngày 23.8 về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Moscow kiểm soát tại Ukraine, theo tờ The Guardian. Gần đây, hai nước liên tục cáo buộc nhau về những vụ tấn công gần nhà máy gây nguy cơ xảy ra thảm họa. Duma Quốc gia Nga dự kiến sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt về mối đe dọa an toàn đối với nhà máy Zaporizhzhia trong ngày 25.8 và sẽ đưa ra “tuyên bố cứng rắn”.

Mặt khác, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua phát cảnh báo an ninh rằng Nga đang gia tăng nỗ lực nhằm tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự và chính phủ của Ukraine trong những ngày tới. Đại sứ quán Mỹ tại Kyiv kêu gọi công dân Mỹ rời đi nếu có thể, theo Reuters. Trước đó, chính quyền thủ đô Kyiv của Ukraine đã cấm tổ chức các sự kiện và cuộc tụ tập lớn nhân lễ kỷ niệm 31 năm ngày Ukraine độc lập (24.8.1991 – 24.8.2022). Các thành phố lớn như Kharkiv hay Mykolaiv cũng có biện pháp đề phòng trong những ngày này như mở rộng thời gian giới nghiêm, yêu cầu người dân làm việc tại nhà, tránh tụ tập đông người.

 

VI TRÂN

TNO