23/01/2025

5 bài học từ chiến tranh Crimea trong thế kỷ 19

5 bài học từ chiến tranh Crimea trong thế kỷ 19

Cách đây một thế kỷ rưỡi, Nga đã thua trong một cuộc chiến mà nước này được cho là có thể thắng. Cuộc chiến đã để lại 5 bài học có thể hữu ích trong bối cảnh hiện tại.

 

 

 

 

5 bài học từ chiến tranh Crimea trong thế kỷ 19 - ảnh 1
Bức ảnh mang tên Valley of the Shadow of Death (tạm dịch Thung lũng Bóng tối của Cái chết) do nhiếp ảnh gia Roger Fenton chụp ghi lại chiến trường đầy đạn đại bác ở Crimea vào năm 1855    CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Vào ngày 24.8, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ chạm đến cột mốc 6 tháng, nhưng lối thoát cho cuộc xung đột này vẫn rất xa vời.

Vậy liệu lịch sử có thể đưa ra bất kỳ manh mối nào cho việc này không? Theo The GuardianTổng thống Nga Vladimir Putin thường nói về Thế chiến II, cuộc chiến hay nhất của nước Nga. Tuy nhiên, cuộc chiến gần nhất có những nét tương đồng với tình hình hiện tại có lẽ là cuộc chiến tranh Crimea giữa Nga và liên quân của người AnhPhápThổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến này diễn ra từ năm 1853 đến năm 1856, kéo dài hai năm rưỡi và kết thúc bằng hòa ước Paris 1856.

Theo The Guardian, dưới đây là 5 bài học từ chiến tranh Crimea 1856 có thể được xem xét cho những gì đang diễn ra ở hiện tại.

 

Cuộc chiến không kết thúc như nó bắt đầu

Nhà quân sự người Phổ Carl von Clausewitz từng viết: “Trong chiến tranh, mọi thứ không diễn ra như chúng ta mong đợi”. Ít ai nghĩ rằng sẽ diễn ra một cuộc chiến vào năm 1853. Và khi nó xảy ra, hầu hết dự đoán đều không chính xác, bao gồm cả niềm tin rằng quân đội Nga là bất khả chiến bại, đặc biệt là khi chiến trường rất gần quê nhà của họ.

Cuộc chiến ở Crimea bắt đầu vì những lý do nhỏ nhất. Các linh mục Nga và Pháp đã tranh cãi về việc ai là người nắm giữ chìa khóa của Nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem, Palestine. Chiếc chìa khóa đó đã dẫn đến việc sa hoàng Nga Nicholas I xâm lược Đế quốc Ottoman (vùng đất bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) với hy vọng chiếm được Constantinople, nay là Istanbul.

Người Ottoman, cùng với Pháp và Anh, đã đưa tàu và quân đội đến Biển Đen. Sau đó, một cuộc chiến tranh tiêu hao xảy ra, bao gồm các trận hải chiến ở tận Baltic và Thái Bình Dương.

 

Binh sĩ không được huấn luyện sẽ chiến đấu rất kém

Trước cuộc chiến tranh Crimea, quân đội khổng lồ của Nga là nỗi sợ của châu Âu. Tuy nhiên, điểm yếu của lực lượng này sớm lộ rõ. Với đội quân không có tinh thần chiến đấu gồm nhiều lính nghĩa vụ trẻ tuổi hoặc nông nô, Nga đã thua hầu hết các cuộc giao tranh và kết thúc cuộc xung đột với danh tiếng về mặt quân sự tuột dốc thảm hại. Vũ khí của Nga cũng kém xa so với Anh và Pháp, những nước có khinh hạm chạy bằng hơi nước và súng trường bắn chính xác ở khoảng cách xa.

Dù có những lợi thế này, liên quân Anh, Pháp, Ottoman phải trả giá đắt. Những sai lầm chiến thuật nghiêm trọng đã khiến Pháp và Anh không thể chiến thắng một cách dứt khoát hơn. Mỗi nước có khoảng 250.000 binh sĩ thương vong, hầu hết những người này chết vì bệnh tật.

 

Khó tiến hành một cuộc chiến không được lòng dân

Việc phát minh ra máy ảnh và máy điện báo đã giúp báo chí có thể đưa tin chi tiết về cuộc chiến ở Crimea. Làm việc trong một toa xe rượu được chuyển đổi thành phòng tối di động, nhiếp ảnh gia người Anh Roger Fenton đã ghi lại cuộc chiến Crimea bằng những hình ảnh rõ nét đến kinh ngạc.

Các nhà báo cũng gửi tin bài từ mặt trận. Vì vậy, độc giả ở London và Paris có thể ngồi trên ghế bành và mường tượng tình hình ở Crimea. Điều đó đã giúp Anh và Pháp có thêm sự ủng hộ của người dân khi cuộc chiến diễn ra theo cách có lợi cho liên quân. Tuy nhiên, thông tin cũng khiến Anh và Pháp phải đối mặt với thêm nhiều áp lực khi chiến sự không diễn ra như mong đợi.

Ngay cả độc giả Mỹ cũng theo dõi cuộc chiến, nhờ bài tường thuật đáng chú ý của một phóng viên người Đức ở London. Phóng viên này là Karl Marx, người đã gửi 113 bài báo cho báo New York Tribune. Ông Marx gay gắt phê bình hành động quân sự của Nga, chỉ ra sự mơ hồ về chiến lược, sự kém cỏi và sự lãng phí nhân mạng của đội quân này. Marx cũng gọi sa hoàng là “kẻ phạm sai lầm của đế quốc” và nói “chỉ có phép màu mới có thể giải thoát ông ấy khỏi những khó khăn đang đè nặng lên ông ấy và nước Nga sinh ra từ lòng kiêu hãnh, sự nông cạn và sự nông nổi của ông ấy”.

 

Nền hoà bình mơ hồ sẽ dẫn đến những vấn đề mới

Hiệp ước Paris chấm dứt cuộc chiến vào năm 1856 nhưng không giải quyết được nhiều mối lo ngại khác, bao gồm cả câu hỏi phương Đông, vấn đề bất ổn chính trị và kinh tế ở Đế quốc Ottoman và sự cạnh tranh của các đế quốc tại đây. Câu hỏi phương Đông là vấn đề khiến các nhà lãnh đạo đau đầu cho đến Thế chiến I năm 1914.

Sau một thời kỳ hòa bình tương đối dài sau kỷ nguyên của Napoleon , cuộc chiến tranh Crimea đã mở ra một biến động mới trong nền chính trị của các cường quốc. Châu Âu sẽ trải qua một loạt các cuộc chiến tranh nhỏ, tồi tệ khác.

 

Chiến tranh có thể tác động rất xa

Sa hoàng Nicholas I qua đời năm 1855. Con trai của ông, Alexander II, chấp nhận thất bại trong cuộc chiến này nhưng sau đó đã làm được một điều đáng chú ý. Nhìn vào nguyên nhân của thảm họa, sa hoàng Alexander II nhận ra rằng vấn đề có liên quan đến cấu trúc giai cấp cứng nhắc và sự phụ thuộc quá nhiều vào nông nô. Sau đó, ông đã bãi bỏ chế độ nông nô với tuyên ngôn giải phóng nô lệ vào ngày 3.3.1861.

Trùng hợp thay, thời điểm đó là một ngày trước khi Abraham Lincoln nhậm chức tổng thống Mỹ. Ông Lincoln hiểu được sức mạnh của tiền lệ và đã đưa ra Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của riêng mình vào ngày đầu tiên của năm 1863.

Nói cách khác, một cuộc chiến tranh không liên quan gì đến sự tự do vào thời điểm nó bắt đầu đã tác động đến một trong những trận chiến vĩ đại nhất trong lịch sử, trên một lục địa khác, một thập kỷ sau đó.

Việc Mỹ mua Alaska cũng là một hệ quả khác của chiến tranh Crimea. Sau cuộc chiến, vị sa hoàng trẻ tuổi biết rằng mình không thể bảo vệ vùng đất xa xôi này và quyết định bán nó cho một quốc gia khác.

Theo The Guardian, những điều trên cho thấy chúng ta đang tiếp tục sống trong một thế giới được một cuộc chiến tranh nhỏ, hầu như bị lãng quên ở châu Âu, định hình.

ĐÔNG A

TNO