12/01/2025

EU lúng túng vụ cấm du khách Nga

EU lúng túng vụ cấm du khách Nga

Cuối tháng này, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ họp tại Praha, CH Czech. Trong chương trình nghị sự, có một vấn đề mà họ chưa tìm được tiếng nói chung, đó là thái độ đối với những du khách đến từ nước Nga.

EU lúng túng vụ cấm du khách Nga - Ảnh 1.

Du khách Nga đợi kiểm tra hộ chiếu nhập cảnh vào Phần Lan – Ảnh: AFP

Hiện có hai quan điểm trái ngược trong 27 nước thành viên về câu hỏi có nên thắt chặt các quy định về thị thực đối với du khách Nga hay không.

Những nước nhỏ có lập trường cứng rắn vì e ngại cuộc chiến của Nga tại Ukraine sẽ tạo tiền lệ nước lớn bắt nạt nước nhỏ, trong khi các nước lớn ngần ngại vì họ quan tâm đến lợi ích kinh tế cũng như mối quan hệ song phương với Nga hậu chiến tranh.

 

Du khách Nga xin thị thực tăng

EU đã đưa ra các lệnh trừng phạt từ tháng 3-2022 nhằm vào các nhà tài phiệt Nga cũng như các doanh nhân có tầm hoạt động rộng lớn ở phương Tây. Tuy nhiên, những người Nga bình thường vẫn có thể đi lại như trước.

Khi dịch bệnh COVID-19 thuyên giảm, lượng du khách từ Nga vào EU tăng mạnh. Họ kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và mua sắm.

Do máy bay Nga đã bị cấm bay trong không phận châu Âu ngay sau khi Matxcơva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nên các hãng lữ hành đã chuyển sang dùng đường bộ.

Phần Lan, nước có 1.300km biên giới chung với Nga, nhận được trung bình mỗi ngày 1.000 hồ sơ xin thị thực từ công dân Nga. Ở Đan Mạch, trong 5 tháng đầu năm 2022, số thị thực du lịch được cấp cho công dân Nga cao gần gấp ba so với cả năm 2021.

Theo Đài truyền hình TV2 của Đan Mạch, trong 10 năm trở lại đây, Nga là quốc gia có nhiều hồ sơ xin thị thực vào các nước Schengen nhất.

Trước tình hình này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi khối EU ngưng cấp thị thực cho tất cả người Nga nhằm tăng sức ép trừng phạt với Matxcơva. Lời kêu gọi này đã được một số nước hưởng ứng, đầu tiên là những nước có chung đường biên giới trên bộ với Nga như Estonia, Latvia, Litva, Phần Lan và Ba Lan (qua ngả Kaliningrad).

Estonia đã hủy bỏ nhiều thị thực Schengen cấp cho người Nga, ngừng cấp hầu hết các thị thực mới và kêu gọi các nước EU còn lại ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga. Theo quy định của khối Schengen, những người Nga có thị thực được cấp ở một nước Schengen có thể nhập cảnh những nước Schengen khác.

Latvia và Phần Lan gần đây đã thắt chặt các hạn chế thị thực cho công dân Nga. Từ 1-9, Phần Lan sẽ giảm 90% thị thực mà họ cấp cho người Nga mỗi ngày. Lithuania và Czech đã tạm dừng cấp thị thực cho hầu hết người Nga.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho rằng EU cần có quy định chung về thị thực cho khách du lịch Nga. Trong trường hợp không có được một giải pháp chung, Đan Mạch sẽ xem xét khả năng đưa ra các hạn chế để làm giảm hơn nữa số lượng thị thực cấp cho du khách Nga.

“Đó sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho Putin và Nga rằng những gì họ đang làm tất nhiên là không thể chấp nhận được và đã gây ra hậu quả” – ông Kofod nêu.

Một số người bày tỏ sự ủng hộ lệnh cấm vì EU đã dùng hết các biện pháp trừng phạt với Nga và vòng thân hữu của ông Putin nhưng chưa có hiệu quả như kỳ vọng.

 

Phản ứng gay gắt của Nga

Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin đã phản ứng gay gắt trước việc Phần Lan và Estonia kêu gọi các nước EU còn lại ngừng cấp thị thực du lịch cho công dân Nga, gọi đó là sự vi phạm nhân quyền.

Trong thông báo bằng văn bản gửi Thông tấn xã Ritzau của Đan Mạch, ông Barbin chua chát viết: “Tóm lại, nhân quyền ở phương Tây dường như chỉ được ghi nhớ khi nó có lợi, và chúng bị lãng quên mà không hối hận khi nhắc đến người Nga”. Đại sứ Nga khẳng định tự do đi lại giữa các quốc gia là một quyền con người, không phải một đặc quyền.

Theo kênh truyền hình Channel 1 của Nga, lệnh cấm này chỉ ảnh hưởng đến một số nhỏ người Nga vì thăm dò dư luận cho thấy 69% trong số 140 triệu người Nga chưa bao giờ rời khỏi Nga. Channel 1 đã so sánh lệnh cấm này với thái độ của Đức quốc xã đối với người Do Thái.

Các nhà bình luận Nga cảnh báo việc EU xem xét cấm thị thực cho công dân Nga sẽ càng củng cố cho quan điểm của Tổng thống Putin rằng phương Tây muốn cô lập Nga với thế giới, không muốn mọi thứ diễn ra tốt đẹp cho Nga và bị thúc đẩy bởi chứng sợ Nga (Russophobia).

Trên mạng xã hội, một số người Nga cho rằng một lệnh cấm áp đặt trên mọi người Nga sẽ là vô đạo đức. Một số khác chê bai người châu Âu là đạo đức giả, sẵn sàng ngăn chặn con người hơn là khí đốt – nguồn tài trợ cho chiến tranh.

Flemming Splidsboel – nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc tế (Đan Mạch) – cho biết lệnh cấm có thể sẽ chỉ làm xấu đi nhận thức của người Nga về EU. New York Times dẫn lời bà Sarah Ganty, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Trung Âu ở Vienna, cho rằng một lệnh cấm toàn diện sẽ là bất hợp pháp theo luật EU.

Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc, cũng cho rằng điều này “trái với luật pháp quốc tế và trái với các giá trị của châu Âu. Không phải vì phía bên kia không tôn trọng bất kỳ giá trị nào mà chúng ta nên quên đi giá trị của chính mình”.

 

Đức, Bồ Đào Nha ngần ngại

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại tuyên bố rằng cuộc chiến này là cuộc chiến của ông Putin và các biện pháp trừng phạt của EU nên nhằm vào Tổng thống Putin và những người chịu trách nhiệm gây ra cuộc chiến.

Đức và Bồ Đào Nha xem một lệnh cấm hoàn toàn của EU đối với thị thực du lịch là có hại vì có những người Nga không đồng ý với Điện Kremlin và cố gắng chạy trốn khỏi đất nước của mình.

Czech, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, thì lập luận “kinh doanh như bình thường đối với khách du lịch Nga trong thời gian gây hấn là không phù hợp”, nhưng lại “thòng” thêm câu: Praha không ủng hộ một lệnh cấm hoàn toàn.

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)
TTO