25/12/2024

Bộ GD-ĐT: 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học là bình thường

Bộ GD-ĐT: 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học là bình thường

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo – cho rằng con số 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống là bình thường.

 

 

 

Bộ GD-ĐT: 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học là bình thường - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trước đó, tính đến 17h ngày 20-8, khi hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và đào tạo tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển, chỉ có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số 941.759 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, có trên 325.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng lên hệ thống (chiếm 34,6%). Nhiều ý kiến cho rằng có đến 1/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển không nhập nguyện vọng là điều bất thường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết: Khác với các năm trước, năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”.

Phần lớn thí sinh sẽ tích vào ô này, vì không ảnh hưởng gì. Nhưng thí sinh chỉ quyết định chính thức ở thời điểm nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Bà Thủy so sánh số liệu của năm 2020 và 2021, số thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống lần lượt là 642.270 và 794.739. Năm 2022 có giảm nhưng không đáng kể.

“Đây là số thí sinh thực sự mong muốn xét tuyển. Những thí sinh có lựa chọn khác hoặc tự thấy không đủ khả năng đỗ đại học đã không đăng ký. Việc này giúp cho công tác xét tuyển giảm bớt công sức, lãng phí không cần thiết” – bà Thủy phân tích.

Bà Thủy cũng cho rằng 2 năm trước do dịch COVID-19, nhiều thí sinh đã bỏ lỡ cơ hội du học, nhưng năm nay tình hình dịch đã được kiểm soát nên số thí sinh du học sẽ tăng nhiều. Số này có thể cũng nằm trong khoảng 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng.

Năm 2020, con số nhập học thực tế là 441.913 thí sinh (tính tất cả các phương thức xét tuyển), năm 2021 tăng lên 501.455 thí sinh.

Theo bà Thủy, đây là số lượng phù hợp với năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đặt giả thiết năm nay trên 900.000 thí sinh đăng ký xét tuyển cùng nhập nguyện vọng và đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống đại học không đáp ứng được.

Về những ý kiến cho rằng 325.000 là con số “ảo” sẽ gây khó khăn lớn cho các trường trong công tác xét tuyển, bà Thủy lại khẳng định đó là con số thể hiện việc giảm “ảo” cho các trường trong công tác xét tuyển.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục phân tích con số 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng theo vùng miền để từ đó có thể đề xuất việc điều chỉnh chính sách phù hợp trong những năm tới.

Phân tích từ nhiều khía cạnh, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng hệ thống đại học cũng phải cấp thiết gia tăng các nguồn lực đầu tư, phát triển đội ngũ, cơ sở hạ tầng để có thể mở rộng quy mô đào tạo trong những năm tới. Vì có như vậy mới đáp ứng được số thí sinh nhập học cao hơn so với hiện tại.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng vừa quyết định mở lại hệ thống nhập nguyện vọng xét tuyển để thí sinh có cơ hội cuối cùng sửa chữa do các trường hợp nhầm lẫn, sai sót khá nhiều.

Hệ thống sẽ đóng vào 17h ngày 23-8. Thí sinh sau khi hoàn tất việc sửa chữa, nhập nguyện vọng thành công sẽ phải tiếp tục thực hiện thao tác nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, khi tính năng này được mở trên hệ thống.

VĨNH HÀ
TTO