25/12/2024

Vì sao ‘dao mổ rạch 3 lần mới qua da’ vào được bệnh viện?

Vì sao ‘dao mổ rạch 3 lần mới qua da’ vào được bệnh viện?

Câu chuyện mua thiết bị giá rẻ nhưng kéo theo hệ luỵ chất lượng tồi, dao mổ rạch 3 lần mới qua da mà giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức kể trong hội nghị trực tuyến ngày 21-8 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì đang rất được chú ý.

 

 

Vì sao dao mổ rạch 3 lần mới qua da vào được bệnh viện? - Ảnh 1.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, người đã gặp câu chuyện “dao mổ rẻ rạch 3 lần mới qua da” – Ảnh: DUYÊN PHAN

Có những ý kiến cho rằng “các lương y đang làm quá”, “đang mặc cả với chính sách”…, nhưng thực tế đúng là chính sách đang rất vướng khiến bệnh viện khó mua được hàng tốt.

 

Giá rẻ, hàng tồi

Tại hội nghị liên bộ, trong đó có sự tham gia của Bộ Tài chính được tổ chức gần đây, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã đưa ra một ví dụ về việc kiểm soát chặt về giá nhưng quy định phân nhóm thiết bị không phù hợp, dẫn đến chất lượng thiết bị ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Cụ thể theo thông tư 14 hiện hành phân nhóm vật tư y tế, thiết bị, trong đó nhiều vật tư của các nước châu Âu, Mỹ được xếp chung nhóm với Ấn Độ, Trung Quốc…, bệnh viện dễ rơi vào “bẫy” mua phải vật tư không đáp ứng yêu cầu, chọn vật tư (phải loại rẻ nhất tham gia dự thầu) không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đã mua sonde hút dịch phế quản cho bệnh nhân hồi sức hô hấp, thở máy loại 160.000 đồng (do Trung Quốc sản xuất), trong khi loại tốt hơn giá 220.000 đồng không được chọn.

Mặc dù khi chấm thầu, cả 2 loại sonde này đều đạt các chỉ số kỹ thuật, tiêu chí của chủ đầu tư đặt ra. Nhưng khi sử dụng thì bác sĩ nhận thấy loại trúng thầu có ống hút rất cứng, hút dịch phế quản khó khăn, có thể gây tổn thương niêm mạc hô hấp của bệnh nhân, gây chảy máu.

Không chỉ loại thiết bị giá rẻ như sonde hút dịch này, các thiết bị đắt tiền cũng gặp nguy cơ tương tự. Gần đây một bệnh viện công lớn muốn mua máy chụp cộng hưởng từ, nếu xét cấu hình và giá để chọn thì các hàng giá rẻ sẽ trúng, nhưng bằng kinh nghiệm lâu năm, các bác sĩ nhận thấy hàng giá rẻ sẽ cho chất lượng hình kém, độ bền kém, không hiệu quả, vì thế không dám mua thiết bị.

Chính vì quy định xếp nhóm như thế, các mặt hàng giá rẻ đã vào được bệnh viện và chất lượng thì như các bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Đào Xuân Cơ đã nói. Đây là một thực tế có thật.

Không sửa chính sách sớm, bệnh viện sẽ gặp khó

Tại hội nghị trực tuyến tổ chức ngày 21-8 kể trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ: khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc và thiết bị thì phải sửa nghị định 98, thông tư 14 và 15, nếu không bệnh viện không bao giờ đủ trang thiết bị phục vụ người dân.

Trong đó, nghị định 98 yêu cầu mua sắm thiết bị phải có đủ 3 báo giá của 3 nhà cung cấp hoặc giá niêm yết trên cổng công khai giá vật tư và thiết bị y tế.

Gần đây có thời điểm Bệnh viện Tai mũi họng trung ương không mua được gel phục vụ cho bệnh nhân siêu âm, do mặt hàng này không thấy niêm yết trên cổng công khai giá!

Nhưng giá niêm yết trên cổng lại là giá do nhà cung cấp tự niêm yết, không đảm bảo tính chính xác. Trong vụ dịch COVID-19, đã có loại máy thở niêm yết giá 900 triệu đồng/máy, nhưng thực tế bán 450 triệu đồng. Quy định để kiểm soát giá, nhưng thực tế kiểm soát không được, bệnh viện lại gặp khó.

Trong nhiều năm qua, vì tập trung vào kiểm soát giá trong mua sắm thuốc, vật tư y tế, vấn đề làm sao để giá và chất lượng cùng đồng hành hình như đã bị bỏ quên. Như ông Nguyễn Tri Thức đề xuất, bệnh viện mong muốn mua loại sản phẩm tốt giá hợp lý, không mua loại rẻ nhất mà chất lượng lại tồi.

Những động thái vừa qua cho thấy Bộ Y tế, các ngành chức năng đã nhận ra vướng mắc này và đã hướng đến sửa đổi nghị định 98, thông tư 14 và 15. Làm sao để sửa thật nhanh vì quyền lợi của người bệnh, điều đó quan trọng không kém việc đảm bảo kiểm soát giá, “mua đúng giá, giá hợp lý” của mặt hàng đó, không phải là chọn loại rẻ nhất nhưng chất lượng tồi.

LAN ANH
TTO