26/12/2024

Sai sót nào chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm?

Sai sót nào chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm?

Khách hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc bảo vệ tài khoản ngân hàng của mình, nhưng các nhà băng cũng không thể không liên đới trong một số tình huống.

 

 

Cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng là tiếp tay cho lừa đảo

Trả lời đại biểu Quốc hội mới đây, Ngân hàng (NH) Nhà nước khẳng định khách hàng chịu trách nhiệm về những thiệt hại do sai sót hoặc bị lợi dụng, lừa đảo khi sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản do lỗi của mình; không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình; không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Sai sót nào chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm? - ảnh 1
Người dân không được cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng KHẢ HÒA

Trên thực tế, tình trạng cho thuê, cho mượn tài khoản NH đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều vụ án quy mô lớn được cơ quan công an triệt phá trong những năm gần đây với số lượng tài khoản cho thuê, cho mượn lên mức “khủng” dùng cho các đường dây lừa đảo.

Mới đây, Công an Nghệ An vừa triệt xóa đường dây “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản NH” do Lê Thế Trung (37 tuổi, TP.Hà Nội) cầm đầu. Trung liên lạc với các đối tượng ở nước ngoài có nhu cầu thuê, mua lại tài khoản NH, rồi giao các “chân rết” tìm mua hoặc thuê lại tài khoản NH của hàng trăm người dân trên cả nước. Cơ quan công an đã bắt 10 đối tượng trong đường dây này, đồng thời phong tỏa hơn 1.200 tài khoản NH có liên quan các đối tượng trong chuyên án. Lượng tiền giao dịch qua mỗi tài khoản được Trung thuê hoặc mua lại là khoảng 50 tỉ đồng, cá biệt có những tài khoản giao dịch trên 400 tỉ đồng. Bước đầu các đối tượng khai nhận, tính từ năm 2020 đến đầu năm 2022 đã tiến hành mua, thuê, mượn khoảng 3.000 tài khoản NH của hơn 600 người ở nhiều tỉnh, thành. Đến thời điểm vụ án được triệt phá vẫn còn 633 tài khoản đang hoạt động.

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cần có các chế tài xử lý mạnh hơn với hành vi mua bán, cho mượn tài khoản gây thiệt hại cho người khác. Đây là hành vi tiếp tay cho lừa đảo. Ngoài ra, NH cần phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm định, kiểm soát việc mở tài khoản và nâng cao hiệu quả.

 

Không đổ hết lỗi cho khách hàng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong một số trường hợp, NH cũng phải chịu trách nhiệm liên quan việc tài khoản của khách hàng bị lợi dụng, lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Công ty Luật Nghiêm & Chính, cho rằng gần đây công an đã bắt giữ nhiều kẻ lừa đảo, sử dụng CMND giả để mở tài khoản NH và từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo. Cụ thể, kẻ gian lấy CMND của người khác, thay đổi hình ảnh để mở tài khoản NH. Trường hợp này, nhân viên NH phải kiểm tra kỹ giấy tờ thủ tục mở tài khoản vì đây là trách nhiệm của NH. Nếu diễn ra các trò lừa đảo liên quan tài khoản mà không phải do chính chủ mở, thì NH phải chịu trách nhiệm. Tương tự, trong một số trường hợp như tài khoản của khách hàng bị tấn công, thẻ tín dụng bị mất tiền mà khách hàng không làm mất, không thực hiện giao dịch lúc đó thì NH phải có trách nhiệm hoàn trả tiền lại cho khách hàng…

Đơn cử trường hợp chị Kim Hoa (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) khuya 14.8 đang ngủ thì giật mình dậy vì có tin nhắn gửi vào điện thoại di động mang đầu số NH với nội dung: “Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu phí dịch vụ hằng tháng là 1,8 triệu đồng sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ vui lòng nhấn vào https://bank.vn-zl.top để hủy”.

Nhìn thấy đầu số nhắn tin từ NH, chị Hoa hốt hoảng vì chị đang có tài khoản ở nhà băng này. Do nửa đêm nên chị không thể gọi đến NH để xác minh, nhưng khi hỏi người nhà, chị được trấn an chỉ là tin lừa đảo và không nhấn vào link gửi kèm. “Tại sao kẻ lừa đảo lại biết tôi có tài khoản ở NH này mà gửi tin vào đúng hộp thư NH? Trong trường hợp này nếu mất tiền thì ai chịu trách nhiệm?”, chị Hoa đặt vấn đề. Thực tế, nhiều khách hàng không biết, nhấp vào đường link qua tin nhắn vì tưởng là của NH gửi và toàn bộ số tiền trong tài khoản “bốc hơi”.

Một trường hợp khác, chị Dương Hiền (ngụ Q.2, TP.HCM) nhận được thông tin từ Facebook của người cậu ở Mỹ nhờ chuyển khoản thanh toán vé máy bay gấp vì cậu đang ra sân bay. Không nghĩ ngợi nhiều, chị Hiền chuyển khoản gần 18 triệu đồng qua tài khoản NH của một người trong nước. Đến khi biết bị lừa, chị Hiền nhờ bạn tìm kiếm thông tin người mở tài khoản nhận tiền trên với hy vọng đòi lại được, nhưng nhân viên NH khi liên lạc với chủ tài khoản nhận tiền thì không liên hệ được. Đồng thời, xem lại lịch sử giao dịch tài khoản của chị Hiền thì số tiền bị chuyển đi ngay lập tức sang một tài khoản của NH khác.

“Thủ tục mở tài khoản NH rất kỹ, yêu cầu khách hàng phải bổ sung CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ nhà, hóa ra chỉ làm khó người ngay, chứ đến khi đụng chuyện lại không tìm được chủ tài khoản là ai. Trong trường hợp này, đúng là không biết trách nhiệm NH như thế nào”, chị Hiền bức xúc.

“Các quy định liên quan đều đưa ra trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của NH lẫn khách hàng khi sử dụng tài khoản giao dịch. Có một số trường hợp là lỗi của cả hai bên. Giả sử một người nhặt được CMND rồi làm giả, ra NH mở tài khoản được thì là vấn đề của NH. Hay đối với bảo mật thông tin, bảo mật tài khoản giao dịch của khách hàng thì đó cũng thuộc một phần trách nhiệm của các nhà băng. Phía khách hàng chỉ là cẩn trọng hơn để tránh bị sụp bẫy lừa đảo. Đó là chưa kể nhiều trường hợp phản ánh qua tổng đài NH xử lý cũng rất chậm gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì chưa bao giờ thấy các NH lên tiếng…”, luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận xét.

Việc đối chiếu dòng tiền giữa 2 NH sẽ phải qua các khâu thủ tục giấy tờ, mất nhiều thời gian để có thể phong tỏa hay “đóng băng” tài khoản. Các NH sẽ phải làm đúng quy trình, trong khi kẻ gian chỉ cần mất vài giây là số tiền qua NH khác. Vậy lúc này, lỗi và trách nhiệm thuộc về ai?

Chị Dương Hiền (người sử dụng dịch vụ ngân hàng)

THANH XUÂN – MAI PHƯƠNG

TNO