Đừng để kiểm tra mãi là nỗi sợ
Đừng để kiểm tra mãi là nỗi sợ
Nhìn lại 12 năm phổ thông, tôi nhận ra không phải chỉ trong các kỳ thi lớn, ngay cả khi chỉ là bài kiểm tra 15 phút học sinh vẫn có thể gian lận thay vì chỉ dựa vào sức lực của mình.
Tất cả đều từ một lý do, nghe rất cũ nhưng chưa bao giờ hết đúng, đó là nỗi sợ bị điểm kém.
Tôi chẳng còn nhớ bao nhiêu về những bài kiểm tra từng làm mình “mất ngủ” năm nào. Tôi nghĩ nhiều học sinh sau khi rời ghế nhà trường chẳng còn nhớ gì về những kiến thức mình từng miệt mài học để đạt được điểm cao trong bài kiểm tra.
“Dở khóc dở cười”
Còn nhớ khi học cấp III, ở các trường khác có thể việc trộn học sinh với nhau chỉ khi kiểm tra cuối học kỳ, trường tôi làm điều này với kiểm tra 1 tiết của các môn. Không phải chỉ trộn học sinh cùng khối mà trộn giữa các khối. Do đó, người ngồi cạnh và trước mặt không phải bạn trong khối mà có thể là anh chị khóa trên hoặc đàn em khóa dưới. Việc này quả thật có tác dụng khi nhìn xung quanh toàn gương mặt xa lạ.
Nhưng hình thức thi này cũng dẫn đến một vài trường hợp “dở khóc dở cười”. Chẳng hạn như một bạn kiểm tra tiếng Anh có vài từ vựng khó không biết. Gần hết giờ may mắn được một… đàn em lớp chuyên Anh khóa dưới chỉ nghĩa của những từ ấy. Do đó, hình thức thi có phần khắt khe này cuối cùng vẫn không giải quyết triệt để vấn đề trung thực của học sinh trong thi cử mà rộng hơn là trong giáo dục.
Học sinh vẫn có cách để không trung thực vì sợ bị điểm kém, sợ rớt danh hiệu học sinh giỏi, sợ mất đi tấm vé ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học. Câu chuyện trung thực trong giáo dục vẫn gắn liền với ý thức của mỗi cá nhân. Nếu chỉ cố gắng nghiêm ngặt hơn trong việc gác thi hay cách tổ chức thi, sự trung thực ở một số học sinh thực chất vẫn chỉ mang tính đối phó và “thức thời”.
Nên thay đổi ra sao?
Đến hiện tại tôi chẳng còn nhớ bao nhiêu về những bài kiểm tra từng làm mình “mất ngủ” năm nào. Tôi nghĩ nhiều học sinh sau khi rời ghế nhà trường chẳng còn nhớ gì về những kiến thức mình từng miệt mài học để đạt được điểm cao trong bài kiểm tra.
Nhưng tôi nhớ rất rõ lần cô giáo dạy môn ngữ văn – cũng là cô chủ nhiệm – cho chúng tôi sân khấu hóa các tác phẩm văn học để lấy điểm miệng; nhớ cả lần lớp cùng vẽ tranh để minh họa lại những bài thơ kháng chiến trong chương trình ngữ văn 12.
Tôi cũng nhớ về lần được tranh biện tại lớp về chủ đề “Đại học có phải là con đường duy nhất” để lấy điểm cộng cho bài kiểm tra 15 phút; hay lần cả lớp cùng làm ra các khối tứ diện đều, bát diện đều, khối lập phương bằng giấy nhiều màu sắc để lấy điểm cộng cho môn toán.
Những cách “kiểm tra” đó hoàn toàn không phụ thuộc vào cơ sở vật chất của nhà trường. Nó chỉ cần sự “hợp tác” giữa giáo viên và học sinh. Và có lẽ cũng cần nhiều hơn về mặt thời gian để vừa học, vừa kiểm nghiệm, vừa chơi so với việc làm kiểm tra truyền thống trên giấy với bao nhiêu đó câu hỏi và cần hoàn thành trong một khoảng thời gian quy định.
Để đắm mình trong kiến thức môn học
Không bác bỏ ý nghĩa của những bài kiểm tra truyền thống có quy định về thời gian vì rõ ràng nó vẫn cần thiết. Nhưng phải chăng đã đến lúc cần đa dạng hóa phương thức đánh giá học sinh. Hy vọng rằng chương trình mới, cách kiểm tra đánh giá cũng mới để không còn tình trạng học sinh sống trong nỗi sợ thi cử và áp lực về điểm số thay vì thật sự tận hưởng, được đắm mình trong kiến thức của môn học đó.