Đề xuất làm nửa triệu nhà ở xã hội, Vingroup kiến nghị gì với Chính phủ?
Đề xuất làm nửa triệu nhà ở xã hội, Vingroup kiến nghị gì với Chính phủ?
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa giao 5 bộ xây dựng đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến năm 2030 và nghiên cứu đề xuất xây nửa triệu căn nhà ở xã hội của Vingroup.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu ngay trong tháng 8 các bộ, ngành lập đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đồng thời giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ kiến nghị của Tập đoàn Vingroup về một số vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup Nguyễn Việt Quang đã nêu ra 8 vướng mắc cần khắc phục trong chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện nay.
Trong đó đề nghị làm rõ khái niệm dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo nghị định 49 năm 2021 của Chính phủ; ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; quy định bắt buộc dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây nhà ở xã hội; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Vấn đề phạt vi phạm hành chính liên quan đến phát triển nhà ở xã hội; chính sách truy thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội; hỗ trợ vay vốn đối với chủ đầu tư, khách hàng mua nhà ở xã hội; phát triển mô hình khu đô thị nhà ở xã hội tập trung.
Vingroup cho rằng quy định bắt buộc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị loại 3 trở lên để xây dựng nhà ở xã hội mà không quan tâm đến yếu tố riêng, đặc thù từng địa phương và nhu cầu xã hội là bất cập, vì nhiều địa phương miền núi, trung du chưa có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng vẫn phải bố trí quỹ đất trong dự án để xây nhà ở xã hội.
Đối với 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, theo quy định nghị định 100 năm 2015 hướng dẫn Luật nhà ở thì chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất để bù đắp một phần chi phí xây dựng nhà ở xã hội, giảm giá nhà ở xã hội.
Nhưng theo Luật đất đai thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ vẫn phải nộp tiền sử dụng đất với 20% diện tích đất thương mại trong dự án nhà ở xã hội khi bán nhà. Hai quy định này đang trái ngược nhau.
Đối với quy định hỗ trợ 2% lãi vay thương mại cho chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở xã hội theo chương trình phục hồi kinh tế – xã hội 2022 – 2023, Vingroup cho rằng theo nghị định 31 năm 2022 của Chính phủ thì điều kiện để được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân phải đáp ứng điều kiện hết sức khắt khe như: dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được giao đất, cho thuê đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng và được cấp phép xây dựng.
Hơn nữa, dự án phải được UBND cấp tỉnh lập danh mục gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố danh mục dự án. Quy định này phát sinh thủ tục hành chính làm chậm việc thực thi chính sách ưu đãi, trong khi chính sách này chỉ được thực thi đến hết năm 2023. Thực tế đến nay Bộ Xây dựng mới công bố 15 dự án nhà ở xã hội trên cả nước đủ điều kiện hưởng ưu đãi này.
Mức hỗ trợ 2% lãi suất theo Vingroup là quá thấp, chỉ cần chủ đầu tư dự án tồn kho 50% căn hộ trong 2 năm là không có lãi.
Vingroup cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển mô hình nhà ở xã hội tập trung, vì mô hình này giúp địa phương chủ động bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, khắc phục được nhược điểm phát triển nhà ở xã hội rải rác trong khu nhà ở thương mại.