‘Giải cứu’ gói hỗ trợ lãi suất
‘Giải cứu’ gói hỗ trợ lãi suất
Sau 3 tháng Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp được ban hành, kết quả thực hiện quá ít không chỉ khiến doanh nghiệp sốt ruột mà Chính phủ cũng phải vào cuộc, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập một số đoàn công tác để tiến hành khảo sát tình hình triển khai.
Mới chi được hơn 1 tỉ trong số 40.000 tỉ đồng
Báo cáo tại cuộc họp cách đây 2 ngày do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tổng hợp từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất (LS) đến nay đạt gần 4.100 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng và số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỉ đồng. Một con số quá thấp nếu so với tổng số tiền hỗ trợ LS trị giá 40.000 tỉ đồng. Bản thân NHNN cũng thừa nhận sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ LS của các NH thương mại vẫn còn hạn chế.
Điều kiện vay vốn không thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% NGỌC THẮNG |
Nguyên nhân thì cũng giống như các gói hỗ trợ, ưu đãi trong thời gian qua. Đối tượng được hưởng đa phần không đáp ứng được các thủ tục để vay. Bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt, cho biết ngành du lịch đang đứng trước cơ hội trỗi dậy sau 2 năm ngủ đông, cần thiết được tiếp cận các gói tín dụng. Song ngành du lịch đa phần là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, yêu cầu có tài sản thế chấp là vô cùng khó khăn. Vay thế chấp khó, vay tín chấp thì gần như bất khả thi bởi NH yêu cầu DN phải chứng minh năng lực tài chính thông qua kết quả hoạt động 3 năm vừa qua. Nhưng đây là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với ngành du lịch, nên đa phần đều không đáp ứng được yêu cầu.
Điều kiện vay vốn không thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% NGỌC THẮNG |
“Dòng tiền của chúng tôi hiện đang rất tốt nhưng gần như vẫn không tiếp cận được vốn vay NH. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho doanh nghiệp. Thậm chí có giai đoạn còn phải vay nóng để không gián đoạn nguồn tiền. Về cơ bản thì các DN du lịch giờ vẫn phải tự mình tìm cách cứu mình, không thể trông chờ vào các chính sách ưu đãi”, bà Phương Anh nói thẳng.
Là một trong số ít DN du lịch được áp dụng Nghị định 31 để có thể được vay vốn hỗ trợ LS 2%, nhưng ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty du lịch Ảnh Việt, thông tin DN phải chịu rất nhiều khó khăn khi tới NH “xin” vay. Một số NH báo hết room, số khác thì LS khá cao hoặc điều kiện ràng buộc quá nhiều. “Qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, việc yêu cầu DN phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể”, ông Luân chán nản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty cao su Đức Minh, cho hay công ty đang có khoản vay 2 tỉ đồng với LS 8,5%/năm, cao hơn 0,5% so với đầu năm. Đầu tháng 8, phía NH đã thông báo công ty làm thủ tục để được hỗ trợ LS 2% theo quy định của Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được.
“Chúng tôi đã có khoản vay phê duyệt từ đầu năm với tài sản thế chấp đầy đủ mà còn vậy. Trong khi một số công ty trong hiệp hội cao su nhựa nếu không có tài sản thế chấp thì sẽ không thể nào vay được, nên gói hỗ trợ LS 2% xem như không có”, vị này nói.
Nhiều gói hỗ trợ bị tắc
Không phải đây là lần đầu tiên các chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh bị “tắc” khi thực hiện.
Năm 2021, Nghị quyết 68 của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19 được nhiều DN quan tâm về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với LS 0% với quy mô 7.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, để được vay vốn thì DN phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay. Đối với những lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú… còn phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đó là những nút thắt khiến nhiều DN thuộc đối tượng được vay nhưng lại không thể vay vốn để trả lương cho người lao động hay khôi phục sản xuất.
Ngay cả cơ quan thuế khi đó cũng khẳng định chỉ có thể xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của DN trong năm 2020 mà không thể có bản sao thông báo quyết toán thuế. Hơn nữa, với chu kỳ quyết toán thuế 3 – 5 năm, nhiều DN chưa kịp quyết toán thuế năm 2020 sẽ không đủ điều kiện để làm thủ tục vay vốn.
Hay chính sách giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhưng yêu cầu không có nợ xấu khiến nhiều DN bị chặn đứng. Sau rất nhiều kiến nghị của DN, hiệp hội ngành hàng, đến giữa tháng 10.2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19. Theo đó, Chính phủ bỏ điều kiện “doanh nghiệp không được có nợ xấu” mới được phép vay gói lãi suất 0%, nên việc giải ngân đã được thực hiện nhanh hơn.
Hay như hiện nay gói tín dụng 15.000 tỉ đồng để cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội trong 2 năm 2022 – 2023 nguy cơ cũng bị ế vì thị trường không có nhà ở xã hội nên không có người vay vốn để mua nhà. Song song đó, nhiều cá nhân thuộc đối tượng cho vay ưu đãi lại không đáp ứng đủ điều kiện. Đó là người vay phải là người không đóng thuế thu nhập cá nhân thì lại không đủ số tiền 30% giá trị căn nhà để mua; người dân phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 1 năm tại địa phương…
Có quy chế riêng để gỡ “nút thắt”
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có thể nhiều NH sẽ không mặn mà trong việc thực hiện các gói hỗ trợ về LS vì thông thường đối tượng cho vay là DN nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã nên có nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, trong bối cảnh bị giới hạn về tốc độ tăng trưởng tín dụng (room) và nhiều NH thương mại đã gần đụng trần, khó cho vay mới. Quan trọng hơn, việc NHNN khi hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cấp bù LS của Chính phủ nhưng vẫn giữ nguyên các quy định cho vay thông thường thì rất khó để các đối tượng cần hỗ trợ đáp ứng được.
Ông nêu ví dụ những DN đã đáp ứng điều kiện vay vốn của NH như có tài sản đảm bảo, đang kinh doanh tốt, có dòng tiền đảm bảo trả nợ đúng hạn… thì luôn được NH săn đón cho vay với LS thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Những DN này đôi khi sẽ không quan tâm đến việc được hỗ trợ LS 2% vì xét ra thì cũng không phải là quá nhiều. Trong khi đó, hàng loạt DN nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh là những đơn vị gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19 chắc chắn cần đến sự hỗ trợ của nhà nước để hồi phục trở lại, nhưng hầu hết không đáp ứng nổi quy định của NH về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh tốt…
Vì thế, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất NHNN cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ LS 2%. Chẳng hạn nên quy định cho phép các DN nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm.
“Rất nhiều NH từ trước đến nay do yếu về khả năng thẩm định kế hoạch kinh doanh của DN nên chỉ chăm chăm vào việc cho vay đối với khách hàng có tài sản đảm bảo. Nhưng trong điều kiện để thực hiện nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ cho vay nhằm thúc đẩy DN hồi phục, góp phần phát triển kinh tế thì NHNN phải có chính sách riêng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận xét các gói cho vay hỗ trợ từ trước đến nay quy mô rất “khủng” nhưng giải ngân lại rất thấp là do các nhà băng không mặn mà với những gói vay này. Các NH sẽ ưu tiên các gói vay thương mại để kiếm lợi nhuận trước. “Nếu muốn triển khai những gói hỗ trợ lãi suất thì NHNN nên có chính sách rõ ràng hơn cho NH thương mại. Có thể quy định chi tiết đối tượng được vay hoặc bảo lãnh nếu có rủi ro thì NHNN sẽ hỗ trợ”, TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.
NHNN ngày 16.8 ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng. Theo đó, NHNN yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, tổng giám đốc các NH thương mại nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH, trong đó công tác tín dụng cần gắn với triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Đồng thời cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NH.
HÀ MAI – MAI PHƯƠNG
TNO