27/12/2024

Phố ‘ngoại’ hồi sinh

Phố ‘ngoại’ hồi sinh

Đôi ba tháng trở lại đây các con phố tập trung đông đúc người nước ngoài sinh sống hay các khu vui chơi giải trí của khách Tây ở TP.HCM đã nhộn nhịp trở lại.

Phố ngoại hồi sinh - Ảnh 1.

“Phố Hàn Quốc” ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM đã nhộn nhịp trở lại (ảnh chụp ngày 16-8) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều cửa tiệm mới do chính người nước ngoài làm chủ cũng đã tái kinh doanh hoặc mở mới, các mặt bằng chỉ vài tháng trước ế ẩm nay đã đắt khách thuê, thậm chí tăng giá so với trước dịch.

 

“Phố Hàn” dần nhộn nhịp

Sau khi Việt Nam bỏ quy định xét nghiệm COVID-19, các đường bay quốc tế kết nối trở lại, từ giữa tháng 5, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng mạnh, gián tiếp thúc đẩy các khu phố “ngoại” ở TP.HCM hồi sinh.

Tại khu “phố Hàn” ở phường Tân Phong, quận 7, từ cuối năm 2020 đến đầu năm nay có rất nhiều cửa hàng “tháo chạy”, các bảng hiệu hàng quán lần lượt bị gỡ bỏ, các biển cho thuê mặt bằng chi chít từ đầu đến cuối đường.

Nhưng bây giờ, các con đường đã được khoác chiếc áo mới tươi tắn khi mặt bằng trống không còn, những biển hiệu mới cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn đã nhiều thêm và không ít hàng quán đang tu sửa để tái kinh doanh.

Ngồi trước cửa hàng mắt kính rộng lớn nằm ngay mặt tiền ở số 1 đường Bùi Bằng Đoàn thuộc vị trí “vàng” của khu “phố Hàn” quận 7, ông Kim Yong Min (người Hàn) chăm chú nhìn công nhân đang khẩn trương lắp cửa kính, đóng gạch và sắp xếp lại nội thất.

Nói tiếng Việt lơ lớ, ông Min cho biết chỉ chừng 10 ngày nữa là tiệm mắt kính này sẽ khai trương, chính thức kinh doanh trở lại sau quãng thời gian điêu đứng vì dịch.

Qua Việt Nam đã 4 năm, ông Min quyết định mở 2 tiệm mắt kính lớn chuyên phục vụ du khách và cư dân người Hàn, Nhật (cửa tiệm thứ 2 đặt tại khu Thảo Điền, TP Thủ Đức).

Việc kinh doanh của ông đang thuận buồm xuôi gió thì bị “bão” COVID-19 làm gián đoạn, có quãng thời gian phải đóng cửa.

Theo ông, trong thời gian ngừng kinh doanh được chủ mặt bằng hỗ trợ bằng cách giảm một phần chi phí, giúp ông có thể cầm cự. Khi khu “phố Hàn” đã rộn ràng trở lại, ông Min quyết định sửa sang cửa tiệm để mở cửa đón khách.

Tương tự, ông Kim Gun Ho – chủ phòng tập golf 3D tại khu “phố Hàn” này – cũng phải đóng cửa, trả mặt bằng trong những tháng cao điểm dịch do không kham nổi chi phí.

Gần đây khi nhu cầu môn thể thao này của người Hàn tăng trở lại, ông Ho đã quyết định thuê mới mặt bằng cũng ở khu vực này để tái kinh doanh phòng tập và đã khai trương cách đây không lâu.

Cũng từ tháng 5, ngay khi Việt Nam mở cửa cho khách quốc tế thì tại con đường Hưng Gia 3 ở khu “phố Hàn” có một siêu thị mang tên Seoul Mart được khai trương để phục vụ người Hàn. Ông Trịnh Văn Kết – chủ siêu thị Seoul Mart – cho biết siêu thị cung cấp các sản phẩm nhập khẩu từ Hàn và có đến 80% khách của siêu thị là các gia đình Hàn.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng muốn bán thử, giới thiệu các sản phẩm nên tôi trưng luôn ở các kệ để bán cho khách Hàn. Dù doanh thu chưa đạt như kỳ vọng nhưng tôi dự đoán đến sang năm sẽ ổn định khi người Hàn vào Việt Nam đông hơn”, ông Kết nói.

Ở lĩnh vực giáo dục, ông Kim Seong Keun – đại diện Trung tâm giáo dục văn hóa Hàn Quốc Asobi – cho hay các lớp học cho con em người Hàn cũng đã hoạt động trở lại tại cả quận 7 lẫn khu Thảo Điền sau thời gian đóng cửa vì dịch.

Phố ngoại hồi sinh - Ảnh 2.

“Phố Nhật Bản” trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Phố Nhật” đã vui trở lại

Nằm ngay trung tâm quận 1, “phố Nhật” ở đầu đường Lê Thánh Tôn những ngày qua đã huyên náo trở lại cả ngày lẫn đêm. Không còn cảnh những con hẻm tối om, quầy bar cửa đóng then cài hay nhà hàng treo biển trả mặt bằng… mà bây giờ là hình ảnh đông vui xập xình của con phố giải trí.

Bà H., chủ một quầy bar, cho biết hầu như tất cả các quán bar tại đây đều thuê mặt bằng, chi phí thuê cao nên thời gian dịch phải đóng cửa đến nay mới bắt đầu kinh doanh trở lại. Bà H. cho hay lượng khách đã bắt đầu phục hồi, song chiếm đa số vẫn là khách Nhật đang sống tại Việt Nam.

Trong khi đó, các dịch vụ kinh doanh ban ngày cũng nhộn nhịp không kém khi các hàng quán căng biển tuyển nhân viên, nhiều cửa hàng, siêu thị mới cũng mọc lên. Bên trong chuỗi cửa hàng Nhật Bản Ribeto Gyomu nằm trên đường Thái Văn Lung vào lúc 11h, chỉ ít phút đã có cả chục lượt khách Nhật ra vào mua sắm.

Vừa tính tiền cho khách, bà Đỗ Thị Như Hà – quản lý trưởng cửa hàng – vui vẻ cho biết dù chỉ mới khai trương vào tháng 7 nhưng khách đã khá đông, chủ yếu là người Nhật.

Theo bà Hà, công ty muốn mở cửa hàng tại TP.HCM ngay khi TP mở cửa, tuy nhiên phải đến tháng 7 mới tìm được mặt bằng ưng ý với giá 3.000 USD/tháng để mở siêu thị.

“Dù chưa chính thức khai trương nhưng cửa hàng đã đạt khoảng 70% kỳ vọng, đây là kết quả rất khả quan. Hiện đang còn dịch bệnh nên hàng hóa từ Nhật về Việt Nam chưa được dồi dào. Ngày 4-9 chúng tôi sẽ khai trương, lúc đó khả năng sẽ nhiều khách hàng hơn nữa và nếu kinh doanh tốt sẽ đề xuất công ty mở thêm cửa hàng tại TP.HCM”, bà Hà nói.

Nằm ngay ngã tư Lê Thánh Tôn – Thái Văn Lung, tiệm cơm Nhật Sukiya cũng đông đúc khách suốt giờ trưa. Cửa hàng trưởng Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết đến nay doanh thu đã tăng gấp rưỡi.

Theo bà Hạnh, tiệm mở lại vào tháng 10 năm ngoái nhưng khách chỉ lác đác, khoảng tháng 4 năm nay lượng khách Nhật, Trung Quốc đã đông trở lại và doanh thu của cửa hàng cũng tăng đều đều. Hiện hệ thống này đã mở thêm 2 chi nhánh khác ở TP.HCM.

Phố ngoại hồi sinh - Ảnh 3.

Tiệm mắt kính của ông Kim Yong Min ở số 1 Bùi Bằng Đoàn (quận 7) được sửa sang để tái kinh doanh trong vài ngày tới tại khu “phố Hàn Quốc” – Ảnh: NGỌC HIỂN

Doanh thu phục hồi từng ngày

Tuy phục hồi chưa đồng đều, song những khu phố tập trung đông người nước ngoài sinh sống và các khu giải trí, mua sắm cho người nước ngoài như tại Thảo Điền, “phố Mã Lai” đường Nguyễn An Ninh, chợ Campuchia (quận 10)… cũng đang dần lấy lại “phong độ”.

Từng phải đóng tiệm sau 10 năm kinh doanh và buộc phải trả mặt bằng về quê tránh dịch nhưng ông Mohamad Faris đã quyết định trở lại TP.HCM từ tháng 6. Ông mở cửa hàng thời trang đạo Hồi Khadijah tại khu “phố Mã Lai” nằm ở hướng tây chợ Bến Thành. Người em họ của ông cũng quyết định “hồi sinh” tiệm thời trang Wy & Rine cách tiệm của ông chỉ vài bước chân.

Theo ông Faris, gia đình ông kinh doanh thời trang có tiếng khi hàng hóa không chỉ bán lẻ cho khách Malaysia mà còn bán sỉ chuyển bằng máy bay cho các cửa hàng ở quốc gia này.

Tuy nhiên, do chi phí mặt bằng lên đến 130 triệu đồng/tháng nên cả năm qua ông phải trả mặt bằng cắt lỗ, chờ dịch tạm lắng là khôi phục kinh doanh. “Nếu mở thêm chợ đêm như trước nữa thì tôi tin khách sẽ đông hơn, các hãng du lịch nói tháng 9 sẽ có khách nước ngoài nhiều thêm nên tôi rất kỳ vọng”, ông Faris nói.

Theo ông, sau dịch có những xu hướng mua sắm rất “lạ”. Có những khách nước ngoài sang tận cửa hàng ông để livestream bán hàng online, chốt đơn ngay tại cửa hàng, có cuộc chốt đơn đến 300 bộ. Trung bình cửa hàng của ông bán được 60-70 triệu đồng tiền hàng mỗi lần khách livestream.

Tại khu Thảo Điền, nhiều hàng quán mở mới, tái kinh doanh và doanh thu dần ổn định. Đại diện nhà hàng Lãng Mạn Ốc (do người Hàn làm chủ) cho biết nhà hàng đã hoạt động ổn định từ sau khi Việt Nam mở cửa du lịch, nhiều thời điểm kín khách nước ngoài.

Bà Mai Kim Mỹ – nhân viên nhà hàng Nhật Namara Hokkaido tại khu Thảo Điền – cho hay hiện khách nước ngoài đã hồi phục, nhất là khách Nhật, khi có những thời điểm cả lầu 1 và lầu 2 đều kín bàn.

Còn tại chợ Campuchia, các khu ẩm thực cũng đã sôi động trở lại khi dãy hàng quán dài hàng trăm mét luôn nườm nượp thực khách. Bà Thanh Mai – chủ tiệm Tư Xê – cho biết sau thời gian dài ảm đạm, lượng khách quay lại chợ đã dần tăng.

Trong đó, nhiều khách nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều, cũng đã đến chợ mua sắm, mang nhiều loại cá khô sang Mỹ, châu Âu làm quà quê.

 

Phố Tây Bùi Viện lại đông như hội

QD_PhoDiBo_BuiVien

Tấp nập du khách vui chơi ở phố đi bộ Bùi Viện khuya 16-8 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) vừa trải qua một mùa hè sôi động khi lượng khách tăng mạnh hằng đêm, thống kê của các hàng quán dọc khu phố này cho thấy nhiều thời điểm lượng khách vượt mùa hè 2019.

Vào những đêm cuối tuần, con phố này sôi động như một lễ hội âm nhạc, ẩm thực đa sắc màu của giới trẻ và du khách quốc tế. Đến nay, các dịch vụ kinh doanh dọc các con đường Bùi Viện, Đề Thám, Nguyễn Thái Học… đã dần khôi phục.

Những doanh nghiệp tháo chạy khỏi các mặt bằng giá thuê hàng trăm triệu đồng/tháng đã sớm bị thay thế bởi các doanh nghiệp khác trong ngành kinh doanh ăn uống.

Theo quản lý một quán bar tại khu phố Tây, lượng khách tăng lên hằng đêm, đặc biệt mùa hè vừa qua có nhiều thời điểm khách tăng cao, trong đó chiếm ưu thế vẫn là khách nội. “Xét cả về số lượng lẫn mức chịu chi thì khách Việt đang bù cho khách Tây nên dù chưa có nhiều khách nước ngoài như trước, các quán bar vẫn đang làm ăn được”, vị quản lý này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng – giám đốc Công ty du lịch Thiên Niên Kỷ, chủ đầu tư nhiều quán bar lớn tại khu Bùi Viện – cho biết từ 4-5 tháng qua, chủ đầu tư các dịch vụ giải trí tại khu Bùi Viện đã sửa sang lại hàng quán và hiện kinh doanh đã tạm ổn.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp kỳ vọng lượng khách nước ngoài sẽ tăng và ổn định vào dịp cuối năm, còn hiện nay các quán bar đón lượng khách Việt đông vào dịp cuối tuần. Ông Dũng cho biết vào cuối tuần, tất cả các quán bar trong hệ thống của doanh nghiệp này đều kín khách, buộc doanh nghiệp phải tăng tuyển dụng, đào tạo nhân viên.

Theo ông Dũng, hiện nay đã vào cuối mùa hè nên mùa du lịch sôi động của khách nội địa sắp kết thúc, thay vào đó là kỳ nghỉ đông của du khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Úc… sẽ bắt đầu vào tháng 10.

Do đó, ông Dũng cho hay đây là thời điểm “vàng” để cạnh tranh với các nước trong khu vực, đón du khách quốc tế sang Việt Nam. “Bây giờ cần phải quảng bá một cách mạnh mẽ Việt Nam là một điểm đến an toàn, thủ tục cởi mở để du khách yên tâm đến du lịch.

Kể cả trường hợp du khách mắc COVID-19 cũng cần nhận được những sự hỗ trợ tốt về y tế để họ yên tâm đến Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị thật tốt để tháng 10-12 là thời điểm thăng hoa phục vụ khách nước ngoài”, ông Dũng nói.

N.HIỂN – N.XUÂN

NGỌC HIỂN – NHẬT XUÂN
TTO