26/12/2024

Vì sao không nên nặn u nang bã nhờn?

Vì sao không nên nặn u nang bã nhờn?

Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen nặn mụn. Nhưng nếu đó là u nang bã nhờn thì không nên nặn. Phân biệt u nang bã nhờn với mụn hoàn toàn có thể thực hiện được bằng mắt thường.

 

 

 

U nang bã nhờn còn được gọi là u nang biểu bì. Chúng là những cục u nhỏ, cứng phát triển dưới da. Những u nang này rất phổ biến và phát triển chậm, theo Medical News Today (Anh).

Vì sao không nên nặn u nang bã nhờn? - ảnh 1
Nặn u nang bã nhờn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng  SHUTTERSTOCK

U nang chứa đầy chất dịch, kích thước có thể nhỏ, lớn bằng hạt đậu hay lớn hơn. Sự khác biệt về kích thước chủ yếu do khả năng u nang phát triển đến mức nào.

Với một số người, u nang bã nhờn sẽ giữ nguyên kích thước trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số khác có thể sẽ phát triển lớn hơn. Dù vẻ ngoài u nang có thể khiến người mắc lo ngại nhưng chúng lại thường vô hại.

Nguyên nhân gây ra u nang bã nhờn là sự tích tụ protein keratin trong tế bào da. Ngoài ra, một số tổn thương da, nhiễm trùng cũng có thể gây u nang bã nhờn. U nang thường xuất hiện ở cổ, mặt và nửa thân trên.

Không nên nặn u nang bã nhờn. Điều đầu tiên là do u nang bã nhờn được bao bọc trong một túi. Do đó, khi bạn ấn và bóp u nang thì chất dịch sẽ trào ra nhưng túi u nang vẫn còn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ u nang tái phát.

Vì sao không nên nặn u nang bã nhờn? - ảnh 2
Cách tốt nhất để xử lý u nang bã nhờn là tìm đến bác sĩ da liễu SHUTTERSTOCK

Ngoài ra, một nghiên cứu công bố trên chuyên san European Journal of Radiology Open phát hiện tác hại nếu u nang không loại bỏ đúng cách. Khi u nang tái phát, lớp màng của túi u nang có xu hướng dày hơn.

Cách tốt nhất để xử lý u nang bã nhờn là tìm đến bác sĩ da liễu. Sau khi xử lý, bác sĩ sẽ biết cách vệ sinh và đưa ra những khuyến cáo cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

U nang nếu nhiễm trùng sẽ chuyển sang màu đỏ, sưng đau và có thể phát hình thành mủ, phát ra mùi hôi. Khi đó, u nang nhiễm trùng cần được điều trị bằng kháng sinh.

Trên thực tế, nhiều người không thực sự quan tâm đến u nang bã nhờn cho đến khi bị nhiễm trùng. Khi đó, hãy đến bác sĩ để được điều trị đúng cách.

Điều quan trọng khi chăm sóc u nang bị nhiễm trùng là phải giữ cho vùng do đó sạch sẽ. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể giúp giảm sưng đau và cảm giác khó chịu.

Khi nhiễm trùng thuyên giảm, bác sĩ sẽ lên lịch để cắt bỏ u nang. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để gây tê cục bộ và dùng dao mổ để cắt bỏ u nang, sau đó khâu kín vết thương, theo Medical News Today.

NGỌC QUÝ

TNO