26/12/2024

Chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam

Chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam

Dù Việt Nam đã mở cửa sớm hơn so với một số nước nhưng thủ tục visa vào Việt Nam đang gây khó khăn cho người nước ngoài nhập cảnh. Rào cản này không chỉ với khách du lịch mà còn với doanh nhân, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài…

Chuyên gia, du khách gặp khó với visa vào Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan quận 1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tục visa cũng là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng đang làm môi trường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kém hấp dẫn.

 

Muốn vào đầu tư nhưng không dễ

Từ ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa cho người nước ngoài trong đó có du khách, chuyên gia, nhà quản lý người nước ngoài nhập cảnh ở các hình thức miễn thị thực visa, thẻ tạm trú, thường trú… Nhưng theo các doanh nghiệp, đến nay xin visa vào Việt Nam vẫn không hề dễ dàng dù đây là điều kiện để kích cầu du khách đến, phát triển đầu tư, kinh doanh…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Ngọc Na Na, giám đốc Công ty Hana – doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ đăng ký giấy phép kinh doanh cho người nước ngoài, cho biết thời gian qua nhiều người nước ngoài gặp khó khi xin visa vào làm việc, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, theo bà Na, nhiều người Hàn Quốc muốn vào Việt Nam kinh doanh nhưng gặp vướng ở khâu phải “có khoản đầu tư”.

Trước đây, quy định cấp visa đầu tư thoáng hơn, nhưng hiện nay áp dụng quy định mới sau khi sửa luật nên người nước ngoài muốn có visa đầu tư tối đa 1 năm phải có vốn góp giá trị dưới 3 tỉ đồng và visa đầu tư tối đa 3 năm thì giá trị đầu tư phải từ 3 tỉ đồng trở lên.

Còn đối với những người đã sống ở Việt Nam, muốn gia hạn visa phải có báo cáo thuế, có hoạt động kinh doanh 3 năm. “Tuy nhiên, có những người họ mới mở hoạt động kinh doanh chỉ 2 năm, sau đó dịch nên đóng cửa thì lại khó khi xin visa, thẻ tạm trú để tiếp tục quay trở lại Việt Nam”, bà Na cho biết.

Câu chuyện mới đây được bà Cao Thị Tuyết Lan, giám đốc kinh doanh của Viettours, đưa ra tại một diễn đàn du lịch cũng nhận được nhiều sự chia sẻ của nhiều đơn vị. Bà Lan cho biết không hiểu tại sao Việt Nam chần chừ trong việc hồi phục các chính sách visa.

“Chúng tôi muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang họp mà phải lên mạng đăng ký lấy số trên Cục Xuất nhập cảnh từ 6h sáng rồi tới thứ năm tuần kế tiếp mới được lên nộp hồ sơ”, bà Lan nói.

Tương tự, phó tổng giám đốc một công ty du lịch có mảng dịch vụ visa khá mạnh ở TP.HCM cho biết rất nhiều hồ sơ visa mà đơn vị này làm cho khách hàng diện doanh nhân, chuyên gia bị từ chối không rõ lý do…

Mới đây, một doanh nhân người Lebanon có mở doanh nghiệp tại Việt Nam với đội ngũ nhân viên khoảng 6-7 người nhưng hồ sơ visa đưa lên vẫn rớt.

Do cần có mặt để tập huấn nội bộ, vị CEO này phải đi đường vòng bằng cách mua tour du lịch trọn gói 7 ngày vào Việt Nam, trả kèm một loạt chi phí khách sạn, vé vào cổng, xe cộ… với lịch trình du lịch tham quan.

Dù đã vào được Việt Nam giải quyết công việc của mình nhưng vị doanh nhân này tốn kém nhiều chi phí hơn.

Cần nới lỏng thủ tục visa

Không chỉ thủ tục cấp khó khăn hơn mà thời hạn cấp cho các visa vào Việt Nam cũng bị rút ngắn so với trước dịch. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, visa dành cho chuyên gia, người lao động vào Việt Nam làm việc bị rút từ 6 tháng xuống chỉ còn 3 tháng mà không có giải thích nào cụ thể.

“Về lý thuyết, người lao động xin visa vào Việt Nam thường đang kẹt ở bên ngoài hoặc ủy quyền cho công ty dịch vụ nhưng phía Việt Nam thường yêu cầu đích thân người lao động nộp hồ sơ hoặc công ty bảo lãnh. Đây là quy định làm khó”, giám đốc một công ty du lịch khác bức xúc.

Trong khảo mới đây về môi trường kinh doanh Việt Nam của Eurocham, khoảng 8% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng dù đã mở cửa và kiểm soát dịch thành công nhưng Việt Nam cần giảm bớt các thủ tục visa để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào. Rào cản visa đứng thứ 3 trong các vướng mắc để cải thiện môi trường đầu tư.

Theo ông Varun Grover, phụ trách nền tảng Booking.com tại Việt Nam, con đường duy nhất để Việt Nam có luồng khách quốc tế, đưa các hoạt động kinh tế, thương mại, giao thương sôi động trở lại là các thủ tục nhập cảnh phải thông thoáng, rõ ràng và thuận tiện.

“Nếu có lời khuyên nào lúc này thì chính là câu chuyện visa. Hãy tăng thời gian gia hạn visa lên 3 tháng vì đây là nhu cầu thiết thực”, ông Varun Grover nói.

Mở cửa quốc tế đi kèm với việc tạo thuận lợi đi lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, nếu du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc sản phẩm Vidotour Indochina Travel, kiến nghị cần nhất lúc này là khôi phục chính sách miễn thị thực như cũ trước 2019. Phải tạo thuận lợi cho khách quyết định vào giờ chót. Rất nhiều khách quốc tế có nhu cầu vào Việt Nam vì công việc, kinh doanh, đối tác gấp nhưng thủ tục visa bao giờ cũng lâu và khó dẫn đến họ phải chọn nước khác.

Từ phản ảnh của các doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng chính sách visa đang rườm rà hơn nhiều so với trước dịch đến từ việc đối tượng để thực hiện chính sách visa điện tử hoặc cấp visa tại cửa khẩu chưa được xem xét mở rộng.

Theo ông Bình, dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành du lịch. Trong khi đó, các thị trường truyền thống vẫn chưa sẵn sàng đưa khách đến Việt Nam, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine gia tăng, lạm phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn chưa thực sự phục hồi, lực lượng lao động thiếu hụt…

“Để sớm đưa du lịch quốc tế ở Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch, cách duy nhất là thủ tục visa thông thoáng”, ông Bình khẳng định.

 

Vướng giấy phép lao động, thẻ tạm trú

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, đại diện Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM) cho biết nhiều công ty Hàn Quốc đang tích cực quan tâm đầu tư vào Việt Nam, sau khi Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.

Theo vị này, việc giảm chi phí nhân công là rất cần thiết, nên các công ty đã cố gắng giảm bớt việc tuyển dụng người nước ngoài. Tuy nhiên, việc thuê người Hàn Quốc cho những vị trí trong ban lãnh đạo là cần thiết, nên rất mong phía Việt Nam thực hiện chính sách về giấy phép lao động một cách linh hoạt hơn.

“Chúng tôi nghĩ rằng lãnh đạo TP.HCM cũng cần có những biện pháp cải thiện đối với những phần chưa hợp lý xảy ra trong quá trình thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động của các doanh nghiệp”, phía KOCHAM nói với Tuổi Trẻ.

Trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM trước đó, đại diện phía KOCHAM cho biết đã có nhiều trường hợp bị cấp phép chậm trễ với lý do… sức khỏe của cán bộ phụ trách hay vấn đề điều động nhân sự. Chưa hết, việc cấp thẻ tạm trú cũng bị chậm trễ, gây ra thiệt hại đáng kể cho các công ty Hàn Quốc.

NGUYÊN HẠNH

 

Thị trường khách quốc tế phục hồi chậm

Viet Jet

Nhiều đường bay quốc tế được nối lại nhưng số lượng chuyên gia, du khách quốc tế đến VN chưa tăng trưởng như kỳ vọng- Ảnh: C.TRUNG

Ngày 17-8, Vietnam Airlines thông báo tiếp tục nối lại loạt đường bay từ Đà Nẵng đến Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) từ 4 đến 7 chuyến/tuần và tăng tần suất từ Hà Nội, TP.HCM đến Hàn Quốc với 10 chuyến/tuần, kể từ tháng 9.

Giá vé trên các chặng bay này khoảng 2,6 – 3,9 triệu đồng/vé khứ hồi, riêng đường bay đến Hàn Quốc 9 triệu đồng/vé khứ hồi.

Các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam đang tiếp tục tăng tần suất, nối đường bay và mở thêm các đường bay mới đi – đến Việt Nam. Trong đó, Vietjet, Vietnam Airlines và IndiGo, Spice Jet (của Ấn Độ) đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Vietjet được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata và Gaya, đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai.

Dù vậy, ông Phạm Việt Dũng – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam – đánh giá thị trường hàng không Việt trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc.

Theo đó, thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường khách quốc tế phục hồi rất chậm, còn vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.

CÔNG TRUNG

NHƯ BÌNH – NGỌC HIỂN