26/12/2024

Năm học mới 2022-2023: Đưa sách giáo khoa vào thư viện ra sao?

Năm học mới 2022-2023: Đưa sách giáo khoa vào thư viện ra sao?

Hiện nhiều trường học, sở giáo dục và đào tạo đã có những cách khác nhau xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh. Sắp tới, ngân sách cũng có thể hỗ trợ cho việc này.

 

Năm học mới 2022-2023: Đưa sách giáo khoa vào thư viện ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội) tổ chức buổi đọc sách cho học sinh Trường tiểu học Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) nhân sự kiện trường tặng sách – Ảnh: NTCC

Cụ thể, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 12-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phải rốt ráo để sớm báo cáo Chính phủ quyết định việc trích ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện trường học dùng chung.

 

Thư viện, tủ sách dùng chung

Khi giá sách giáo khoa mới làm dư luận lo lắng, nhiều ý kiến cho rằng cần có những biện pháp để giảm giá sách giáo khoa, không để học sinh nhà nghèo gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội) – cho rằng: Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thì cần tôn trọng cơ chế thị trường, đảm bảo đơn vị làm sách tồn tại được bền vững. Thay vì dùng biện pháp hành chính để ép giá bất chấp quy luật thị trường, thì chỉ nên có cơ chế kiểm soát đảm bảo tính minh bạch, hợp lý ở các khâu xuất bản sách giáo khoa.

“Với học sinh nghèo, học sinh ở các vùng khó khăn, thiếu thốn cần có giải pháp đặc thù, chứ không phải một giải pháp cào bằng như thể tất cả đều nghèo” – ông Khang bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho rằng thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung để cho học sinh mượn sách, sử dụng nhiều lần là một giải pháp “trúng đích” đối với người thực sự nghèo và cần hỗ trợ.

Tháng 6-2022, khi Bộ Giáo dục và đào tạo đề xuất lần đầu tiên với Chính phủ về việc trích ngân sách để mua sách cho thư viện trường học, sử dụng nhiều lần, ông Nguyễn Xuân Khang tiếp tục có ý kiến. Ông ủng hộ đề xuất trên nhưng cho rằng việc xây dựng thư viện, tủ sách dùng chung cần vận động nhiều nguồn lực xã hội dựa trên kế hoạch cụ thể của ngành giáo dục các địa phương. Vì ở đây không chỉ là giải quyết câu chuyện của năm nay, mà tiến độ đổi mới chương trình, sách giáo khoa tiếp tục làm cuốn chiếu nhiều năm tới. Sau việc cung cấp sách, xây dựng tủ sách còn là câu chuyện bảo quản, tổ chức cho mượn, sử dụng sách hiệu quả, tránh lãng phí.

Sau đó, ngay trong tháng 7, ông Khang liên hệ với UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Theo số điện thoại của các hiệu trưởng được trưởng phòng giáo dục và đào tạo cung cấp, ông Nguyễn Xuân Khang liên lạc và cho biết Trường Marie Curie sẽ trang bị sách giáo khoa mới lớp 1, 2, 3 và 6, 7 cho thư viện trường trong tháng 7-2022. Số lượng theo đầu học sinh để kịp đón năm học mới và sẽ tiếp tục hỗ trợ sách lớp 4, 5 và 8, 9 khi Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt và các địa phương chọn sách xong.

Ông Khang cũng liên hệ giám đốc Công ty Phát hành sách Hà Giang để đăng ký số lượng đặt mua và như lời hứa sách giáo khoa đã tới các trường trong tháng 7. Khi biết các trường thiếu thốn đủ bề, ông Khang kêu gọi phụ huynh của trường quyên góp đồ cũ, sách cũ còn dùng được và trích kinh phí mua mới để kịp những “chuyến hàng” đến bảy trường học khác ở Mèo Vạc vào giữa tháng 8, trước khi học sinh tựu trường.

Tính toán để không lãng phí

Lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo một số địa phương cũng cho rằng để tránh lãng phí cần hỗ trợ “trúng đích”.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên, với giá sách mới, bà con dân tộc thiểu số khó có điều kiện mua trọn bộ cho con. “Ngân sách có thể trích để mua sách cho học sinh những xã đặc biệt khó khăn. Còn vẫn cần vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ sách đưa vào thư viện cho học sinh mượn, hỗ trợ đồ dùng học tập tối thiểu” – lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Điện Biên cho biết.

Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị, cũng cho biết việc hỗ trợ mua sách giáo khoa cho học sinh bằng ngân sách không nên áp dụng dàn trải với tất cả học sinh. Nhiều gia đình có điều kiện có thể tự mua sách. Những nơi cần ưu tiên là các trường miền núi vùng khó khăn, trường học, học sinh thuộc hộ nghèo. Hình thức hỗ trợ là đưa sách vào thư viện để sử dụng chung và sử dụng nhiều lần.

Bà Hương cho biết không phải khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thiếu sách mà nhiều năm qua, luôn có những đối tượng học sinh không đủ điều kiện mua sách giáo khoa. Tại các địa bàn khó khăn, nhà trường phải thống kê đối tượng học sinh thiếu sách và đích thân thầy cô giáo đi xin sách cho trò từ nhiều nguồn: sách cũ của học sinh, trường học nơi khác trao tặng, xin của các doanh nghiệp, nhà xuất bản. Trường cũng dành kinh phí mỗi năm bổ sung một ít nhưng nguồn này cũng rất eo hẹp.

Ông Lê Mạnh Trường – chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo Lào Cai – cho biết sở đang triển khai xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở Giáo dục và đào tạo công bố danh mục sách giáo khoa các cấp học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: sách giáo khoa chưa sử dụng và sách giáo khoa đã sử dụng nhưng còn sử dụng được cho các năm học tiếp theo để các đơn vị, cá nhân căn cứ vào đó hỗ trợ…

 

TP.HCM: đã có sách trong tủ sách dùng chung

Tại TP.HCM, đa số các trường từ tiểu học đến THPT đều cho biết chờ đến ngày tựu trường xem nhu cầu mượn sách giáo khoa của học sinh như thế nào. Trên cơ sở đó, trường sẽ có kế hoạch đáp ứng nhu cầu ấy. “Hiện chúng tôi đã chuẩn bị một số bộ sách giáo khoa cho tất cả các khối từ lớp 1 đến lớp 5 phục vụ cho tủ sách dùng chung. Dự kiến sau ngày 22-8, giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ thống kê số lượng cụ thể học sinh cần mượn sách. Nếu số sách hiện có chưa đáp ứng đủ thì trường sẽ mua thêm” – cô Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TP.HCM, thông tin.

Trong khi đó, ở Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức, ngoài tủ sách dùng chung ở thư viện trường, các giáo viên bộ môn đều tự biên soạn tài liệu giảng dạy dựa trên chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo. “Những tài liệu này được phát cho tất cả học sinh để các em thuận tiện hơn trong quá trình học tập. Học sinh trường chúng tôi học tập dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau như tài liệu giảng dạy do giáo viên bộ môn biên soạn, sách giáo khoa và một số tài liệu khác nữa. Thời gian tới, khi nắm được cụ thể số lượng học sinh cần mượn sách giáo khoa, nhà trường sẽ có kế hoạch thực hiện. Nếu số học sinh cần mượn sách không quá nhiều, chúng tôi sẽ vận động nhà hảo tâm tặng sách cho những học sinh này” – cô Nguyễn Thị Thanh Trúc, hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

 

Hoàng Hương

VĨNH HÀ
TTO