Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: ‘Công viên nhà mồ’, tại sao không?

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: ‘Công viên nhà mồ’, tại sao không?

Cũng như người Kinh, cái nghĩa địa kinh khiếp một thời giờ cũng có thể trở thành không gian văn hoá, thành công viên vĩnh hằng, thì việc nhà mồ và tượng mồ của người Tây nguyên trở thành những “công viên nhà mồ” cũng là khả thi, vấn đề là thời gian và điều kiện.

 

 

 

Trong tương lai, tượng mồ ấy nó sẽ như thế nào, “tồn tại hay không tồn tại”? Rõ ràng đã có những thay đổi rất nhiều trong đời sống và cả cách nghĩ, tư duy giữa “ngày xưa” và hôm nay, giữa hiện đại và truyền thống.

Và đấy là tất yếu của đời sống, một đời sống phát triển bình thường, huống gì chúng ta đang phát triển từ “nóng” tới “rất nóng”.

Huyền bí nhà mồ Tây nguyên: 'Công viên nhà mồ', tại sao không? - ảnh 1
Nhà mồ và tượng mồ – nét văn hóa đặc sắc của người Tây nguyên  VĂN CÔNG HÙNG

Về hưu, tôi có mấy năm được mời phục vụ ở khu du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi (TP.HCM) với vai trò phụ trách mảng truyền thông và văn hóa. Ở đấy đã có một khu làng từ Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ tới Tây nguyên.

Tại khu Tây nguyên, tôi đã tham mưu mời một số nghệ nhân từ buôn làng của họ ở Gia Lai xuống sống ở đấy, sống đúng cuộc sống của mình. Tất nhiên đây là những nghệ nhân xuất sắc, họ biết làm và chơi nhạc cụ, biết đan lát làm các công việc thường nhật của họ từ ngày xưa mà giờ ta coi là bản sắc. Họ cũng giữ lửa trên nhà rông hàng ngày, quét tước nhổ cỏ trồng những thứ cây mang từ làng họ xuống: Lá é, mì gòn, cà đắng, vân vân… Và họ được hưởng lương, ăn cơm ngày bốn bữa…

Họ được hưởng lương khá cao so với khi sống ở làng, để sống đúng đời sống của họ ở buôn làng.

Ở bài trước, chúng tôi cũng nhắc tới cách làm của cái làng ở xã Ia Mơ Nông của H.Chư Păh. Nhưng dù gì nhà mồ vẫn phải là nhà mồ, và tượng mồ vẫn phải là tượng mồ, không được lẫn lộn. Không được mang tượng mồ lên nhà rông như đã và đang xảy ra do cách chúng ta biến nó thành hàng hóa của du lịch.

Dẫu nó vẫn tham gia vào đời sống hiện đại, vẫn làm du lịch. Nhưng rõ ràng phải có những cách để nó vẫn tự nhiên như đời sống của nó, vẫn là nó, hoặc là, như cái cách mà nó tồn tại, là nó mang tính trừu tượng, tính gián cách rất cao.

Sự định hướng của ngành văn hóa với những chuyên gia thực sự hiểu biết, có cách nhìn nhân văn với hiện thực là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, văn hóa truyền thống Tây nguyên bị “vỡ” có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có sự “đóng góp” không ít của một số cán bộ văn hóa cơ sở thiếu hiểu biết, áp đặt cách hiểu, cách nghĩ của mình, truyền thống văn hóa của mình (đa phần là người Kinh) vào, nên nhiều trường hợp nó trở nên lai căng và sai lệch như đã từng xảy ra (các lễ hội “đâm trâu” là ví dụ).

Nó cần sự phát triển tự thân. Nhưng vì các lý do như kể trên, nó không có điều kiện tồn tại, và khả năng biến mất là khá cao, thì chúng ta chọn cách bảo tồn có chọn lọc (nếu thấy cần thiết phải bảo tồn).

Thực ra, rất khó để có các “nghệ nhân chuyên nghiệp” về tượng mồ, bởi như đã trình bày, ngoài sự tài hoa (mà đa phần người Tây nguyên đều có như một phần của bản năng), nó còn yếu tố tâm linh. “Sản xuất” hàng loạt như một vài nghệ nhân hiện nay đang làm và được đề cao chưa phải là việc hay, và rồi lại mang ra các nơi công cộng để đặt, tách rời với không gian của nó lại càng dở. Không gian của tượng mồ là không gian đặc biệt. Nếu cồng chiêng, rượu cần đã cần không gian của nó, là chính buôn làng, với toàn bộ đời sống cư dân ở đấy, thì tượng mồ và nhà mồ có một không gian hẹp hơn nhiều, đặc biệt hơn nhiều.

Việc nhà mồ và tượng mồ của người Tây nguyên trở thành những “công viên nhà mồ” là điều khả thi, vấn đề là thời gian và điều kiện. Phải có những cách nghĩ cách làm chín chắn, không xa rời đời sống quá, như từng có thời chúng ta vận động bà con xóa khố, ở nhà trệt… khi điều kiện cán bộ nhà nước chỉ có một năm 4 mét phiếu vải. Còn bây giờ, khố trở thành thứ quý hiếm, mỗi người đàn ông luôn trữ một cái khi có việc làng thì dùng, như chị em người Kinh trữ áo dài một thời…

Tất nhiên là khó, rất khó, để nó vừa là bản sắc, là truyền thống lại không bị vênh, bị chỏi ra giữa đời sống hiện đại. Chả thế mà lại phải cần ngành văn hóa, cần các chuyên gia… để đời sống vẫn phát triển mà vẫn muôn vạn sắc màu. Và nên nhớ, không chỉ mình Tây nguyên có tượng mồ, tượng gỗ dân gian. Sang Thái Lan tôi cũng đã gặp một khu như thế. Và nghe nói ở châu Phi cũng rất phong phú…

VĂN CÔNG HÙNG

TNO