27/12/2024

Xét tuyển riêng: Những lưu ý để tránh bị loại

Xét tuyển riêng: Những lưu ý để tránh bị loại

Nhiều trường đại học tuyển sinh theo phương thức xét tuyển riêng của trường, nhưng xét cùng đợt 1 theo lịch chung của Bộ GD-ĐT. Thí sinh cần lưu ý gì để không bị loại từ vòng đăng ký xét tuyển?

 

 

Xét tuyển riêng: Những lưu ý để tránh bị loại - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu phương thức tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong Ngày hội tư vấn xét tuyển 2022 – Ảnh: TR.HUỲNH

Bên cạnh quy định chung theo quy chế của Bộ GD-ĐT, nhiều trường có quy định cụ thể với phương thức xét tuyển riêng. Nếu không nắm rõ để thực hiện đúng yêu cầu của các trường, thí sinh sẽ rơi vào tình huống không đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh bị loại ngay khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

 

Chưa qua sơ tuyển sẽ không được xét tuyển

Một trong hai phương thức tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Y dược TP.HCM là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (chỉ áp dụng với một số ngành). Ở phương thức này, trường yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ IELTS về trường vừa phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết: “Xét chứng chỉ IELTS như điều kiện sơ tuyển của trường. Hiện trường đã công bố danh sách 1.660 thí sinh đăng ký sơ tuyển phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Nếu thí sinh nào không có tên trong danh sách trên sẽ không được đăng ký xét tuyển phương thức này nữa. Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn từ ngày 1-7-2020 đến ngày 13-7-2022. Trường sẽ kiểm tra chứng chỉ tiếng Anh quốc tế bản gốc khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển”.

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét tuyển tổng hợp gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 2022, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, kết quả học 3 năm THPT), năng lực khác và hoạt động xã hội.

Đây là phương thức chiếm tới 75 – 90% tổng chỉ tiêu của trường. Để được đăng ký xét tuyển vào trường theo phương thức này, trước hết thí sinh phải đạt mức điểm sàn các thành phần đánh giá năng lực học tập: đánh giá năng lực 650 điểm, điểm thi THPT 18/30 điểm (theo tổ hợp xét tuyển) và học bạ 18/30 điểm (theo tổ hợp xét tuyển). 

Như vậy, so với điểm sàn của các trường công bố thì mức điểm trên quá khiêm tốn. Chính điều này khiến không ít thí sinh lầm tưởng việc xét tuyển tổng hợp này sẽ có mức điểm “dễ chịu” hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết đây chỉ là mức điểm tối thiểu thí sinh cần có để đủ điều kiện đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển sẽ hoàn toàn khác. Trường hợp thí sinh không dự thi đánh giá năng lực, trường sẽ cân nhắc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để thay thế (với một tỉ lệ quy đổi nhất định) và ngược lại.

Bắt buộc đăng ký trên 2 hệ thống

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn quy định thí sinh phải đăng ký xét tuyển trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và đồng thời đăng ký hồ sơ xét tuyển tại cổng đăng ký tuyển sinh của trường. “Đối với thí sinh đã đăng ký nguyện vọng tại cổng đăng ký thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, vẫn có thể thay đổi nguyện vọng theo năng lực và nhu cầu cá nhân trên cổng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT” – ông Thắng cho biết thêm.

Trong khi đó, bên cạnh điểm sàn, Trường ĐH Ngoại thương còn có các quy định riêng. Ở phương thức 3 – xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ngoài các điều kiện nêu trong đề án tuyển sinh, thí sinh cần đáp ứng điều kiện về điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chứng chỉ ngoại ngữ mới được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Điều kiện điểm thi THPT ngưỡng điểm nhận hồ sơ dao động từ 16 đến 17 điểm (không gồm điểm ưu tiên). “Để đảm bảo tính hợp lệ và quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ của hồ sơ xét tuyển phương thức 3, trường yêu cầu thí sinh đăng ký đồng thời trên hệ thống xét tuyển riêng của trường và trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Đây là quy định bắt buộc” – đại diện nhà trường lưu ý.

Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển phương thức 4 – xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022: điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 7,0 trở lên; có tổng điểm xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đạt từ mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của trường và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Trường không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ hoặc kết quả điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế xét công nhận tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Bên cạnh đó, ở phương thức này trường còn quy định điểm sàn các tổ hợp xét tuyển, tại trụ sở chính Hà Nội: A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07 là 23,50 điểm. Tại cơ sở II TP.HCM điểm sàn năm tổ hợp: A00, A01, D01, D06, D07 cũng là 23,50 điểm. Còn tại cơ sở Quảng Ninh xét bốn tổ hợp: A00, A01, D01, D07; thí sinh cần đạt tối thiểu 20 điểm (gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) để đủ điều kiện xét tuyển.

 

Chú ý điều kiện nộp hồ sơ

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) xét tuyển ngành kiến trúc theo phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển (dành cho các thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu do ĐH Đà Nẵng tổ chức).

TS Trần Đình Khôi Quốc – trưởng ban đào tạo ĐH Đà Nẵng – cho hay phương thức xét học bạ THPT dành cho các ngành có môn năng khiếu của ĐH Đà Nẵng là phương thức tuyển sinh riêng. Ngành này xét tuyển theo ba tổ hợp V00 (vẽ mỹ thuật, toán, lý); V01 (vẽ mỹ thuật, toán, văn); V02 (vẽ mỹ thuật, toán, tiếng Anh). Thí sinh phải có điểm xét tuyển từ 18 điểm trở lên và không có môn nào dưới 5 điểm mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

“Như vậy, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành này bắt buộc phải đăng ký bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, đồng thời thí sinh nộp minh chứng để hưởng ưu tiên đối tượng và lệ phí xét tuyển 25.000 đồng/nguyện vọng về ĐH Đà Nẵng (qua đường bưu điện) trước ngày 20-8. Nếu không thực hiện đúng quy định này sẽ không được xét tuyển” – ông Quốc lưu ý.

 

Cần chọn tổ hợp môn đạt tổng điểm cao nhất

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) được đánh giá kết hợp bao gồm ba thành tố và trọng số tương ứng được dùng để xét tuyển.

Trong đó thành tố học lực chiếm 90%; thành tích cá nhân (đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác) chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.

“Do vậy với ngành/nhóm ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển, thí sinh cần chọn tổ hợp môn mà mình đạt tổng điểm cao nhất” – ông Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, khuyên.

TRẦN HUỲNH
TTO