An Giang, Đồng Tháp yêu cầu chở cát đi phải có ‘giấy tờ’, ‘địa chỉ’ rõ ràng
An Giang, Đồng Tháp yêu cầu chở cát đi phải có ‘giấy tờ’, ‘địa chỉ’ rõ ràng
Mấy ngày qua, hàng loạt sà lan neo đậu dày đặc trên sông Tiền thuộc 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp để… chờ cát, sau khi chính quyền hai tỉnh này siết chặt quản lý về nguồn cát, đặc biệt kiểm tra giấy tờ, địa chỉ chở cát về.
Ngày 11-8, ông P., chủ doanh nghiệp tại An Giang đang khai thác cát trên sông Hậu, cho biết hiện nay UBND tỉnh An Giang không cho doanh nghiệp bán cát ra ngoài tỉnh. Thậm chí, UBND tỉnh ghi rõ trong giấy phép là cát này sẽ đi về đâu, phục vụ dự án nào.
“Bây giờ các doanh nghiệp khai thác cát không thể “nhúc nhích” được. Tôi mới được cấp 2 giấy phép khai thác cát thì UBND tỉnh An Giang ghi rõ phục vụ công trình cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, với trữ lượng 160.000m3 cát. Họ không cho bán ra ngoài, kể cả bán trong tỉnh. Do đó, chúng tôi không thể làm gì được. Thậm chí trong giấy phép còn ghi giá bán cụ thể luôn”, ông P. nói.
Còn ông Nguyễn Hữu Phước – tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp – cho biết đơn vị có 17 giấy phép khai thác cát trên 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu, với trữ lượng khai thác trên 5,4 triệu m3 cát/năm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khai thác gần 4 triệu m3 cát để phục vụ các công trình trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Hiện nhiều sà lan neo đậu tại sông Tiền là do “chờ tài” vận chuyển cát. Giá cát được bán tại mỏ với giá 60.000 đồng/m3.
“Tôi bán tại mỏ cát như vậy, còn người ta mua ở ngoài bao nhiêu tôi không biết. Có thể do các sà lan neo đậu nhiều ngày nên họ cộng thêm chi phí thành giá mấy trăm ngàn đồng/m3 thôi. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép mỏ cát tại huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo mỏ này phải ghi hóa đơn rõ nguồn cát phục vụ trong huyện này. Nếu chúng tôi vận chuyển ra ngoài sẽ bị xử lý. Do đó, không có việc nguồn cát của Công ty Xây lắp Đồng Tháp ‘tuồn’ ra khỏi địa phương”, ông Phước nói.
Nói về tình trạng hàng loạt sà lan đậu dày đặc trên sông Tiền tại Tân Châu, một lãnh đạo Công ty cổ phần Xây lắp An Giang nói: “Hiện nay trong nước thiếu cát vàng nên nhiều doanh nghiệp nhập cát vàng về rất nhiều. Hàng loạt sà lan neo đậu nhiều ngày qua ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu chờ lấy cát từ Campuchia về. Còn chúng tôi chỉ có 3 cần xáng cạp tại khu vực này với trữ lượng được cấp phép 380.000m3 cát/năm. Giá cát bên tôi bán dao động 100.000 – 110.000 đồng/m3“.
Ông Hồ Minh Phương – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Tháp – cho biết Đồng Tháp đã thông qua chủ trương không bán ra ngoài tỉnh gần 6 tháng nay. Cát chỉ phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh và các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. “Chủ trương không bán cát ra ngoài tỉnh đã được thực hiện vài tháng qua. Vì hiện nay nguồn cát khan hiếm, không đủ phục vụ trong tỉnh. Vừa qua, chúng tôi có hỗ trợ tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ 1,2 triệu m3 cát thôi. Còn lại vẫn thực hiện theo chủ trương đó”, ông Phương nói.
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang nói thêm: “Các mỏ khai thác cát đều có địa chỉ “điểm đến”. Do đó, các mỏ cát được cấp phép hiện nay đều ghi rõ phục vụ công trình nào, dự án ở đâu rõ ràng. Nếu dự án nào không được lên vốn hay đăng ký ngay từ đầu sẽ rất khó có cát làm công trình”.