23/01/2025

Giáo viên đề xuất đừng dựa vào kết quả của trò để đánh giá thầy

Giáo viên đề xuất đừng dựa vào kết quả của trò để đánh giá thầy

Cứ mỗi dịp đầu năm học, khi hội nghị cán bộ công chức cấp cơ sở lên kế hoạch tổ chức, giáo viên chúng tôi bắt đầu đăng ký danh hiệu thi đua cùng các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng.

 

 

Đó là các chỉ tiêu về số lượng học sinh giỏi đạt giải cuộc thi cấp thị xã, số tiết dự giờ và thao giảng…

Giáo viên đề xuất đừng dựa vào kết quả của trò để đánh giá thầy - ảnh 1

Căn bệnh thành tích thêm phần trầm trọng

Thú thật, cảm giác choáng ngợp đến ngỡ ngàng vẫn bao trùm chúng tôi sau nhiều năm cầm phấn. Bởi những con số chỉ tiêu đặt ra luôn cao ngất ngưởng. Dù được gọi tên hoa mỹ là “đăng ký chỉ tiêu” nhưng mấy con số đó đã được ấn định từ cấp trên với nguyên tắc bất di bất dịch: chỉ tiêu của cá nhân không được thấp hơn chỉ tiêu của nhà trường, chỉ tiêu của trường không được thấp hơn mặt bằng chỉ tiêu của phòng giáo dục.

Mấy con số chỉ tiêu vô tri vô giác đã cột chặt người thầy vào nhiệm vụ dạy học phải rượt đuổi liên hồi theo số lượng đã đăng ký. Mỗi đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ lại rà soát và đối sánh liên tục với chỉ tiêu đã đăng ký đầu năm, rồi họp bàn giải pháp đạt mục tiêu đề ra. Chính nó khiến căn bệnh thành tích vốn đã trầm kha của giáo dục thêm phần trầm trọng.

Chỉ tiêu cứ ấn định từ trên xuống, nhà trường cứ vậy mà đăng ký, giáo viên cứ thế mà đặt bút. Và rất khó đứng bên lề cuộc đua này. Bởi nhà trường không đạt chỉ tiêu sẽ bị chất vấn khi tham gia các hội nghị tổng kết cấp phòng, sở. Còn giáo viên không đạt chỉ tiêu phải tường trình trước ban giám hiệu, phải họp hành đánh giá và rút kinh nghiệm, phải bàn giải pháp hòng đạt chỉ tiêu.

Nhiều trường học rất khắt khe đối với thi đua của tập thể và cá nhân. Bằng cách ký cam kết đạt chỉ tiêu chất lượng, nhà trường căn cứ vào đó để đánh giá thi đua của người thầy. Trò không đạt chất lượng học lực và hạnh kiểm như chỉ tiêu, thầy bị trừ điểm thi đua. Trò bỏ học khiến tỷ lệ duy trì số lượng của trường bị đẩy lên cao, thầy bị hạ thi đua. Trò vi phạm nội quy, thầy bị cân nhắc khi đánh giá xếp loại vì quản lý lớp không nghiêm, giáo dục trò không tới nơi tới chốn.

 

Chất lượng ảo nảy sinh từ chính những con số chỉ tiêu ảo?

Lời nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn cứ vang lên, áp lực vô hình đè nén buộc người thầy phải thay đổi quan điểm dạy học và đánh giá.

Giáo viên đề xuất đừng dựa vào kết quả của trò để đánh giá thầy - ảnh 2

Chất lượng ảo phải chăng nảy sinh từ chính những con số chỉ tiêu ảo khiến bao người quay quắt phấn đấu đạt chất lượng bằng nỗ lực dạy học, đổi mới chuyên môn không ngừng nghỉ và cả vô vàn chiêu trò can thiệp điểm số, “gieo sạ” điểm số?

Đâu cứ phải tất cả học sinh đều ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Nếu chẳng may giáo viên được bố trí vào lớp học có chất lượng học tập và nền nếp không tốt là y như rằng người thầy chịu cảnh “trên đe dưới búa”. Nhiều lúc phấn đấu dạy học và giáo dục suốt cả năm học nhưng chỉ cần cuối năm tổng kết có học sinh bỏ học vượt chỉ tiêu, học sinh khá giỏi không đạt chỉ tiêu, học sinh yếu và thi lại cao so với chỉ tiêu là y như rằng công sức cả năm “đổ sông đổ biển”.

Dựa vào kết quả của trò để đánh giá thầy – cách quản lý giáo dục vẫn mang nặng tính thi đua chạy theo thành tích phải chăng rất bất công với nỗ lực của người thầy? Cách áp đặt, ấn định chỉ tiêu từ cấp trên buộc nhà giáo phải đăng ký quả thật đang đi ngược với phong trào chống bệnh thành tích trong giáo dục, khiến khát vọng “học thật, thi thật, nhân tài thật” ngày càng khó về đích.

Đừng đánh giá thi đua của người thầy căn cứ vào kết quả của trò bằng cách cởi trói cho giáo viên thoát khỏi “vòng kim cô” mang tên chỉ tiêu.

TRANG HIẾU

TNO