24/12/2024

Bác sĩ cảnh báo: Tác hại khó lường khi tự ý đi tiêm thuốc xương khớp

Bác sĩ cảnh báo: Tác hại khó lường khi tự ý đi tiêm thuốc xương khớp

Việc thực hiện thủ thuật tiêm corticoid vào khớp cần được cân nhắc về liều lượng và tiền sử bệnh tật, được thực hiện bởi bác sĩ và cơ sở y tế có chuyên môn, việc lạm dụng sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ.

 

 

Một số sai lầm khi tiêm corticoid vào khớp

Hiện nhiều người khi đau nhức xương khớp sau khi uống thuốc không khỏi thường đi tiêm thuốc giúp nhanh hết đau nhức. Liệu việc thường xuyên tiêm thuốc xương khớp có gây ảnh hưởng sức khỏe không?

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ, bác sĩ Ngô Anh Tuấn, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh viện 1A) cho biết, đa phần thuốc được sử dụng để tiêm vào khớp là corticoid. Corticoid là một dạng thuốc kháng viêm thuộc nhóm steroid còn được gọi là corticosteroid hay glucocorticosteroid.

Corticoid có 3 công dụng chính gồm chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch trong cơ thể. Tuy nhiên corticoid chỉ phát huy tác dụng tốt khi sử dụng với nồng độ thích hợp tức nồng độ cortisol trong máu cao hơn nồng độ sinh lý.

Bác sĩ cảnh báo: Tác hại khó lường khi tự ý đi tiêm thuốc xương khớp - ảnh 1
Việc tiêm corticoid vào khớp cần được cân nhắc về liều lượng, tiền sử và thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Việc thực hiện thủ thuật tiêm corticoid vào khớp cần được cân nhắc về liều lượng và tiền sử bệnh tật. Nếu dùng liều cao, nhắc đi nhắc lại nhiều lần kéo dài, thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ toàn thân như giữ muối và nước, xáo trộn cân bằng điện giải, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo cơ hội cho nhiễm khuẩn, siêu vi nấm. Nếu không chú ý đến tiền sử bệnh tật của người bệnh sẽ làm tăng huyết áp, suy tim co thắt đối với người có nguy cơ tim mạch, giảm dung nạp glucose với người bệnh đái tháo đường.

“Tiêm corticoid vào khớp kể cả trường hợp nhẹ là không cần thiết và nghiêm trọng hơn là chỉ định cho cả trường hợp bệnh nhân viêm khớp nhiễm khuẩn”, bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ.

Một số người còn dùng một hoặc nhiều thứ thuốc khác như vitamin B12, kháng sinh, các kháng viêm không steroid hoặc trộn lẫn chúng với dịch treo corticoid tiêm vào khớp. Ngoài việc dùng thuốc không đúng chỉ định, hành động trộn lẫn thuốc với nhau hoặc trộn với dịch treo corticoid sẽ làm phá hỏng dạng bào chế. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như phản ứng viêm mạnh ở màng hoạt dịch, làm tổn hại đến các tổ chức hoạt dịch, sụn khớp, nguy cơ dẫn đến dính khớp hay thậm chí mất chức năng hoạt động khớp.

 

Không phải trường hợp nào cũng cần dùng thuốc

Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây đau cơ xương khớp.

Nhóm 1 bao gồm các nguyên nhân gây hoặc đi kèm tổn thương thực thể như chấn thương gãy, nứt, trật khớp, đứt dây chằng, tổn thương sụn, bao hoạt dịch, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, loãng xương, lao xương, rách cơ, xơ cơ, viêm khớp, viêm bao khớp. Việc điều trị đối với đau cơ xương khớp đối với nhóm nguyên nhân thực thể này thường là phẫu thuật, thủ thuật khi không thể hay điều trị bảo tồn không đem lại kết quả. Tiêm corticoid chỉ được sử dụng điều trị trong một số trường hợp viêm khớp, bao khớp, gân cơ không do nhiễm trùng

Nhóm 2 gồm đau cơ xương khớp do cơ năng hoặc do các nguyên nhân không đi kèm tổn thương thực thể, trong đó đau cơ xương khớp do nguyên nhân cơ học chiếm tỷ lệ đa số bệnh nhân đi khám đau cơ xương khớp

Thời tiết, thừa cân béo phì, tập thể thao vận động quá mức, lao động nặng nhọc, sau nhiễm virus, stress, duy trì việc sai tư thế cũng khiến xương khớp bị lệch vẹo cảm thấy đau nhức, đặc biệt trong thời kỳ công nghệ 4.0 việc đau vai gáy cổ, hay cột sống hết sức phổ biến do tư thế sai liên quan việc dùng smartphone hay ngồi văn phòng.

Điều trị vật lý trị liệu bằng điện trị liệu như sóng ngắn, hồng ngoại; bằng tay như mát xa tại chỗ, nắn khớp, châm cứu, kể cả thuốc kháng viêm giảm đau chỉ giúp giảm đau tạm thời.

“Các phương pháp điều trị trên không thể giúp tái lập cân bằng dẫn đến việc đau tồn tại kéo dài. Kỹ thuật điều trị hiệu quả là tái lập sự cân bằng các cơ xung quanh ổ khớp, trả khớp về đúng vị trí vốn có như cấu tạo của chúng. Kỹ thuật này được áp dụng phổ biến tại các nước tiên tiến”, bác sĩ Calvin Q Trịnh chia sẻ.

LÊ CẦM

TNO