Tuyển sinh đại học 2022: Trúng tuyển 10 trường vẫn muốn xét tiếp
Tuyển sinh đại học 2022: Trúng tuyển 10 trường vẫn muốn xét tiếp
Dù thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đã trôi qua hai tuần (từ ngày 20-7) nhưng hiện vẫn còn không ít băn khoăn của thí sinh về việc lựa chọn ngành học.
Đáng chú ý, hiện có thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện cả chục trường với nhiều ngành ở các phương thức xét tuyển sớm nhưng vẫn muốn đăng ký xét tuyển tiếp ở phương thức xét điểm thi THPT.
Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, phải bám nguyên tắc đúng sở thích, đúng đam mê. Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp. Nếu học ngành, trường không mong muốn, vì mục tiêu đậu đại học mà chúng ta đăng ký vào thì đó là thảm họa…
TS PHẠM TẤN HẠ
(phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)
Vẫn chưa ưng ý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Sang – phụ huynh ở TP.HCM – cho biết con ông đăng ký xét tuyển đại học bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển, đã nhận được 10 giấy báo trúng tuyển có điều kiện.
“Con tôi bảo dù đã trúng tuyển nhiều trường rồi nhưng vẫn chưa ưng ý vì cảm giác chọn ngành chưa phù hợp. Các ngành đã trúng tuyển đều thuộc khối kinh tế. Giờ suy nghĩ lại con muốn vào khối ngành khoa học tự nhiên hơn nhưng lo sau này ra trường khó xin việc, nên chưa biết phải điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thế nào…”, ông Sang chia sẻ.
Thí sinh Nguyễn Trọng Nhân (quận 1, TP.HCM) cũng cho hay đã nhận giấy báo trúng tuyển có điều kiện vào ba ngành tài chính quốc tế, quản trị sự kiện, digital marketing. Nhưng hiện Nhân vẫn chưa chốt được nên chọn ngành nào hay tiếp tục đăng ký xét tuyển vào ngành khác.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thanh Tùng (Đắk Lắk) có ý định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào khối ngành xã hội nhưng vẫn còn mơ hồ chưa biết lựa chọn cụ thể ngành nào, trường nào.
“Vừa qua tôi không đăng ký xét tuyển sớm nên hiện chưa trúng tuyển vào trường nào. Nay chỉ được đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT, không biết có nên chọn các ngành tâm lý, truyền thông như nhiều bạn gợi ý để sau này dễ có việc làm. Có nên chọn ngành học mình yêu thích nhưng nhu cầu tuyển dụng không cao và trong tình huống đó thì phải làm sao?” – Tùng bày tỏ.
Cân nhắc thật kỹ năng lực, sở thích
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá “thực dụng”. Đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.
Khi chọn một ngành học hay nghề nghiệp cho tương lai, câu hỏi phổ biến mà nhiều học sinh đặt ra chính là: Ngành nghề nào có thu nhập cao? Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn? Ngành nào dễ tìm việc? Cách đặt vấn đề này dễ khiến thí sinh rơi vào sai lầm thường gặp. Đó là chọn ngành nghề theo phong trào, theo tin đồn mà bỏ quên sở thích, năng lực của bản thân.
Trong khi theo TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp cao hay thấp, tìm việc khó hay dễ là do bản thân người lao động có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Thu nhập tốt và thăng tiến nhanh là phần thưởng cho những nỗ lực làm việc hiệu quả của cá nhân, không phải là mẫu số chung cho bất kỳ một ngành nghề cụ thể nào. Vì vậy, người có năng lực, kiến thức và đam mê cống hiến thì dù làm việc ở lĩnh vực nào cũng có khả năng kiếm được thu nhập tốt.
“Đây là giai đoạn thí sinh phải có sự lựa chọn và ra quyết định nên cần cân nhắc thật kỹ năng lực, sở thích. Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, phải bám nguyên tắc đúng sở thích, đúng đam mê. Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp. Nếu học ngành, trường không mong muốn, vì mục tiêu đậu đại học mà chúng ta đăng ký vào thì đó là thảm họa…
Khi đó, các bạn sẽ không học được, mất thời gian, công sức, tiền bạc. Nguyên tắc hàng đầu khi lựa chọn ngành phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và hoàn cảnh gia đình. Các bạn cần phải bám theo các trụ cột đó” – thầy Hạ khuyên.
Chọn ngành gần để theo đuổi đam mê
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – chia sẻ muốn xác định được ngành nghề phù hợp, thí sinh phải quan tâm đến sở thích và đồng thời cần quan tâm đến năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nghề nghiệp mình chọn có đủ nuôi sống mình hay không.
Y dược là một trong những ngành thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh với lượng hồ sơ đăng ký dự thi hằng năm lớn, điểm chuẩn các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược học… luôn nằm trong tốp các ngành có điểm chuẩn cao nhất.
“Việc chọn ngành cần cân nhắc kỹ giữa đam mê và năng lực của mình, không nên quá mơ mộng dẫn đến việc rớt đại học. Nếu thật sự quá yêu thích ngành y nhưng không tự tin điểm số, thí sinh có thể chọn học ngành y học cổ truyền và y học dự phòng để theo đuổi đam mê của mình” – thầy Khôi khuyên.
Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – ngành và nghề có những điểm liên quan và không liên quan. Một ngành học xong có thể làm được rất nhiều nghề và có thể học nhiều ngành để làm một nghề.
“Ví dụ, ngành kỹ thuật ôtô nhiều năm gần đây rất hot do có rất nhiều thí sinh chọn. Trong chiếc ôtô có khoảng 40% là điện và điều khiển. Để làm việc liên quan đến ngành ôtô có thể học các ngành về trí tuệ nhân tạo, cơ khí động lực, cơ khí chế tạo máy…” – thầy Thắng gợi ý.
Không nên chỉ nhìn vào hào nhoáng bên ngoài
GS.TS Huỳnh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cũng lưu ý khi chọn ngành nghề cần phải hiểu rõ các ngành nghề, không nên chỉ nhìn vào sự hào nhoáng bên ngoài của một nghề nào đó.
Nhu cầu tuyển dụng sẽ biến động theo thời gian và nhu cầu xã hội. Ngành nghề nào đó hiện không nổi trội nhưng tương lai sẽ có nhu cầu tuyển dụng cao. Hãy chú trọng ngành nghề mình yêu thích. Nếu chọn nghề không theo sở thích thì sẽ rất chán.
“Sở thích có thể thay đổi theo thời gian. Sở thích đôi khi vượt quá khả năng của chính mình. Bạn thích làm bác sĩ nhưng về năng lực không đáp ứng được thì không nên chọn” – thầy Sơn lưu ý.