23/11/2024

Sau chuyến công du lịch sử, thế cuộc Mỹ – Trung ra sao?

Sau chuyến công du lịch sử, thế cuộc Mỹ – Trung ra sao?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã hoàn tất chuyến thăm lịch sử đến Đài Loan, nhưng những diễn biến tiếp theo trong quan hệ Mỹ – Trung cũng như tình hình khu vực sẽ như thế nào?

 

 

 

Chiều 3.8, chuyên cơ chở bà Pelosi đã cất cánh rời khỏi Đài Loan, kết thúc chuyến thăm đảo này, vốn gây thu hút sự quan tâm toàn cầu. Điểm dừng chân tiếp theo của bà trong chuyến công du châu Á lần này là Hàn Quốc và theo lịch trình điểm cuối cùng là Nhật Bản.

Từ thông điệp của Washington Trên tài khoản Twitter, bà Pelosi đăng hình ảnh cùng thông tin việc gặp gỡ ông Thái Kỳ Xương, Phó viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan. Qua đó, bà cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ sâu sắc đối với nền dân chủ của Đài Loan, bao gồm các vấn đề về an ninh và ổn định, tăng trưởng kinh tế và quản trị”. Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng thông tin đã có cuộc nói chuyện trực tuyến với ông Du Tích Khôn, Viện trưởng Viện Lập pháp Đài Loan, vì ông Du đang mắc Covid-19.

Sau chuyến công du lịch sử, thế cuộc Mỹ - Trung ra sao? - ảnh 1
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và bà Thái Anh Văn, Lãnh đạo Đài Loan, trong cuộc gặp ngày 3.8  REUTERS

Cũng trong ngày 3.8, bà Pelosi đã có cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, Lãnh đạo Đài Loan. Sau cuộc gặp, hai người đã có cuộc họp báo chung. Theo thông tin do website chính thức của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đăng tải về nội dung họp báo, bà Pelosi đã khẳng định sự ủng hộ dành cho Đài Loan, nhấn mạnh về sự hợp tác giữa 2 bên đối với 3 lĩnh vực: an ninh, kinh tế và quản trị. Trong đó, bà cho biết nội dung thảo luận có dựa trên nền tảng về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố.

Đặc biệt, bà Pelosi nhấn mạnh về việc đảm bảo thực thi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, mà trong đó Mỹ cam kết cung cấp cho Đài Loan các phương tiện quốc phòng cần thiết để Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ, và “duy trì khả năng của Mỹ để chống lại bất kỳ biện pháp nào để sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưỡng bức khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống xã hội hoặc kinh tế của người dân Đài Loan”. Bà Pelosi khẳng định sự đoàn kết giữa Washington với Đài Bắc để bảo vệ Đài Loan và người dân đảo này.

Nhận xét khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy về quan hệ quốc tế, lịch sử tại Đại học Hawaii – Thái Bình Dương) cho rằng: “Chuyến thăm của bà Pelosi mang cam kết của Mỹ đối với tự do ở Thái Bình Dương, đặc biệt là với người dân Đài Loan. Cam kết đó là nền tảng cho lời khẳng định mà bà Pelosi nêu ra cho chuyến đi, mà trong đó bà nhấn mạnh Đạo luật Quan hệ Đài Loan đã được đa số trong cả hai viện của Quốc hội ban hành và được ký thành luật vào năm 1979 bởi ông Jimmy Carter, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ”.

“Về mặt chiến lược, chuyến thăm và thông điệp của bà khẳng định cam kết tiếp tục của Mỹ đối với việc bảo vệ người dân Đài Loan và đối với các đồng minh và đối tác của họ trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Về mặt địa chính trị, chuyến đi nhấn mạnh không quốc gia nào có thể ra lệnh cho các quan chức được bầu của Mỹ có thể đến thăm bên nào”, cựu đại tá Schuster nói.

Sau chuyến công du lịch sử, thế cuộc Mỹ - Trung ra sao? - ảnh 2
Đánh dấu các vị trí Trung Quốc tổ chức tập trận xung quanh Đài Loan   CNN

Đến thế cuộc Mỹ – Trung

Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ nhằm chỉ trích chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan. Kèm theo các tuyên bố chỉ trích, Bắc Kinh cũng tiến hành một số động thái cụ thể.

Ngay sau khi bà Pelosi đến Đài Bắc, Bắc Kinh lập tức thông báo bắt đầu một loạt hoạt động quân sự chung quanh Đài Loan, bao gồm cả việc tập trận bắn đạn thật với đầu đạn thật tầm xa ở eo biển Đài Loan. Cơ quan phòng vệ Đài Loan lên án các cuộc tập trận của Bắc Kinh là “phi lý” và là hành động “phong tỏa”, vi phạm vùng biển của Đài Loan. Ngoài ra, ngày 2.8, một loạt chiến đấu cơ Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan. Các máy bay tham gia gồm có 10 máy bay chiến đấu J-16, 8 máy bay chiến đấu J-11, 1 máy bay tác chiến điện tử Y-9, 1 máy bay trinh sát điện tử Y-8 và 1 máy bay cảnh báo sớm trên không KJ-500.

Đến hôm qua (3.8), Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu nhiều loại trái cây và thủy hải sản từ Đài Loan. Lý do ngừng nhập khẩu một số loại trái cây và thủy hải sản được hải quan Trung Quốc giải thích là để kiểm soát bệnh dịch và dư lượng thuốc trừ sâu quá mức, thực thi biện pháp phòng ngừa Covid-19. Lâu nay, vào một số thời điểm tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng, Bắc Kinh cũng đã ban bố các lệnh cấm tương tự.

Trả lời Thanh Niên ngày 3.8, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) dự báo: “Chuyến thăm của bà Pelosi rất có thể sẽ làm xấu đi quan hệ Mỹ – Trung. Theo đó, Bắc Kinh có khả năng sẽ trả đũa nhằm vào Đài Loan, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây áp lực thương mại và đi lại, đồng thời thị uy sức mạnh quân sự. Bắc Kinh cũng sẽ phản đối Washington và có khả năng sẽ thực hiện các tập trận nhằm đe dọa quân đội Mỹ”.

Tuy nhiên, ông không cho rằng Trung Quốc sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Đài Loan. “Thực tế, Mỹ khẳng định tôn trọng chính sách Một Trung Quốc và sau chuyến thăm này thì chính sách của Washington về Đài Bắc không có gì thay đổi”, TS Heath nhận xét.

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản) phân tích: “Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo để phản đối chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan kể từ khi có thông tin ban đầu vào tháng 4. Chuyến thăm được coi là hành động “cá nhân” của bà. Phản ứng lại, Bắc Kinh đã điều động quân đội đến eo biển Đài Loan và thông báo diễn tập bắn đạn thật, đình chỉ nhiều chuyến bay thương mại. Sự gia tăng căng thẳng là một động thái chính trị không thể tránh khỏi đối với chính quyền đương nhiệm của Trung Quốc trong bối cảnh đang đối mặt các thách thức khi theo đuổi chính sách “zero-Covid” và sắp diễn ra đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Dự báo thêm, GS Sato cho rằng: “Dù không bên nào có ý định gây chiến ngay lập tức, nhưng cách Bắc Kinh xử lý cuộc khủng hoảng có thể tác động đến chính trị nội bộ nước này, đồng thời cũng tác động đến việc Mỹ có thể thực thi nhiều biện pháp nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách đối ngoại thách thức hiện trạng nhiều khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng nam Thái Bình Dương, Campuchia, biên giới Ấn Độ…”.

Trong khi đó, đánh giá về tình hình eo biển Đài Loan, TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng loạt tập trận của quân đội Trung Quốc quanh Đài Loan hiện có quy mô và cường độ lớn hơn nhiều so với các cuộc tập trận được tổ chức trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996. “Điều này thể hiện rõ mối đe dọa ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc hiện nay và trong tương lai”, TS Collin Koh phân tích.

 

VN lên tiếng về tình hình ở eo biển Đài Loan

Ngày 3.8, trả lời câu hỏi của PV về tình hình eo biển Đài Loan hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan; đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Đậu Tiến Đạt

NGÔ MINH TRÍ

TNO