23/01/2025

Sau thuế, phí xăng dầu đang hành doanh nghiệp

Sau thuế, phí xăng dầu đang hành doanh nghiệp

Không chỉ chậm giảm thuế, các loại phí đang đổ vào giá xăng dầu, đẩy giá mặt hàng này tăng cao cũng chưa được bỏ hoặc xem xét lại một cách thấu đáo trong nỗ lực kìm chế lạm phát.

 

 

 

Đơn cử là đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu của Bộ Tài chính từ giữa tháng 6 vừa qua, nhưng đến nay không thấy biến chuyển gì khiến giá xăng không thể giảm mạnh như kỳ vọng. Cụ thể, trong 4 lần giảm giá xăng liên tiếp vừa qua, có 2 lần giảm 3.000 – 3.600 đồng/lít xăng, gần đây giảm 450 đồng/lít. Thế nhưng, lần nào Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn được trích lại 800 – 950 đồng/lít khiến mức giảm của xăng bị cắt gọt. Đơn cử, nếu không trích quỹ, trong 2 lần giảm giá từ 3.000 – 3.600 đồng/lít thì lẽ ra xăng phải được giảm 4.000 – 4.600 đồng/lít. Hay ngày 1.8 vừa qua, nếu không trích Quỹ bình ổn giá 800 đồng thì xăng phải giảm được 1.250 đồng/lít, thay vì giảm có 450 đồng.

Sau thuế, phí xăng dầu đang hành doanh nghiệp - ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng nên xem xét rà soát lại các loại phí đánh vào giá xăng dầu vì đang đẩy giá bán lẻ lên cao  NHẬT THỊNH

Trong cơ cấu giá thành một lít xăng dầu, ngoài khoản thuế chiếm gần 30%, số còn lại là phí cũng chiếm hơn 5%. Trong đó, có mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là khá vô chừng. Chẳng hạn, mức trích trước đây khoảng 300 đồng/lít, nhưng nhiều kỳ điều chỉnh giá, khi thấy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, cơ quan điều hành mạnh tay trích giữ lại quỹ số tiền lớn hơn. Chẳng hạn trích gần cả 1.000 đồng/lít xăng liên tục trong 3 lần điều chỉnh vừa qua. Như vậy, xăng bị mất cơ hội giảm thêm gần 3.000 đồng/lít trong tháng 7.

Ngoài ra, một lít xăng dầu nhập khẩu hiện phải được cộng thêm khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển. Ngày 2.8, một ngày sau khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, hàng trăm đại lý bán xăng dầu trên một diễn đàn xăng dầu tỏ ra khá bức xúc khi cho rằng, các đầu mối cung cấp xăng dầu đã giảm chiết khấu xăng dầu quá lớn. Cụ thể, mức chiết khấu trước khi giá xăng dầu điều chỉnh khoảng 600 – 900 đồng/lít (bao gồm phí vận tải khoảng 300 đồng/lít) nay xuống khoảng 200 – 400 đồng. Theo một số chủ cây xăng, việc giảm chiết khấu này để đầu mối bù vào mức giảm giá xăng dầu ngày hôm trước và giá xăng dầu tăng hay giảm thì đại lý bán lẻ chịu thiệt chứ nhà đầu mối xăng dầu không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong cơ cấu tính thuế giá bán lẻ xăng dầu đến nay vẫn có hiện tượng tính thuế chồng thuế. Chẳng hạn, thuế giá trị gia tăng được đánh 10% trên giá bán ra và cơ cấu giá bán đã gồm các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Cũng vì lằng nhằng các loại trích quỹ, chiết khấu, hiện tượng cây xăng đóng cửa, hết hàng vừa tái diễn trở lại với lý do bán càng nhiều càng lỗ.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách, cho rằng nên xem xét rà soát lại các loại phí đánh vào giá xăng dầu vì đang đẩy giá bán lẻ lên cao. Trong đó, chức năng “bình ổn” giá của Quỹ bình ổn giá xăng dầu nay khá mờ nhạt và thậm chí bị hiểu sai, lệch lạc cho nền kinh tế thị trường. Đề xuất bỏ Quỹ này đồng nghĩa với bỏ việc trích lập quỹ, sẽ khiến giá xăng dầu được điều tiết tự nhiên hơn trong một nền kinh tế đã hội nhập sâu với thế giới.

“Tôi băn khoăn chưa rõ tại sao đã có đề xuất bỏ, lại ngay lập tức trích lập rất cao, có phải để bù cho số âm quỹ trước đó? Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành xăng dầu trong thời gian qua liên tục báo lãi, lãi lớn, lãi đậm. Con số này có nằm trong số “lợi nhuận định mức” mà giá xăng dầu phải trích lập miệt mài hay không?’, ông Việt đặt vấn đề.

 

N.NGA – T.XUÂN

TNO