Phát triển nhà ở xã hội bằng cách nào?
Phát triển nhà ở xã hội bằng cách nào?
Theo Bộ Xây dựng, để khai thông phát triển nhà ở xã hội, các bộ: KH-ĐT, Tài chính, TN-MT và Ngân hàng Nhà nước… cùng các địa phương phải đồng lòng vào cuộc.
Bộ, ngành ở T.Ư phải làm sao?
Báo cáo Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất loạt giải pháp để khai thông xây dựng loại nhà ở phù hợp đại đa số nhu cầu trong xã hội. Trong đó, nêu cụ thể về nhiệm vụ của từng cơ quan, bộ, ngành.
Bộ Xây dựng cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội, cần chung tay hành động của nhiều bộ, ngành LÊ QUÂN |
Cụ thể, Bộ Xây dựng dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua luật Nhà ở sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội, các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và đảm bảo nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Để khai thông phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, nhiều bộ, ngành cần đồng thời vào cuộc. Đơn cử như Bộ KH-ĐT cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách T.Ư theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Về phía Bộ Tài chính, cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Về phía Bộ TN-MT, cần chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng luật Đất đai sửa đổi.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế suất bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao.
Phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Địa phương cần sát sao hơn với nhà ở xã hội
Đối với các địa phương, cần nghiêm túc thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Bộ Xây dựng cho rằng, ở cấp địa phương cần quyết liệt, sát sao hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai… LÊ QUÂN |
Rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.
Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Có giải pháp rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng, tạo nguồn cung cho thị trường.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn.
LÊ QUÂN
TNO