24/12/2024

Điểm danh những mặt hàng vẫn tăng giá

Điểm danh những mặt hàng vẫn tăng giá

Nhiều loại chi phí đầu vào giảm nhưng giá cả hàng hóa ở các chợ vẫn neo cao. Đây là một phần nguyên nhân khiến cho tình hình buôn bán ế ẩm.

 

Thế nhưng hỏi đến thì chợ lẻ đổ cho chợ đầu mối, đầu mối đá bóng cho cước vận chuyển, còn vận chuyển lại chờ… độ trễ.

 

Heo hơi giảm giá, thịt vẫn tăng

Sáng 2.8, chị Lê Bích Thảo (ngụ Q.11, TP.HCM) ghé vào một cửa hàng thịt heo sạch quen thuộc để mua, đã khựng lại vì giá thịt heo có sự điều chỉnh tăng thêm bình quân từ 10.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, sườn non heo từ 228.000 đồng/kg lên 244.000 đồng/kg, ba rọi từ 173.000 đồng/kg lên 189.000 đồng/kg, sườn già từ 123.000 đồng/kg lên 161.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn từ 216.000 đồng/kg lên 260.000 đồng/kg, nạc dăm từ 146.000 đồng/kg lên 175.000 đồng/kg… “Mình mua thịt trong cửa hàng có thương hiệu, treo biển thịt sạch, là chấp nhận giá cao hơn bên ngoài 30.000 – 40.000 đồng/kg. Nhưng gần đây khi thấy giá ngoài thị trường tăng ít mà những nơi này lại tăng mạnh, mình có thắc mắc thì nhân viên ở đây giải thích là tăng theo giá thị trường, do nguồn cung hạn chế vì là thịt heo nuôi theo quy trình sạch và an toàn nên giá cao”, chị Thảo bức xúc.

Điểm danh những mặt hàng vẫn tăng giá - ảnh 1
Nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm giá theo xu hướng giảm giá đầu vào  NGỌC DƯƠNG

Ghi nhận thực tế tại một số chợ ở khu vực trung tâm TP.HCM có thể thấy giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn khá cao. Tại chợ Hòa Bình (Q.5), chị Ngọc, một tiểu thương, cho biết: Khoảng 3 – 4 tuần trước giá thịt heo có tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại, nhưng chừng 10 ngày nay ổn định lại, như ba rọi 150.000 – 155.000 đồng/kg, thịt đùi 120.000 – 125.000 đồng/kg, cốt lết 115.000 – 120.000 đồng/kg… “Mình có biết gì đâu, lò họ báo giá lên thì mình tăng theo. Chừng nào họ hạ thì mình giảm. Người ta cứ nghĩ người bán lẻ lời nhiều lắm mỗi khi tăng giá nhưng đâu ai biết chúng tôi cũng khổ sở vô cùng. Giá tăng, người tiêu dùng đâu có bỏ thêm tiền mua hàng, họ sẽ giảm lượng mua lại. Vậy nên cả tháng rồi bán hàng rất chậm. Đã gần hết buổi chợ rồi mà hàng còn đầy, giờ chỉ chờ giao cho các mối bán hàng quán”, chị Ngọc than thở.

Tháng 7, giá heo hơi liên tục biến động mạnh do tình trạng xuất lậu qua biên giới gia tăng. Một lãnh đạo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: Người chăn nuôi đã gánh lỗ liên tục 2 năm qua, đến nay mới bắt đầu có lãi. Sự biến động giá heo như vừa qua cũng không phải là điều các doanh nghiệp mong muốn, bởi cái họ cần là sự ổn định. Còn giá biến động như hiện nay thì không ai dám tái đàn.

Trước tình trạng vận chuyển heo lậu qua biên giới, Bộ NN-PTNT đề nghị Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố cần kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm heo ra, vào VN, đồng thời ổn định giá cả thịt heo tại thị trường trong nước. Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, mặt bằng giá heo hơi gần đây đang giảm về quanh mức 68.000 – 70.000 đồng/kg, so với giá thành sản xuất khoảng 60.000 đồng/kg thì mức giá này cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều có thể chấp nhận được. “Về sự chênh lệch giữa giá heo xuất chuồng và giá bán đến tay người tiêu dùng đúng là có độ trễ nhất định. Việc này lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc giám sát, kiểm soát. Dù có độ trễ nhưng chắc chắn rằng khi giá thịt hơi và nguồn cung ổn định thì giá ở chợ cũng sẽ ổn định ở mức hợp lý trong thời gian tới’, ông Tiến nhấn mạnh.

 

Giá cao, sức mua yếu

Một trong những lĩnh vực chây ì giảm giá được điểm danh trong suốt thời gian qua là cước vận chuyển. Chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu, nhưng trong khi giá xăng dầu đã giảm 4 lần thì cước vận chuyển vẫn chưa giảm. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm giá thành nhiều mặt hàng ở chợ lẻ vẫn cao dẫn đến sức mua yếu. Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống sẽ cảm nhận rõ điều này. Hơn 10 giờ sáng, cũng như thịt heo, nhiều quầy bán thịt gà, thủy hải sản ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) vẫn còn rất nhiều hàng. Một tiểu thương bán gà làm sẵn ra sức chào mời khi có người đi ngang. Chủ hàng cho biết giá gà thả vườn sống đã 100.000 đồng/kg rồi. Hôm nay chị làm sẵn 5 – 7 con mà sáng giờ bán không hết nên mới giảm giá bán lỗ để về nhưng vẫn ế.

 

Tổng đàn heo, bò, gà đều tăng

Bộ NN-PTNT cho biết tính đến hết tháng 7, tổng đàn heo tăng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%, đàn bò tăng 2,6%… Tổng lượng thịt các loại đạt trên 7 triệu tấn. Sản lượng trứng đạt trên 18,4 tỉ quả. Điều này đảm bảo nguồn cung thịt đầy đủ và ổn định đến hết năm nay. Vấn đề là phải kiểm soát vận chuyển lậu qua đường biên giới, đặc biệt ở phía bắc, để ổn định thị trường trong nước.

Trong khi đó, các loại cá nước ngọt như cá điêu hồng, cá ba sa, cá lóc, cá phi, cá rô… giá dao động từ 75.000 – 95.000 đồng/kg; tôm thẻ còn sống từ 160.000 – 185.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Các tiểu thương cho biết mức giá này “ổn định” cả tháng qua, tháng mà xăng dầu có 4 lần giảm liên tiếp với mức giảm khá mạnh, tổng cộng khoảng 7.500 đồng/lít xăng. Nguyên nhân, theo các tiểu thương, là do giá nhập hàng từ chợ đầu mối chưa giảm. “Mình thấy xăng dầu giảm giá nhiều lần rồi, cũng mong chi phí vận chuyển giảm để giá hàng hóa giảm. Bây giờ người dân ít tiền mà giá hàng hóa vừa rồi thứ nào cũng tăng nên rất khó bán hàng, lợi nhuận teo tóp”, anh Tấn Tài, người bán hải sản, nói.

Trong khi người bán lẻ đổ lỗi cho giá ở chợ đầu mối cao, người bán sỉ lại đổ cho chi phí vận chuyển thì chỉ có người sản xuất và người tiêu dùng chịu thiệt. Những người nuôi cá lồng bè ở ĐBSCL cho biết từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 30% lên mức 27.000 – 28.000 đồng/kg nhưng giá bán sản phẩm nhiều loại cũng chỉ từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Chợ lẻ đổ cho đầu mối, đầu mối đá bóng sang cước vận chuyển, nhà xe thì chờ độ trễ… Vòng chờ đợi này đẩy hết lên người tiêu dùng gánh: giá xăng giảm mạnh mà giá hàng hóa vẫn neo cao.

 

CHÍ NHÂN

TNO