Novaland sẵn sàng đầu tư xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội
Novaland sẵn sàng đầu tư xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội
Với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố khác, Tập đoàn Novaland cam kết sẽ sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía nam và trọng tâm là TPHCM.
Ngày 1.8, Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ngành chức năng, đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của lãnh đạo các địa phương nơi có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cùng với các doanh nghiệp tại nhiều điểm cầu trên cả nước.
Novaland sẽ xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội ĐÌNH SƠN |
Đến nay cả nước đã có 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội được xây dựng, giúp lo chỗ ở cho hàng trăm ngàn công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra, mới đáp ứng một phần nhu cầu của người dân; nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp rất cấp bách.
Với kinh nghiệm, nguồn lực sẵn có đã và đang đầu tư xây dựng rất nhiều dự án bất động sản ở tại TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là bất động sản nhà ở tại TP.HCM và Đồng Nai, Novaland tin rằng nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ là một mục tiêu mà tập đoàn sẽ hoàn thành để góp phần vào nỗ lực của Chính phủ trong chương trình giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động.
Theo ông Bùi Xuân Huy – Chủ tịch Tập đoàn Novaland – các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục, để từ đó thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nói chung và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tham gia vào quá trình xây dựng nhà ở xã hội nói riêng hoàn thành tốt hơn. Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như: Thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức …
Ngoài ra, vẫn chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về việc hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư….Theo quy định, các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán, làm chậm thu hồi vốn…
Bên cạnh đó, các quy định hiện nay chưa cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư. Việc dành quỹ đất tương đương này đảm bảo được tính đồng bộ về không gian cảnh quan, khắc phục những bất cập cho cả chủ đầu tư và người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Do vậy để thúc đấy phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ và các Bộ ngành cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách để doanh nghiệp có thể triển khai nhanh nhất, giải quyết những khó khăn vướng mắc còn tồn đọng. Cơ quan quản lý địa phương cần sớm xác định quỹ đất do nhà nước quản lý để giao hoặc mời gọi đầu tư thực hiện dự án. Theo đó, sau khi những vướng mắc được tháo gỡ, các doanh nghiệp cam kết có thể đầu tư tiện ích, an sinh xã hội đầy đủ: trường học, bệnh viện, công viên thể dục thể thao…, đảm bảo tiêu chuẩn sống tốt nhất cho người dân.
MAI PHƯƠNG
TNO