22/01/2025

EU tiến tới ‘mùa đông an toàn’

EU tiến tới ‘mùa đông an toàn’

Ngày mai 1-8, thoả thuận cắt giảm 15% khí đốt của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực. Liệu thỏa thuận – dựa trên sự tình nguyện và ý chí chính trị của các thành viên – có thật sự mang lại một mùa đông an toàn, ấm áp cho EU?

 

EU tiến tới mùa đông an toàn - Ảnh 1.

Trạm khí Astora (Rehden, Đức) thuộc Tập đoàn Gazprom Germania Groupnơi – nơi chứa khí đốt lớn nhất tại Tây Âu – Ảnh: Reuters

“Tiết kiệm cho một mùa đông an toàn” là tên chương trình tiết kiệm khí đốt quy mô lớn vừa được EU thông qua vào hôm 26-7. Mang tính chính trị và không bắt buộc, chương trình kêu gọi người dân các nước EU điều chỉnh hoạt động của lò sưởi và máy điều hòa không khí trong 6 tháng tới.

 

Thỏa thuận gây chia rẽ

Chưa đầy 1 ngày sau khi thỏa thuận được công bố, Tây Ban Nha dứt khoát phản đối việc tự hạn chế này. Có thể hiểu được nỗi lòng của Madrid: trong năm qua, Madrid đã phải hứng chịu nhiều đòn tấn công từ nhà cung cấp chính của họ, Algeria, khi đất nước này bỏ rơi Tây Ban Nha trên mặt trận khí đốt. Tuy nhiên, Madrid cũng chứng tỏ thiện chí khi tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp nhưng sẽ cắt giảm chỉ 7% thay vì 15%.

Bồ Đào Nha và Hy Lạp còn bức xúc hơn Tây Ban Nha. Lisbon gọi biện pháp này là “không thích hợp” và “không cân xứng”. Ông João Galamba, bộ trưởng môi trường và năng lượng Bồ Đào Nha, giải thích nước này vốn đã sử dụng khí đốt “ở mức cần thiết tuyệt đối” rồi. Nạn hạn hán năm nay buộc Bồ Đào Nha phải tăng tiêu dùng để sản xuất điện khiến Lisbon không thể đáp ứng yêu cầu của Brussels.

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costo mỉa mai rằng ông “không có ý định buộc công dân của mình phải bồi thường cho sự lạc hậu của những quốc gia không đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo”. Athens thì nói họ sẽ “làm mọi thứ có thể” để thỏa thuận này… không được thông qua.

Thỏa thuận “Tiết kiệm cho mùa đông an toàn” bắt đầu từ 1-8 và có thể có hiệu lực đến 31-3-2023. Nói “có thể” là bởi tình hình năng lượng đang xấu đi mỗi ngày và vào tháng 10 trời sẽ khá lạnh ở hầu hết các nước châu Âu.

 

“Mỗi nhà mỗi cảnh”

EU không thể tìm ra nguồn cung năng lượng thay thế cũng như các biện pháp căn cơ nào ngoài việc kêu gọi tiết kiệm tiêu dùng, từ hạn chế thắp sáng đến giảm nhiệt độ trong phòng, kể cả việc cắt giảm tắm táp.

Các quốc gia EU phải tự xoay xở với những giải pháp của mình. Một trong những nước “xé rào” là Hungary. “Tự cứu trước khi trời cứu”, Hungary đã cử đại diện tới Nga để tìm thêm khí đốt. Kết quả được Thủ tướng Viktor Orban công bố hôm 29-7: Budapest sẽ ký với Matxcơva về việc mua thêm 700 triệu m3 khí đốt. “Thỏa thuận này có thể được ký trong mùa hè, và sau đó chúng tôi sẽ an toàn” – Thủ tướng Orban cam kết người Hungary sẽ có đủ khí đốt.

Một ngày trước đó, hôm 28-7 ông Orban và Thủ tướng Áo Karl Nehammer phát biểu từ Vienna đã chỉ trích cách giải quyết các vấn đề về nguồn cung khí đốt của Brussels. Thủ tướng Orban cho biết việc phân chia định mức sử dụng khí đốt tự nhiên “là dấu hiệu đầu tiên của nền kinh tế thời chiến”.

Ông tin rằng bằng cách này, các nước trong khối có nguy cơ dấn thân vào con đường suy thoái, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính đúng đắn trong chiến lược áp đặt các biện pháp trừng phạt của EU với Nga.

Thủ tướng Karl Nehammer cũng cho rằng sự phụ thuộc của Áo và Đức vào nguồn cung khí đốt của Nga khiến lệnh cấm vận khí đốt từ Nga của EU là “không khả thi”, vì nếu kinh tế Đức suy giảm cũng sẽ tác động đến Áo và dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thì trần tình trên kênh Pink hôm 27-7: “Theo hợp đồng mới có thời hạn 3 năm với Gazprom, Serbia nhận được khí đốt với mức giá 350 – 370 USD/1.000m3. Chúng ta đang nói về 2 tỉ m3 mỗi năm. Chúng tôi buộc phải mua thêm 1 tỉ m3 với giá thị trường và đã phân bổ 560 triệu euro cho việc này. Đây là số tiền rất lớn. Tôi nói điều này để mọi người hiểu rằng nhà nước đang “chảy máu” như thế nào, khó khăn như thế nào”.

 

Chia sẻ khí đốt, chờ mùa đông mới rõ

Nếu giải pháp của Serbia, Hungary là “tích cốc phòng cơ” thì Latvia chọn… đi đường vòng. Từ ngày 1-4, Nga chỉ chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp nhưng Ủy ban Tài chính và thị trường vốn (FCMC) của Latvia đã từ chối cấp giấy phép đặc biệt cho Công ty truyền dẫn khí đốt Latvijas thanh toán bằng đồng rúp.

Cổng thông tin Delfi hôm 29-7 đưa tin người đứng đầu Latvijas Aigars Kalvitis xác nhận công ty này tiếp tục mua khí đốt của Nga thông qua một trung gian để thanh toán bằng đồng euro. Danh tính nhà trung gian này cũng như giá khí đốt có thể bị đội lên bao nhiêu được giữ bí mật vì đây là “thông tin thương vụ mà Latvijas không thể công khai”.

Nước duy nhất nhanh chóng đáp ứng yêu cầu 15% của Brussels là Estonia. Nước này thừa nhận: đối với Estonia, quyết định cắt 15% lượng khí đốt của Brussels “không tạo ra bất kỳ vấn đề gì, vì do giá cao, mức tiêu thụ hằng năm ở Estonia đã giảm ít nhất 20% rồi!”

Vì những lẽ trên mà tạp chí The Economist kết luận: “Giảm tiêu thụ khí đốt một chút sẽ không giải quyết được các vấn đề của châu Âu”. Tạp chí này tính toán kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt toàn châu Âu sẽ thử thách sự đoàn kết của châu Âu.

Tờ báo viết: “Nếu mùa đông lạnh giá, EU sẽ phải chứng minh những gì họ có thể làm trong thời điểm khó khăn. Đặc biệt, Đức sẽ phải thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia khác vì nước này nằm ở trung tâm của mạng lưới đường ống khí đốt của châu Âu.

Liệu Đức sẽ cho phép cung cấp khí đốt cho Cộng hòa Czech, cứu người dân ở đó không bị đóng băng, và để các nhà máy của mình không hoạt động? Mọi người còn nhớ, khi bắt đầu đại dịch, Đức là một trong những quốc gia vì lợi ích của họ mà đã hạn chế xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế”.

 

“Ngôi làng thách thức Putin”

ngoi lang thach thuc 1(Read-Only)

Ông Jochen Blum, 51 tuổi, một người dân ở làng Grossbardorf – Ảnh: Bild

Dưới nhan đề “Ngôi làng thách thức Putin”, tờ báo Bild (Đức) kể câu chuyện về ngôi làng Grossbardorf – nơi tự sản xuất khí mêtan bằng cách cho ngô ủ chua vào một hầm khí sinh học.

Tờ báo viết: “Khi được hỏi liệu điện có hết sau khi ông Putin tắt van khí đốt không, người dân Grosbardorf trả lời rằng họ không sợ lạnh vào mùa đông bởi ngôi làng tự sản xuất điện và thậm chí cả khí đốt”.

Tuy nhiên, sau đó cũng tờ Bild ta thán “Khí sinh học không thể là giải pháp thay thế cho toàn nước Đức”, sau cơn lạc quan rằng một số ngôi làng có thể bù đắp việc thiếu khí tự nhiên bằng khí mêtan chiết xuất từ phân bò và thức ăn ủ chua.

Bild kết luận: “Không có đủ phân bò cho toàn nước Đức, và ở các thành phố lớn, kế hoạch này hoàn toàn không khả thi bởi vì ngoài việc sưởi ấm các ngôi nhà còn có các doanh nghiệp công nghiệp vốn cần khối lượng (khí đốt) hoàn toàn khác”.

Theo phóng viên Nikolai Ivanov của báo Tin Tức (Nga) đang có mặt ở Berlin, những biện pháp tiết kiệm điện đã được Đức áp dụng. Vào ban đêm ở Berlin, di chuyển xung quanh cần phải dùng đèn pin.

“Chính quyền địa phương đã tính toán: chỉ với việc thắp sáng 200 điểm tham quan của thủ đô, họ phải chi khoảng 40.000 euro/năm. Để so sánh, lương của Thủ tướng Scholz là 30.000 euro/tháng. Một số điểm tham quan, chẳng hạn như Cột Chiến thắng đại diện cho sự thống nhất của nước Đức, cũng không được chiếu sáng”, nhà báo Nga tường thuật.

Hiện tại, gần một nửa số đèn giao thông trên cả nước bị tắt khi xe cộ giảm. Để tiết kiệm năng lượng, các trung tâm mua sắm ở Đức thường xuyên tắt thang cuốn, khiến những người thuê các tầng trên thảo luận về khả năng giảm giá thuê và chuẩn bị các vụ kiện do lưu lượng khách hàng giảm 15 – 35%.

Cũng tại Đức, nước nóng trong các văn phòng và vòi hoa sen ở các phòng tập thể dục đã bị tắt, việc đun nước ở các bể bơi ngoài trời cũng bị ngừng. Theo thông tin hiện có, vào mùa lạnh, người Đức chỉ được phép sưởi ấm các văn phòng đến 19°C, các hành lang và phòng không có nhiều người sử dụng sẽ không được sưởi ấm.

TƯỜNG ANH
TTO