23/12/2024

Một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc: Lo học sinh chỉ học 3 môn thi

Một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc: Lo học sinh chỉ học 3 môn thi

Nếu giao cho các trường tự xét tốt nghiệp thì kết quả sẽ luôn là 100% và học sinh chỉ học 3 môn thi đại học. Theo tôi, thay vì cứ đòi Bộ Giáo dục và đào tạo giao lại phần tuyển sinh cho mình thì các trường đại học nên siết đầu ra…

 

 

Một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc: Lo học sinh chỉ học 3 môn thi - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội – Ảnh: NGUYÊN BẢO

Trước hết, tôi thấy đề xuất “một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc” không phải là ý tưởng mới vì đã từng có người đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp do năm nào kết quả (tốt nghiệp) của mọi tỉnh thành cũng đều… đẹp!

Thứ hai, cũng đã có ý kiến cần có một kỳ thi đại học toàn quốc do Bộ Giáo dục và đào tạo ra đề để tránh tình trạng các trường đại học mở lò luyện thi hết sức bát nháo, gây thiệt thòi, bất công cho những thí sinh không có điều kiện.

Về phần mình, tôi lại ủng hộ phương án “2 trong 1” như hiện nay nhưng cần được hoàn thiện thêm vì những lý do sau đây:

– Tôi tin chắc rằng nếu giao cho các trường tự xét tốt nghiệp thì kết quả sẽ luôn là 100% và thời gian, tâm trí của thầy cô, học sinh dành cho chương trình cơ bản trong sách giáo khoa chỉ là… cho có. Họ sẽ dành hết công sức, tiền bạc để luyện 3 môn cho kỳ thi đại học.

– Tôi cũng dám nói rằng trên 90% học sinh sẽ đăng ký thi đại học nếu chỉ xét tốt nghiệp. Vì sao ư? Vì chi phí dành cho một kỳ thi đại học toàn quốc được tổ chức ngay tại mỗi tỉnh thành là không quá khả năng đối với thu nhập của người dân hiện nay, cộng thêm tâm lý “cho bằng với thiên hạ” của các bậc cha mẹ thì việc gì mà không thi, lỡ may… đậu thì sao?

Nếu bạn chưa tin điều này thì tôi xin kể thêm một câu chuyện chính bản thân tôi vừa mới trải qua: Người quen của chị dâu tôi nhờ tôi kèm cho con chị ấy cả ba môn văn, toán, Anh để thi vào lớp 10. Sau buổi học đầu tiên với môn toán, tôi bảo chị nên cho cháu về học nghề chứ tôi không hiểu vì sao cháu lên được tới lớp 9, lại được xét tốt nghiệp loại “khá” trong khi những bài toán cộng, trừ, nhân, chia còn chưa thạo.

Chị cứ năn nỉ: “Dạ, được bao nhiêu hay bấy nhiêu thầy. Biết đâu hên nó lại đậu?”. Tôi đành phải nhận giúp môn toán (vì môn này nhân hệ số 2 và cứ đinh ninh thế nào môn văn cậu cũng có điểm). Kết quả là cậu đạt 2 điểm văn, 2,25 điểm Anh, và môn toán đạt 4,75 điểm, rớt trường công lập, thừa sức vào trường tư nhưng lúc này mẹ mới đồng ý cho cậu đi học nghề vì không lo nổi học phí.

– Nếu đề thi phân hóa tốt, khâu coi thi, chấm thi nghiêm ngặt, công bằng thì các trường đại học hoàn toàn có thể căn cứ vào điểm thi 3 môn để chọn thí sinh phù hợp nhất cho mình.

– Thay vì cứ đòi Bộ Giáo dục và đào tạo giao lại phần tuyển sinh cho mình thì các trường đại học nên siết đầu ra. Rõ ràng là các trường đã chọn (và được chọn) những thí sinh phù hợp với mục đích đào tạo của mình, vậy tại sao không chứng tỏ cho xã hội thấy sản phẩm do mình tạo ra như thế nào?

– Các trường trung cấp, cao đẳng nghề cần được đầu tư tốt hơn để thu hút người học. Tôi không tin rằng nếu như được học nghề miễn phí (hoặc học phí thấp), thời gian học ngắn mà ra trường có thu nhập tốt, đủ để nuôi sống bản thân và gia đình thì lại có cha mẹ cho con vào đại học bằng mọi giá để rồi học không nổi bị đuổi học hoặc ra trường mà thất nghiệp dài dài.

 

Không cần một kỳ thi vào đại học!

Nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn chuyện tuyển sinh nên để các trường tự chủ động, không cần thiết phải tổ chức thêm 1 kỳ thi nữa. (Bạn đọc Hai Lúa)

Đồng ý xét tốt nghiệp THPT, đại học để các trường tự đánh giá năng lực. Quan trọng là nghiêm túc cả đầu vào và đầu ra thì đại học mới có giá trị, hơn nữa không hạn chế mỗi tổ hợp môn chọn ít nhất một môn mà chỉ quy định 4 môn lựa chọn trong các môn lựa chọn, không phải chia tổ hợp môn. (Bạn đọc Kh.H.)

Theo tôi, nên xét tốt nghiệp cấp 3 như cấp 2 bây giờ. Các trường đại học chủ động tổ chức ra đề tuyển sinh, đáng giá năng lực để lựa chọn thí sinh. Không nên tổ chức 1 kỳ thi chung vào đại học cho cả nước để tránh tiêu cực. (Bạn đọc Minh Trần)

Tổ chức kỳ thi vào đại học thì quy mô, tốn kém không khác gì kỳ thi THPT. Theo tôi, lập ra kỳ thi giống như kỳ thi đánh giá năng lực, SAT… nhưng tổ chức thi trên máy tính. Một năm tổ chức nhiều kỳ, bạn nào muốn vào ĐH thì tham gia. Các trường ĐH dựa vào chất lượng bài thi mà tuyển sinh. Bỏ hoàn toàn tuyển sinh ĐH bằng học bạ. (Bạn đọc Lê Trọng Trí)

Xét tốt nghiệp THPT khi tích lũy đủ chương trình học các môn. Bộ Giáo dục tạo ngân hàng đề thi ĐH để các trường ĐH đăng ký tài khoản rút ngẫu nhiên đề thi tự chủ tổ chức thi mỗi quý một lần (trên máy tính càng tốt) và chuyển kết quả chấm thi về bộ thẩm định. Điều kiện cần là điểm số mỗi môn >=5 mới xét tuyển từ cao tới thấp. (Bạn đọc Chương)

LÊ THANH HẢI (Phan Thiế
TTO