Đồng loạt thu phí không dừng

Đồng loạt thu phí không dừng

Tất cả các trạm BOT trên toàn quốc đồng loạt áp dụng thu phí không dừng (ETC) từ hôm nay 1.8.

 

 

 

Thế nhưng, dù đã có sự chuẩn bị từ rất lâu, song khi đi vào áp dụng thu phí không dừng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được xử lý.

Đồng loạt thu phí không dừng - ảnh 1
Ùn ứ xe trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đoạn trạm thu phí Long Phước chiều 28.7 dù nơi đây đã triển khai thu phí không dừng  NGỌC DƯƠNG

Tỷ lệ dán thẻ ETC lệch giữa các vùng

Theo đó, 8 tuyến cao tốc trên cả nước sẽ thu phí tự động hoàn toàn gồm: Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hạ Long – Vân Đồn, Bắc Giang – Lạng Sơn, Liên Khương – Prenn, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Hà Nội – Hải Phòng (đã thí điểm từ 1.6) sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng hoàn toàn.

Tính tới hôm qua 31.7, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bước sang ngày ùn ứ thứ 5 liên tiếp sau khi áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn, lý do chủ yếu do tỷ lệ xe dán thẻ ETC qua trạm còn thấp. Dù vậy, một tín hiệu khá tích cực theo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) là tỷ lệ ETC đang tăng khá nhanh. Cụ thể, ngày 26.7 khi thu phí ETC ngày đầu tiên, tỷ lệ xe đã dán thẻ ETC khi đi qua trạm chỉ đạt trung bình 32,7%, tuy nhiên tới 27.7 tỷ lệ này đã tăng lên 43,7%, ngày 28.7 là 53% và 29.7 là trên 60%. Số lượng thẻ dán ngày 29.7 tại TP.HCM là 10.000 xe và toàn quốc là 20.000 xe.

Đồng loạt thu phí không dừng - ảnh 2
Dán tem qua trạm thu phí không dừng tại cao tốc Hà Nội – Lào Cai  NGỌC THẮNG

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, cho biết có sự phân bố không đồng đều của việc dán thẻ thu phí tự động không dừng giữa các vùng miền trên cả nước. Cụ thể tại phía bắc, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình ghi nhận tỷ lệ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng khoảng 77%. Tại TP.HCM, tỷ lệ này mới đạt khoảng 60%, song kỳ vọng sẽ tăng lên nhanh sau 1.8.

Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, thông tin: Trong tổng số lượng xe cả nước là 4,8 triệu xe thì hiện nay số lượng xe dán thẻ là 3,5 triệu xe (tính cả VETC và VDTC), chiếm 75%. Khu vực phía nam số lượng xe dán thấp hơn so với khu vực phía bắc một phần do trước đây khu vực phía bắc triển khai thu phí không dừng nhiều hơn, số lượng người có nhu cầu dán nhiều hơn. “Từ 1.8 khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào thu phí không dừng, thì phương tiện tại các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ trước đây chưa có VETC, sắp tới sẽ dán thẻ, tỷ lệ sẽ còn tăng lên nữa. Với tốc độ dán thẻ hiện nay, trong vòng 2 tháng tới sẽ đạt yêu cầu của Chính phủ là tỷ lệ xe dán thẻ đạt 90%”, ông Vinh cho biết.

Đồng loạt thu phí không dừng - ảnh 3

Dừng nạn “chạy doanh số dán thẻ khống”

Hiện có 2 nhà cung cấp dịch vụ ETC, trong đó Công ty VETC (Tasco) dán thẻ Etag và Công ty CP giao thông số VN – VDTC (Viettel) dán thẻ Epass, cả 2 loại thẻ này đều liên thông được với tất cả các trạm thu phí. Tuy nhiên, trước giờ G thu phí không dừng, hàng loạt chủ xe khi đưa xe đi dán thẻ mới tá hỏa phát hiện xe mình đã bị đăng ký “khống” thẻ Epass, dù chưa hề đăng ký tại bất kỳ đâu và xe cũng chưa hề dán thẻ.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Dương Hoài Thọ cho biết, chiều 26.7 khi đi trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, lúc đến trạm thu phí anh được nhân viên đề nghị dán thẻ thu phí tự động, tuy nhiên khi kiểm tra thì được báo tài khoản đã đăng ký với tên và địa chỉ một người tại H.Thăng Bình (Quảng Nam). “Nhân viên nói sẽ hủy tài khoản đã đăng ký trước đó của xe tôi và đăng ký lại đúng tài khoản, thu phí 120.000 đồng với thẻ dán lại. Trong quá trình đăng ký tài khoản, tôi thấy phải chụp đăng ký xe, giấy phép lái xe, CCCD mới đăng ký tài khoản được. Không hiểu vì sao trước đó xe tôi lại đăng ký Epass tên người khác được, liệu đây có phải trường hợp đăng ký khống?”, anh Thọ đặt vấn đề.

Tổng cục Đường bộ VN thừa nhận, thời gian qua đã có hiện tượng kích hoạt thẻ “ảo” dẫn đến chủ phương tiện chưa được dán thẻ nhưng đã có tài khoản, không dán được thẻ để đi vào đường cao tốc. Nguyên nhân được chỉ ra do cộng tác viên của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chạy chỉ tiêu nên lấy thông tin để kích hoạt “khống” trên hệ thống, hay chủ phương tiện mua lại xe đã được chủ phương tiện trước dán nhưng bóc thẻ trước khi bán và không hủy tài khoản đã có, hoặc chủ phương tiện đăng ký tài khoản từ lâu nhưng không nhớ… Để xử lý các bất cập trên, Tổng cục cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm hỗ trợ chủ phương tiện xử lý, khắc phục để bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện theo quy định của pháp luật.

Ngày 30.7, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm lỗi dán thẻ thu phí không dừng. Bộ GTVT cũng khẳng định việc tổ chức dán thẻ cho các phương tiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập, chưa tạo thuận lợi, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Bộ yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ các phương tiện khi tham gia dán thẻ, tránh ùn tắc tại các trạm thu phí, nhất là các tuyến cao tốc.

“Rà soát, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia dịch vụ. Có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống internet”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu.

 

Tạo thuận lợi nhất cho người dân

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Với các tuyến cao tốc từ 1.8 áp dụng hoàn toàn thu phí không dừng, tất cả phương tiện đi vào cao tốc phải đủ điều kiện (xe đã dán thẻ Etag hoặc Epass, đủ tiền trong tài khoản). Trường hợp không đáp ứng được, chủ phương tiện có thể lựa chọn các tuyến đường song hành.

Nghị định 123/NĐ-CP quy định, trường hợp xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC sẽ phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng. Câu hỏi đặt ra là, vậy trong trường hợp trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố, ai sẽ chịu trách nhiệm? Thứ trưởng Thọ trả lời: Quy định bình đẳng giữa người dân và nhà cung cấp dịch vụ, nếu sai do lỗi chủ đầu tư thì chủ đầu tư bị phạt, nếu nhà cung cấp dịch vụ sai cũng bị phạt, điều này đã được quy định rõ trong hợp đồng.

Ông Bùi Trình, Giám đốc Công ty VDTC, lý giải nguyên nhân các xe không đi được qua trạm do một phần tài khoản không đủ tiền, thẻ dán bên ngoài xe có thể bị hỏng hóc, bong tróc. Ông Trình cũng đề nghị các nhà đầu tư BOT trong quá trình vận hành hoặc nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn khách hàng đến điểm dịch vụ để kiểm tra chất lượng thẻ. Hiện Viettel đang xây dựng tính năng cảnh báo tiền trong tài khoản cho khách hàng, trong trường hợp không đủ số dư sẽ thông báo cho khách hàng biết. Lãnh đạo VDTC cũng cho rằng để nâng cấp chất lượng dịch vụ thu phí không dừng, cần ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá tương tự như với mạng viễn thông của Bộ TT-TT.

 

Tiếp tục hoãn thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Ngày 31.7, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận có thông cáo báo chí khái quát tình hình giao thông sau 90 ngày đưa vào vận hành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo đó, công ty muốn thu phí để hoàn vốn nhưng phía cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang chưa đưa ra ý kiến. Như vậy, tuyến cao tốc này chưa thể thu phí chính thức từ ngày 1.8 và đây là lần thứ 2 tạm hoãn thu phí (lần đầu dự kiến thu phí từ 1.7).

Theo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, qua hơn 90 ngày vận hành (từ 30.4 – 31.7), trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã có hơn 2,2 triệu lượt xe; hơn 50 vụ va chạm được ngành chức năng xử lý; cứu hộ 550 trường hợp xe gặp sự cố. Về nguyên nhân các vụ va chạm, 43% do lái xe chuyển hướng không đúng quy định, 36% chạy quá tốc độ, 6% sử dụng rượu bia…

Trước đó, ngày 14.7, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh dự thảo đề xuất xây cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2. Dự thảo này được trình lên Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang xem xét, cho ý kiến. Nếu Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang thông qua, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo ông Trần Văn Bon , UBND tỉnh Tiền Giang đã làm việc với Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, thống nhất đầu tư cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 2 theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tổng chi phí đầu tư giai đoạn 2 hơn 9.500 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách khoảng 4.700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Bắc Bình

MAI HÀ – HÀ MAI

TNO