22/12/2024

Có sự hiểu nhầm học sinh Tây Âu ‘học nhẹ’ hơn Việt Nam, cảnh báo sự cố du học

Có sự hiểu nhầm học sinh Tây Âu ‘học nhẹ’ hơn Việt Nam, cảnh báo sự cố du học

Rất nhiều người tin rằng ở nước ngoài “học nhẹ” hơn ở Việt Nam nhưng lại không thể lý giải vì sao “học nhẹ” hơn nhưng chất lượng đào tạo ở nước ngoài đồng đều hơn và đã tạo ra rất nhiều nhân tài như vậy. Nhưng thực tế có những “sự cố du học”.

 

 

Có sự hiểu nhầm học sinh Tây Âu học nhẹ hơn Việt Nam, cảnh báo sự cố du học - Ảnh 1.

Hình ảnh ngày 8-7 vừa qua tại một trường cấp I thuộc bang Hessen của Đức. Học sinh từ lớp 1 đã phải đeo chiếc balô nặng trên 10kg đựng đồ dùng học tập, các em nghỉ hè theo quy định bang đúng 6 tuần từ 25-7 – Ảnh: Nguyen P.

Vậy thực tế việc học ở nước ngoài có thực sự nhẹ hơn? TS giáo dục Phương Nguyễn, thành viên châu Âu Hiệp hội giáo dục quốc tế HETL, đồng thời là nhà nghiên cứu và cố vấn cấp cao về đầu tư quốc tế và quản trị nhân lực của ĐH Frankfurt Goethe Universität (Đức), gửi tới Tuổi Trẻ bài phân tích về những hiểu nhầm này.

Cô cũng cảnh báo những chiêu trò trong tư vấn du học đã đẩy một số du học sinh Việt Nam vào tình cảnh éo le, dở khóc dở cười thời gian qua.

 

Chấp nhận, không sốt ruột

Xét về thời điểm đi học, tại các nước như Anh, Ireland và Bắc Ireland, những lớp dự bị cho trẻ bắt đầu từ 2 – 3 tuổi và trẻ có thể học tiểu học từ 4 tuổi tùy theo mong muốn gia đình và tùy sự phát triển nhận thức của trẻ, nhưng muộn nhất là 6 tuổi.

Ở Đức, để bắt đầu đi học, ngoài việc học dự bị còn có các bài kiểm tra năng lực và thể lực. Nếu bé nào không đạt, dù 7 hay 8 tuổi vẫn phải học muộn lại vì chương trình học khá nặng, nếu bé chưa sẵn sàng việc đi học chỉ làm thui chột năng lực trẻ.

Về thời lượng học, đa số các nước châu Âu học nhiều hơn Việt Nam. Cụ thể, kỳ nghỉ hè ở nhiều nước chỉ có 6 tuần chứ không phải 3 tháng. Dù nhiều nước châu Âu có thêm các ngày như nghỉ lễ Phục sinh hay nghỉ thu, nhưng cộng lại vẫn nghỉ ít hơn cả tháng so với các trường Việt Nam.

Xét về nội dung kỹ năng và độ khó của các môn, học sinh nước ngoài phải trải qua độ khó gấp 2 – 3 lần học sinh ở Việt Nam.

Đơn cử như chuyên gia giáo dục người gốc Việt tại Úc là anh Tô Thức đã làm một so sánh về kiến thức và kỹ năng trẻ lớp 6 cho thấy Việt Nam mới dừng ở 48 kỹ năng, trong khi Úc là 89 kỹ năng về toán.

Bản thân tôi đã nghiên cứu so sánh hai chương trình môn toán và môn tiếng cho các bé lớp 1 và thấy chương trình lớp 1 tại Đức tương đương với chương trình lớp 1 và học kỳ 1 lớp 2 ở Việt Nam gộp lại.

Dù vậy trong sự học ở nước ngoài có một điểm thuận lợi lớn là cả nhà trường và phụ huynh đều khách quan đánh giá đúng năng lực của con mình và chấp nhận điều đó, không chạy theo thành tích hão huyền và gây áp lực cho chúng.

Cả trăm năm nay các nước phương Tây đã xây dựng nhiều hệ thống thang đo về năng lực con người qua các khía cạnh và đồng thuận, rằng không ai toàn diện nhưng nhất định ai cũng có điểm mạnh nào đó.

Và đây chính là cái nhà trường và gia đình phải giúp trẻ khám phá để phát huy, đạt tới mức cao nhất, thậm chí vượt thang đo sự phát triển.

Vì vậy, nếu ai đó hồ hởi khoe học nước ngoài dễ lắm, cấp I cấp II chỉ cộng trừ nhân chia học đi học lại, môn ngữ văn thì chỉ cần viết ra được, không cần hay dở hay đúng văn phong ngữ pháp khắt khe như chương trình ở Việt Nam thì chưa hẳn.

Nói vậy là bởi gia đình và thầy cô chấp nhận cho em nhỏ đó loanh quanh lực học trung bình và không gây áp lực vì sau này em có thể theo hệ học nghề làm thợ chứ không theo hệ đào tạo học thuật hay quản lý.

Chị Lan Thủy, có ba con đang theo học các cấp tại TP Cologne của Đức, cho biết chị hài lòng khi các buổi họp phụ huynh được chia làm hai hình thức: họp chung để giải quyết việc trường lớp và họp riêng giữa giáo viên và cha mẹ để biết về năng lực con mình, nghe tư vấn từ giáo viên để tìm ra giải pháp và định hướng tương lai nghề nghiệp cho con.

Chị thấy điều này vừa tạo sự gần gũi giữa nhà trường và gia đình, vừa không gây đố kỵ hơn thua giữa phụ huynh cũng như học sinh vì thông tin năng lực bảo mật. Vợ chồng chị cũng yên tâm hơn khi có thể thấy rõ định hướng tương lai của từng con.

Có sự hiểu nhầm học sinh Tây Âu học nhẹ hơn Việt Nam, cảnh báo sự cố du học - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình những góp ý chân thành từ cộng đồng người Việt cho các em gặp sự cố đi học tại Đức

Cẩn trọng khi tư vấn du học

Nhiều người ở Việt Nam do thiếu thông tin nên đã hiểu sai về các loại hình đào tạo ở nước ngoài, lầm tưởng các chương trình học và chất lượng như nhau. Nhưng sự thật, tại các nước cũng luôn có sự khác biệt rất lớn về chất lượng giữa trường công và trường tư, giữa trường quốc tế và trường trong nước.

Chẳng hạn ở những nước giáo dục không hoàn toàn được bao cấp như Anh, Úc, Mỹ, trường tư với học phí rất cao sẽ có chương trình chọn lọc, giáo viên chất lượng, đầu vào tuyển chọn kỹ lưỡng. Trong điều kiện đó, trường tư được đánh giá cao hơn trường công.

Trong khi ấy ở các nước như Đức, Pháp và Bắc Âu – những nơi giáo dục và y tế được bao cấp hoàn toàn – các trường công lại có hệ thống chặt chẽ và chất lượng ổn định hơn.

Đó cũng là nơi phân luồng chất lượng, tức cùng một lớp nhưng trình độ cao thấp rõ rệt, nhiệm vụ của giáo viên là phải đưa ra lộ trình cùng lời khuyên định hướng phù hợp với từng em.

Thời gian gần đây tại Việt Nam rộ lên nhiều trung tâm du học nhắm tới các gia đình thu nhập trung bình và thấp để chào mời các chương trình du học miễn phí tại Đức. Nhiều gia đình thậm chí đã vay mượn để trả phí môi giới và phí sinh hoạt cho con đi du học.

Nhưng họ không biết hệ thống giáo dục công tại Đức có nhiều hệ, trong đó điển hình là hệ Gymnasium chỉ có khoảng 5% học sinh khá giỏi theo đuổi học thuật hay quản lý, còn lại khoảng 95% sẽ phải theo hệ trường nghề Hauptschule và Realschule.

Ngoài ra còn loại trường Gesamschule – một hình thức giúp học sinh dễ dàng hơn trong chuyển đổi giữa hệ nghề và hệ học thuật. Lợi dụng sự phức tạp này, nhiều trung tâm đã dụ các em đăng ký vào hệ Gymnasium dù họ biết chắc hầu hết các em với nhiều hạn chế về ngôn ngữ và trình độ sẽ bị đánh trượt sau một năm theo học và buộc phải về Việt Nam làm lại từ đầu.

Rõ ràng “du học miễn phí” tại các nước Tây Âu như Đức là cơ hội giúp phát triển tương lai vô cùng tuyệt vời. Nhưng việc hiểu chưa đủ về hệ thống giáo dục của nước sở tại sẽ khiến nhiều phụ huynh vô tình đẩy con mình vào cảnh “tiền mất tật mang”, lãng phí vài năm và còn khiến nhiều em mất phương hướng, chán nản.

Quả thực, để hội nhập quốc tế, học sinh Việt cần trau dồi rất nhiều kiến thức và kỹ năng thực tiễn. Quan trọng hơn là phải đi từ năng lực bản thân, giảm bớt chạy đua thành tích.

Các gia đình cũng cần giúp các con xác định rõ điểm mạnh của bản thân là gì để phát huy hết tiềm năng, có vậy mới đủ sức tham gia đường đua năng lực chất lượng cao của thế giới.

 

Coi trọng thành tích

Nếu ở Việt Nam nhiều người nói bội thực các bằng, giấy khen thì ở Tây Âu, từ mẫu giáo cho tới tiến sĩ cũng có vô số các loại chứng nhận và khen thưởng.

Bằng và giấy khen nhiều tới mức tham gia bất cứ hoạt động nào từ nhỏ đến lớn, giải trí hay học thuật, từ cấp nhóm, cấp lớp, cấp trường như thi hùng biện, đọc sách, tham gia hội thao như bơi lội, đạp xe, đi bộ… đều được nhận bằng khen chứng nhận. Nhưng tất cả các bằng ấy đều ghi nhận rõ năng lực và không hề dễ để đạt top kỹ năng.

Việc đánh giá năng lực cũng thường xuyên và vô cùng sát sao, ngoài định kỳ theo tuần, theo tháng còn có các bài kiểm tra bất ngờ để rà soát kỹ năng và nhận thức của trẻ một cách thực chất nhất.

TS PHUONG NGUYEN
TTO