TP.HCM chờ ‘lột xác’ vận tải đường bộ
TP.HCM chờ ‘lột xác’ vận tải đường bộ
Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo về hình thức vận tải đường bộ của TP.HCM trong thời gian tới.
Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) vừa báo cáo UBND TP.HCM kế hoạch khai thác Bến xe Miền Đông mới.
Hai giai đoạn di chuyển các tuyến cuối cùng
Theo SAMCO, Bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động giai đoạn 1 từ 10.10.2020 với tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch bao gồm 71 tuyến, đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông hiện hữu là 29 tuyến (các tuyến đường từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc theo quốc lộ 1A). Tiếp tục thực hiện di dời các tuyến vận tải hành khách tại Bến xe Miền Đông hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới, tổng công ty đề xuất phương án chuyển toàn bộ các tuyến đường đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới chia thành 2 giai đoạn tiếp theo.
Thêm tuyến xe buýt kết nối 2 bến xe cũ và mới |
Cụ thể, giai đoạn 2 sẽ di dời toàn bộ các tuyến đường (trừ các tuyến đường có hành trình chạy xe đi qua quốc lộ 14) vào ngày 11.10.2022. Tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch là 124 tuyến. Trong đó, số tuyến thực tế di dời có 75 tuyến đang đăng ký hoạt động, chiếm khoảng 54% số tuyến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (138 tuyến). Dự kiến, bình quân sẽ có 1.005 chuyến/ngày, chiếm khoảng 66% số chuyến xuất bến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu. Số lượng phương tiện di dời khoảng 1.689 xe đăng ký, thuộc 89 doanh nghiệp vận tải đăng ký.
Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục di dời toàn bộ các tuyến đường còn lại khi Bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, tình hình trật tự vận tải, kết nối giao thông được đảm bảo. Tổng số tuyến đường di dời theo quy hoạch là 80 tuyến đường, trong đó có 63 tuyến đang đăng ký hoạt động, chiếm khoảng 46% số tuyến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu (138 tuyến). Bình quân khoảng 518 chuyến/ngày, chiếm khoảng 34% số chuyến xuất bến tại Bến xe Miền Đông hiện hữu.
Ngay thời điểm thực hiện việc di dời giai đoạn 2 các tuyến vận tải liên tỉnh cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới, Tổng công ty SAMCO sẽ trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, vận hành, kinh doanh khai thác bến xe mới. Song song với việc di dời tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu đến Bến xe Miền Đông mới giai đoạn 2, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông sẽ bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về Bến xe Miền Đông mới. Đồng thời, ưu tiên bố trí diện tích cho phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, xe taxi đậu, đỗ để đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách…
Không chỉ là đầu mối giao thông trọng yếu
Được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017 với diện tích hơn 16 ha, Bến xe Miền Đông mới của TP.HCM là bến xe có quy mô lớn nhất cả nước. Nằm ở cửa ngõ phía đông TP.HCM, đây là đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải của TP kết nối các tỉnh thành miền Trung, Tây nguyên và miền Bắc. Với vị trí vô cùng thuận lợi để phát triển thành trung tâm trong mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD – transit-oriented development), Bến xe Miền Đông mới không chỉ là đầu mối giao thông mà còn được quy hoạch trở thành khu phức hợp đa chức năng gắn với trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, giao nhận hàng hóa logistics kết hợp với giải trí, hài hòa với khu vực quảng trường metro và cây xanh phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe này còn tập trung nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng công suất lớn để phục vụ chuyển tiếp hành khách vào trung tâm TP và các đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tuyến metro Biên Hòa – TP.HCM, tuyến metro TP mới Bình Dương (đang nghiên cứu), tuyến xe buýt nhanh đi TP.Bình Dương và các tuyến xe buýt đô thị, xe taxi.
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết trên thế giới, việc phát triển đô thị theo mô hình TOD đã áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển như Tokyo – Nhật Bản; Seoul – Hàn Quốc, Singapore, Brazil… Các mục tiêu và nguyên tắc chuẩn của TOD đều hướng vào việc phát triển không gian xung quanh khu vực khuyến khích người đi bộ; ưu tiên mạng lưới giao thông không cơ động như xe đạp; phát triển gần hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao; quy hoạch hỗn hợp chức năng sử dụng giúp rút ngắn khoảng cách chuyến đi… Đây chính là định hướng phát triển giao thông đô thị mà TP.HCM đang theo đuổi và Bến xe Miền Đông mới là điển hình của mô hình TOD lần đầu tiên triển khai áp dụng tại TP.HCM.
“Bến xe sẽ góp một phần trong khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM. Dự án bến xe hiện đại này sẽ gắn kết khu phức hợp thương mại – dịch vụ – vận tải kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu trung chuyển giao dịch hàng hóa thương mại, đặc biệt là khu vui chơi giải trí và là điểm đến tiện nghi, thoải mái cho hành khách và người dân địa phương. Cùng với việc thay đổi dần thói quen di chuyển, bến xe mới cũng sẽ giúp TP giải quyết triệt để tình trạng xe dù, bến cóc, lột xác hệ thống vận tải đường bộ tại TP.HCM”, vị này kỳ vọng.
Giải bài toán giao thông để bến xe mới thoát “ế”
“Trọng trách” lớn như vậy, song ngay từ những ngày đầu khi bến xe mới đi vào hoạt động, lãnh đạo SAMCO đã không ít lần bày tỏ lo ngại trong giai đoạn đầu khai thác, bến xe sẽ chưa mang lại hiệu quả cao vì khoảng cách từ bến tới trung tâm TP quá xa.
Thêm tuyến xe buýt kết nối 2 bến xe cũ và mới
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết: Sở GTVT sẽ tăng cường vận tải xe buýt kết nối với Bến xe Miền Đông mới, thêm tuyến xe buýt kết nối 2 bến xe cũ và mới. Với 4 tuyến xe buýt đã kết nối, Sở GTVT TP yêu cầu các tuyến này phải đón trả tại sảnh bến, đồng thời cho người dân vận chuyển hàng hóa (dưới 10 kg) để người dân thuận tiện đi lại. Ngoài ra, Sở GTVT TP còn đẩy nhanh nhiều dự án tăng cường kết nối giao thông vào tuyến metro, hoàn thiện các tuyến xe buýt gom cho tuyến metro nhằm kết hợp với tuyến metro, tăng vận chuyển hành khách cho toàn tuyến cũng như Bến xe Miền Đông mới.
Lo ngại của lãnh đạo SAMCO đã thành hiện thực. Gần 2 năm sau ngày khai trương, bến xe ngàn tỉ của TP.HCM thường xuyên vắng tanh vì ế khách. Hiện nay trung bình một ngày, Bến xe Miền Đông mới chỉ có 47 hành khách, giảm 95% so với trước khi có dịch. Ngay cả trước khi dịch bệnh hoành hành, số lượng 706 hành khách qua bến 1 ngày, trung bình chỉ khoảng 9 – 10 lượt xe xuất bến hằng ngày cũng là quá ít với quy mô 1 “siêu” bến xe như vậy. Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP, lý giải có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến hoạt động Bến xe Miền Đông mới chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Thứ nhất, do hệ thống hạ tầng kết nối quanh bến xe này chưa hoàn chỉnh, trong đó nhiều dự án vẫn đang triển khai và 1 – 2 năm tới mới hoàn thiện như tuyến metro số 1 (dự kiến cuối năm 2023 mới vận hành), dự án mở rộng xa lộ Hà Nội vẫn còn dang dở đoạn đi qua tỉnh Bình Dương hay chưa xây dựng cầu vượt trước bến xe nên hạn chế khả năng tiếp cận của hành khách đến bến xe. Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc đi lại của hành khách sụt giảm. Chưa kể, các hãng hàng không giá rẻ đang phát triển, thu hút một lượng khách đi các tuyến đường dài.
Trong khi đó, phía SAMCO đánh giá hạ tầng kết nối giao thông giữa Bến xe Miền Đông mới ra quốc lộ 1 vẫn chưa được hoàn thiện nên hành khách và các phương tiện vận tải ra, vào bến gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Đây là yếu tố quan trọng nhất đang ảnh hưởng tới hoạt động của Bến xe Miền Đông mới. Bên cạnh đó, tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình” hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp tại khu vực trung tâm TP, các bãi giữ xe, các trạm tiếp nhiên liệu thường xuyên tổ chức đón, trả (lên, xuống khách) khiến hành khách không mặn mà với bến xe mới.
HÀ MAI
TNO