Thế giới quay lại điện hạt nhân?
Thế giới quay lại điện hạt nhân?
Giá nhiên liệu hoá thạch tăng cao, những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo và mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng lớn khiến điện hạt nhân đang trở lại tại nhiều nước.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho biết để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch cũng như đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero), công suất điện hạt nhân toàn cầu sẽ phải tăng gấp đôi vào năm 2050.
Báo cáo của IEA chỉ rõ mức phát thải net-zero là điều kiện để mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC so với thời tiền công nghiệp và công suất điện hạt nhân sẽ phải tăng từ 413GW năm nay lên 812GW vào giữa thế kỷ này.
Cơ hội “độc nhất vô nhị”
“Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện tại, giá nhiên liệu hóa thạch tăng vọt, những thách thức về năng lượng và các cam kết khí hậu tham vọng, tôi tin là điện hạt nhân đang có cơ hội độc nhất vô nhị để trở lại”, Hãng tin Reuters dẫn lời giám đốc điều hành IEA – Fatih Birol.
“Tuy nhiên không có gì bảo đảm một thời đại mới của điện hạt nhân đã bắt đầu. Mọi chuyện phụ thuộc vào việc các chính phủ phải thực thi những chính sách linh hoạt nhằm đảm bảo vận hành an toàn và bền vững điện hạt nhân trong những năm tới”.
Các nền kinh tế phát triển hiện chiếm gần 70% công suất điện hạt nhân toàn cầu, nhưng hầu hết các cơ sở của họ đều đã rất cũ kỹ. Mức đầu tư cho loại hình năng lượng này đã chững lại, các dự án mới tốn kém hơn nhiều so với dự toán và tiến độ thì chậm chạp, báo cáo của IEA nêu.
Sự tham gia của thế giới mới nổi, đặc biệt ở châu Á, vào thị trường này là một điểm nhấn trong những năm qua. Trong 31 lò phản ứng được xây mới từ đầu năm 2017 tới nay, 27 là thiết kế của Nga hoặc Trung Quốc.
Hơn một thập niên sau thảm họa Fukushima, sự kiện vốn đã làm lung lay lòng tin vào điện hạt nhân, từ Trung Quốc tới Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều nước châu Á đang có kế hoạch quay lại với loại hình năng lượng này.
Điện hạt nhân ở châu Á
Nhật Bản đã khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân tạm đóng cửa do thảm họa động đất – sóng thần năm 2011. Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ mở lại ít nhất 9 lò phản ứng trước mùa đông năm nay.
Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á hiện phải nhập khẩu 98% nhiên liệu và đang đối mặt với một mùa đông đầy bất trắc khi khí hóa lỏng (LNG) tăng giá mạnh, còn quan hệ với Nga – nước cung cấp 9% lượng LNG cho Tokyo – đã xấu đi nghiêm trọng vì cuộc chiến tại Ukraine.
Một cuộc thăm dò của báo Nikkei vào tháng 3 cho thấy 53% người Nhật được hỏi đã nói họ ủng hộ mở lại các nhà máy điện hạt nhân.
Trung Quốc, vốn tuyên bố tạm hoãn các dự án điện hạt nhân mới sau biến cố Fukushima, hiện có ít nhất 52 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng hoặc thiết kế – nhiều hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới, chưa kể 150 lò phản ứng nữa trong kế hoạch, theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới.
Trung Quốc dự kiến tăng công suất điện hạt nhân thêm 40% so với hiện nay, lên mức 70GW vào năm 2025. Trước đó, giai đoạn 2011 – 2021, nước này đã tăng sản lượng điện hạt nhân 400%, đồng thời xây mới 39/86 nhà máy điện hạt nhân khắp thế giới.
Ở Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Seok Yeol đã cho nối lại việc xây dựng hai lò phản ứng và gia hạn thời gian vận hành của một lò khác, đảo ngược chính sách chấm dứt điện hạt nhân của người tiền nhiệm.
Công nghệ điện hạt nhân cũng được xác định là một thế mạnh của kinh tế Hàn Quốc. Tổng thống Yoon nói ông đặt mục tiêu bán được 10 nhà máy cho các nước khác tới năm 2030. Ấn Độ và Pakistan, hai nước Nam Á có tham vọng hạt nhân lớn, cũng đã động thổ các dự án hạt nhân mới những tháng gần đây.
“Trong bối cảnh giá khí đốt cao kỷ lục, điện hạt nhân có vẻ là lựa chọn nhanh chóng duy nhất để thoát khỏi những đợt cắt điện luân phiên và giá năng lượng tăng phi mã” – ông Ahn Se Hyun, phó chủ tịch các vấn đề quốc tế và giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược (Đại học Seoul), nói với Hãng tin Al Jazeera.
Tuy nhiên cũng có những tiếng nói thận trọng. “Giới chuyên gia kỹ thuật thích điện hạt nhân vì đó có vẻ là năng lượng sạch ở đầu ra, nhưng như thế là chưa tính tới chi phí rất lớn của các công đoạn khác như khai thác, xử lý quặng uranium và xử lý chất thải sau đó – ông Benjamin K Sovacool, giáo sư chính sách năng lượng ở ĐH Kinh doanh Sussex (Anh), phân tích – Khi tính tới các yếu tố đó, một số nhà máy điện hạt nhân để lại vết carbon không khác gì khí đốt, một loại nhiên liệu hóa thạch”.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã ra mắt chương trình trị giá 6 tỉ USD hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân gặp khó khăn vì chi phí tăng cao. Nhiều nước EU cũng tái khởi động các dự án điện hạt nhân. Bỉ đã gia hạn thời gian hoạt động của 2 lò phản ứng còn lại thêm một thập niên. Ba Lan vừa động thổ xây nhà máy đầu tiên.
Czech có kế hoạch xây mới một số lò phản ứng. Ở Pháp và Đức, những nước từng có chính sách chấm dứt điện hạt nhân rất quyết liệt, đều đang xuất hiện những lập luận ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi xét lại chính sách đó. Hà Lan đang xây hai nhà máy mới và hối thúc Đức giữ lại những nhà máy đang hoạt động.