22/01/2025

Giáo viên đề xuất một kỳ thi ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’

Giáo viên đề xuất một kỳ thi ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’

Tôi đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc THCS. Những học sinh nguyện vọng học lên ĐH tham gia một kỳ thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức vào cuối tháng 7 hằng năm, là ‘tuyển sinh đại học toàn quốc’.

 

 

 

Giáo viên đề xuất một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Năm học 2022 – 2023 là năm học cả ba cấp đều áp dụng chương trình phổ thông mới. Bậc tiểu học và THCS tiếp tục áp dụng lớp 3 và lớp 7, bậc THPT bắt đầu áp dụng ở lớp 10 và do định hướng nghề nghiệp nên học sinh được chọn môn.

Tuy nhiên, trên các diễn đàn lại dậy sóng về việc chọn môn học và hai năm nữa có còn thi tốt nghiệp THPT nữa hay không. Là một giáo viên lâu năm trong nghề rất tâm huyết đến sự nghiệp giáo dục nước nhà, tôi có hai đề xuất như sau:

 

Chọn môn học phù hợp với sở thích, năng lực và nghề nghiệp

Đối với bậc tiểu học và THCS không bàn cãi về môn học, nhưng bậc THPT lại xôn xao về môn học tự chọn và môn học bắt buộc. Ban đầu theo lộ trình thực hiện là bảy môn bắt buộc và năm môn tự chọn.

Tuy nhiên, sau đó Quốc hội quyết định môn sử có phần học bắt buộc và có phần học tự chọn ở bậc THPT. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của Quốc hội vì môn sử đóng vai trò rất quan trọng.

Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định môn lịch sử có 52 tiết học bắt buộc. Tôi đề xuất từ lớp 10 và đến lớp 12, học kỳ 1 thì học hai tiết, còn học kỳ 2 thì học 1 tiết hoặc ngược lại.

Như vậy, năm học 2022 – 2023, có tám môn bắt buộc và bốn môn tự chọn. Mỗi trường có các lớp được chọn theo tổ hợp xét tuyển đại học; nhóm tự nhiên thì khả năng học sinh chọn các cặp lý và hóa, hóa và sinh, lý và sinh; nhóm xã hội chỉ còn cặp địa lý và giáo dục, kinh tế và pháp luật, học sinh chọn một môn hoặc hai môn cũng được.

Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật) tôi dự đoán môn công nghệ học sinh chọn rất nhiều vì nó dễ học và không phải tư duy nhiều. Môn tin học chỉ những em có nguyện vọng thi vào ngành công nghệ thông tin mới chọn.

Còn môn nghệ thuật dù học sinh có chọn thì một số trường không đáp ứng vì lấy đâu ra giáo viên mà dạy. Việc chọn môn là quyền của học sinh vì nó liên quan đến sở thích, năng lực và nghề nghiệp sau này của các em.

Nếu trường nào can thiệp quy định một số tổ hợp và áp đặt cho học sinh phải theo dẫn đến học sinh hợp môn này nhưng không hợp môn kia và cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm về thành quả học tập của các em.

Theo tôi, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của học sinh thì môn học bắt buộc là chia theo lớp cố định, còn môn tự chọn thì linh động xáo trộn lớp. Nó có ưu điểm là đáp ứng môn chọn của học sinh nhưng có nhược điểm là nhà trường khó trong việc sắp xếp thời khóa biểu.

Những giáo viên thiếu tiết thì có thể dạy thêm môn trải nghiệm sáng tạo, nếu còn thiếu thì các trường trên cùng địa bàn (quận, huyện) ngồi lại với nhau nhằm thương thảo để giáo viên dạy thêm một số tiết ở trường khác.

Hướng tới một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc

Giáo viên đề xuất một kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc - Ảnh 2.

Nhà giáo Nguyễn Quang Thi – Ảnh: NVCC

Những năm gần đây tỉ lệ tốt nghiệp THPT rất cao. Hơn nữa, thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với lấy kết quả học bạ lớp 12 nên hầu hết học sinh đều đỗ tốt nghiệp.

Mặt khác, các trường đại học có nhiều phương thức tuyển sinh riêng, như xét học bạ, thi năng lực, lấy kết quả thi tốt nghiệp… Như vậy, nó có ưu điểm là học sinh có nhiều khả năng xét tuyển nhưng nhược điểm là học sinh gặp khó khăn trong quá trình học.

Đó là, các em cần học đều các môn để được học sinh giỏi nhằm xét học bạ, các em cũng tham gia ôn để thi năng lực và các em luyện sâu ba môn thi tốt nghiệp để có điểm cao nhằm xét tuyển. Lấy kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một phương thức nhưng kinh phí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp rất lớn.

Với những lập luận ở trên, khi chương trình mới phủ kín bậc THPT và Bộ Giáo dục và đào tạo dự kiến bắt đầu năm 2025 thay đổi kỳ thi, trong lúc chờ đợi quyết định của bộ, tôi đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó xét công nhận tốt nghiệp như bậc trung học cơ sở đã làm.

Những học sinh có nguyện vọng học lên đại học thì tham gia một kỳ thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức vào cuối tháng 7 hằng năm, kỳ thi mang tên “tuyển sinh đại học toàn quốc”.

Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm khâu ra đề thi, mỗi tỉnh có một hội đồng thi do trường đại học đủ năng lực tổ chức khâu coi và chấm.

Học sinh chọn tổ hợp ba môn theo từng ngành với nhiều nguyện vọng phù hợp mà các trường đại học quy định để dự thi, học sinh thuộc tỉnh nào thi tại tỉnh đó cho khỏi tốn kém, kết quả thi được chuyển về các trường đại học nơi học sinh đăng ký, lệ phí thi học sinh phải chịu.

Bạn có đồng tình với đề xuất của nhà giáo Nguyễn Quang Thi? Theo bạn, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nên ra sao? Vui lòng gởi ý kiến về [email protected].

Thạc sĩ NGUYỄN QUANG THI (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
TTO