22/01/2025

‘Gap year’ tuổi 18, thêm một lựa chọn ?

‘Gap year’ tuổi 18, thêm một lựa chọn ?

Lâu nay chúng ta quen tốt nghiệp lớp 12 là vào đại học. Sự học thẳng băng tuy có ưu điểm, nhưng hiệu suất không vì thế mà đạt lý tưởng. Trong một số trường hợp, học sinh lớp 12 sau tốt nghiệp có thể ‘gap year’.

 

 

“Gap year” có thể sẽ phù hợp trong nhiều trường hợp

Một bộ phận học sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt “1 trong 2” thường hụt hẫng, chán chường. Một số em vì gia đình, bạn bè, đã “học đại” – cái kết là học bết bát, bỏ học, hay tốt nghiệp rồi mà chẳng ra đâu vào đâu. Nếu “gap year” (thời gian nghỉ khoảng một năm để bạn trẻ rời bỏ sách vở để có thể trải nghiệm những điều bản thân mong ước), các em có thể có thời gian tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng để rắn rỏi, lớn khôn và sẽ có những lựa chọn thích hợp.

Cũng có em “gap year” nhằm chọn trường top ở Mỹ, Anh… Đây là giai đoạn để thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện, làm thêm, tham gia công tác xã hội… Khi chuẩn bị đầy đủ thì nộp hồ sơ ứng tuyển vào ĐH ấp ủ.

'Gap year' tuổi 18, thêm một lựa chọn ? - ảnh 1
Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều hướng đi, trong đó có những bạn chọn “gap year” (ảnh minh họa) NGỌC DƯƠNG

Trong cuộc thăm dò đối với các công ty kinh doanh trên lĩnh vực số (toàn cầu), một trong những yếu tố công ty tuyển nhân viên là những người trước khi vào ĐH từng có thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, từng đi làm, từng học tập ở hệ giáo dục thường xuyên (vừa học, vừa làm). Theo lãnh đạo các công ty này, số ấy suy nghĩ chín chắn, có chí tiến thủ, khả năng làm việc nhóm tốt. Như vậy, “gap year” có thể thêm cơ hội để sau tốt nghiệp ĐH giúp bạn trẻ tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nguyện vọng bản thân.

 

Trui rèn qua thực tiễn

Tuổi 18 tràn đầy khát vọng, “gap year” cho bạn những chuyến đi đến miền đất lạ để biết, hiểu con người, cảnh vật trong thế giới muôn hình, muôn vẻ. Tất nhiên, đi suốt cuộc đời cũng không thể “ôm hết bầu trời”. Nhưng với điểm đến lựa chọn, với ham thích, tò mò, mạo hiểm – ngần ấy để mình thêm yêu cuộc sống, quan trọng hơn – hiểu chính mình để quyết định tương lai sau “gap year”.

“Gap year” có thể là dự án gắn với vùng quê, thôn buôn về bảo vệ môi trường, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, dạy trẻ miền quê nghèo học ngoại ngữ, làm quen với tin học. Đó cũng có thể là phụ giúp tại cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, hay hợp tác với các nhà trường tổ chức dạy bơi, xây dựng thói quen đọc sách, chống xâm hại tình dục, kỹ năng tham gia mạng xã hội… Mỗi bạn trẻ làm một việc, nhiều bạn trẻ góp nghìn việc ý nghĩa – nhờ “gap year”.

Không gì tốt hơn bằng trui rèn qua thực tiễn, chính từ thực tiễn sinh động ấy, cùng với “gap year” giúp tuổi 18 trưởng thành, biết trau dồi kỹ năng cho bản thân phát triển, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

 

Nhiều mặt ích lợi

Ngay khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2019, Phạm Ngọc Hà Anh (21 tuổi, TP.HCM) lập tức “gap year” để xả hơi sau 12 năm học. Nhờ tâm lý tích cực cùng trải nghiệm thu được qua các chuyến đi, nữ sinh đã tin tưởng ngành mà mình muốn theo đuổi là “chân lý” và chọn đăng ký vào Trường ĐH Greenwich Việt Nam (TP.HCM) hồi tháng 11.2021. “Sau khi “gap year”, tôi có trách nhiệm và chú tâm vào việc học hơn. Hiện tại học tập với tôi là hoàn toàn tự nguyện và tự giác chứ không còn cảm thấy bị ép buộc”, nữ sinh viên năm nhất khẳng định.

Trần Công Danh (19 tuổi, TP.HCM) cũng vừa kết thúc thời gian “gap year”, chuẩn bị nhập học vào ngành sản xuất phim kỹ thuật số tại Trường ĐH RMIT Việt Nam vào tháng 10.2022. Sau “gap year”, nam sinh nâng cấp không chỉ khả năng ngôn ngữ mà cả cách tư duy bằng nhiều ngôn ngữ, giúp anh đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, giao tiếp tự tin với người nước ngoài.

Ngọc Long

 

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương

TNO