23/12/2024

Điểm chuẩn đại học ở mức nào so với điểm sàn ?

Điểm chuẩn đại học ở mức nào so với điểm sàn ?

Các trường đại học đồng loạt công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2022. Vậy, điểm chuẩn trúng tuyển sẽ ra sao so với mức điểm sàn các trường công bố?

 

 

Điều chỉnh tăng điểm sàn để thí sinh lựa chọn chính xác

Hôm qua (29.7), Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM có thông báo điều chỉnh điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển các ngành theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo điều chỉnh mới này, điểm sàn các ngành ở mức 23, tăng 1 điểm so với công bố ban đầu trong đề án tuyển sinh trước đó.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết điều chỉnh này của trường dựa vào thông tin kết quả thi và đăng ký nguyện vọng của thí sinh (TS). “Năm 2021 điểm chuẩn ngành thấp nhất phương thức này của trường là 25,1 điểm. Trong khi năm nay, theo ghi nhận ban đầu số lượng TS đăng ký nguyện vọng vào trường tăng. Trường điều chỉnh để TS có sự lựa chọn chính xác hơn”, ông Khang chia sẻ.

Điểm chuẩn đại học ở mức nào so với điểm sàn ? - ảnh 1
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học năm 2022  ĐÀO NGỌC THẠCH

Không điều chỉnh điểm sàn nhận hồ sơ so với công bố ban đầu, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thông báo nhận hồ sơ tất cả các ngành ở mức 18 điểm. Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu trường này, cho biết: “Đây là mức điểm nhận hồ sơ, TS tham khảo thêm điểm chuẩn các ngành của trường vài năm trước khi đặt nguyện vọng. Chẳng hạn, năm 2021 điểm chuẩn các ngành của trường xét điểm thi tốt nghiệp dao động từ 25 – 26 điểm”.

Tuy nhiên theo ông Anh Vũ, năm nay trường còn tới 2.300 chỉ tiêu (tương đương 65% tổng chỉ tiêu) xét điểm thi tốt nghiệp. “Với chỉ tiêu tuyển sinh của trường và phổ điểm thi đã công bố, khả năng không có nguyên nhân nào tạo ra những đột biến về điểm chuẩn”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông báo điểm sàn các ngành chương trình đại trà tại cơ sở TP.HCM ở mức 19 (trừ ngành dược học). Theo phân bổ dự kiến, trường còn hơn 4.000 chỉ tiêu (tương đương 50% tổng chỉ tiêu) xét điểm kỳ thi chung này. Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, tùy theo ngành với số TS đăng ký khác nhau mà điểm chuẩn trúng tuyển có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn đã công bố. Trong đó, một số ngành điểm chuẩn có thể cao hơn sàn 3 – 4 điểm như công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Ngược lại, trường vẫn có những ngành điểm chuẩn chỉ ở sàn hoặc cao hơn không nhiều như nhóm ngành môi trường, hóa học… Năm 2021, điểm chuẩn 2 ngành cao nhất của trường này là marketing và luật kinh tế, ở mức 26 điểm.

 

Điểm thi thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái, có nên đặt nguyện vọng ?

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển các ngành của trường có thể bằng năm ngoái. Trong đó, riêng nhóm ngành ngoại ngữ điểm sàn có thể bằng hoặc thấp hơn từ 0,25 – 0,5 điểm so với năm 2021 do tác động của điểm thi môn ngoại ngữ. “Tuy nhiên, điểm sàn này chỉ là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ. Điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào số lượng TS và phân khúc điểm thi của các TS đó”, thạc sĩ Quốc lưu ý.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cũng khuyến cáo: “Điểm sàn hay còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, chỉ là mức điểm thấp nhất TS được đăng ký xét tuyển vào trường. Điểm sàn này không phải là điểm chuẩn trúng tuyển, TS nên tham khảo điểm của các năm trước để có sự điều chỉnh nguyện vọng phù hợp”.

Lời khuyên cho TS khi đặt nguyện vọng, thạc sĩ Anh Vũ nói: “Những TS có điểm thi bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn các năm trước, vẫn nên mạnh dạn đăng ký xét tuyển. Nhưng để an toàn, TS nên đặt thêm các nguyện vọng có điểm chuẩn ở mức thấp hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân thì phân tích: “Điểm chuẩn xét điểm kỳ thi chung của các trường năm nay khó dự đoán. Khi đặt nguyện vọng, TS nên tham khảo kỹ thông tin đề án tuyển sinh các trường, đặc biệt là số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét điểm thi. Nhưng với nguyên tắc lọc ảo xét nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, TS cứ đăng ký căn cứ vào điểm thi và điểm chuẩn các năm trước. Trong trường hợp cần thiết, có thể xem xét thêm ngành gần với ngành muốn theo học”.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đang nhận hồ sơ phương thức xét tuyển tổng hợp gồm nhiều tiêu chí về học lực trên hệ thống của Bộ (chiếm 75 – 90% tổng chỉ tiêu năm nay). Đây là phương thức tuyển sinh lần đầu tiên được áp dụng, gồm 3 thành tố với trọng số gồm: học lực 90%, thành tích cá nhân 5%, hoạt động xã hội và văn thể mỹ 5%. Riêng về học lực, điểm kỳ thi đánh giá năng lực có trọng số từ 50 – 70%, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 20 – 30% và học lực THPT chiếm 10 – 20%. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, lưu ý thêm, đối với các TS không có điểm đánh giá năng lực, hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định chuyển đổi thay thế bằng thành phần điểm thi tốt nghiệp THPT và ngược lại.

Ông Bùi Hoài Thắng cho biết trường sẽ sớm công bố thông tin điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển phương thức kết hợp. Nhưng với cách thức xét tuyển năm nay, PGS-TS Thắng cho rằng TS cứ đăng ký theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp đối với các ngành mà mình yêu thích.

HÀ ÁNH

TNO