Chuyên gia CDC Mỹ: Việt Nam đủ kinh nghiệm ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Chuyên gia CDC Mỹ: Việt Nam đủ kinh nghiệm ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Theo giám đốc quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của CDC Mỹ, lực lượng chuyên môn của Việt Nam đủ khả năng chuẩn bị, ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ vì đã làm những điều này rất tốt trong dịch COVID-19.
Tại buổi trao đổi về chuẩn bị ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ tổ chức ngày 29-7, bác sĩ Eric Dziuban – giám đốc quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch (CDC) Mỹ – cho rằng với bệnh đậu mùa khỉ, Việt Nam có thể phòng ngừa, phát hiện ca mới cũng như phản ứng nhanh để hạn chế sự lây lan như từng làm với COVID-19.
Ông tin Việt Nam sẵn sàng đối phó với căn bệnh mới nổi này. Ngoài ra, Việt Nam còn có lợi thế vì đã có 2 tháng để học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã ghi nhận căn bệnh này.
Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra, lây từ người sang người. Trước đây bệnh phổ biến ở một số nước châu Phi nhưng hiện đã có 78 quốc gia ghi nhận ca bệnh này, nhiều nhất ở châu Âu.
Bệnh thường lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, vùng da bị tổn thương, nốt phát ban của bệnh nhân hoặc dịch tiết đường hô hấp. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ không lây lan nhanh như COVID-19 nên ít nguy cơ thành dịch lớn.
Bệnh đậu mùa khỉ có tỉ lệ tử vong thấp, 0,03%. Hầu hết người nhiễm sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị đặc hiệu.
Trong số hơn 16.000 ca mắc đậu mùa khỉ đã ghi nhận trên thế giới, hơn 95% là người đồng tính nam, còn lại là nữ chuyển giới và người lớn nói chung. Rất ít bệnh nhân là trẻ em. Dù vậy, bác sĩ Dziuban nhấn mạnh ai cũng có khả năng bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ để yêu cầu mọi người cảnh giác và không kỳ thị người bệnh.
Người nhiễm sẽ còn lây khi nào còn phát ban, nổi mụn và chỉ ngừng lây khi có lớp da mới. Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả là tránh tiếp xúc gần với người nhiễm, vệ sinh tay thường xuyên, và tiêm vắc xin.
Theo chuyên gia CDC Mỹ, vắc xin đậu mùa khỉ hiện nay không dồi dào, một số nước có xuất hiện bệnh này đã tiếp cận được vắc xin. Mỹ và nhiều nước đang làm việc với các doanh nghiệp để tăng nguồn cung ứng vắc xin đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.
Cũng theo bác sĩ Dziuban, hiện vẫn chưa biết tại sao bệnh đậu mùa khỉ vốn phổ biến từ châu Phi lại lây sang các nước khác nơi căn bệnh này không lưu hành.
“Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các căn bệnh lây truyền mới nổi, các bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang con người trong tương lai bằng cách chia sẻ thông tin, phối hợp trong ứng phó” – chuyên gia Dziuban nêu.