22/01/2025

Nông dân dễ dính ‘bẫy tín dụng’ vì ‘đói’ vốn

Nông dân dễ dính ‘bẫy tín dụng’ vì ‘đói’ vốn

Khó tiếp cận vốn từ ngân hàng, nông dân dễ dính “bẫy tín dụng” và cũng là điều kiện để tín dụng đen phát triển mạnh ở các vùng nông thôn.

 

 

Nông dân dễ dính bẫy tín dụng vì đói vốn - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, vì thiếu vốn, nông dân thường mua chịu giá đắt rồi bán “sản phẩm non” cho các đại lý, vựa vật tư nông nghiệp – Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã” tổ chức ngày 28-7, ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cảnh báo tình trạng nông dân dính “bẫy tín dụng” và tín dụng đen ở nông thôn do nông dân và các hợp tác xã “đói” vốn.

Đó là tình trạng nông dân vì không có vốn nên phải mua chịu vật tư, phân bón của các vựa, đại lý vật tư nông nghiệp rồi bán “sản phẩm non” cho những nơi này vì không còn lựa chọn nào khác.

“Tình trạng này phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng ở khu vực nông thôn và dẫn tới hệ quả là nông dân phải mua vật tư, phân bón với giá đắt.

Hệ quả nghiêm trọng nhất là nông dân rất khó chuyển sang các hệ thống sản xuất mới như sử dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn mới, sản xuất hữu cơ… do phải phụ thuộc giống, vật tư của đại lý”, ông Định cảnh báo.

Trong khi đó, theo ông Định, do các hợp tác xã cũng khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác nên nông dân cũng không muốn vào hợp tác xã vì đã có các vựa, đại lý cho mua chịu với cách làm trên.

“Và bẫy tín dụng ở đây dẫn tới hậu quả là tín dụng đen ở khu vực nông thôn hình thành, tạo cơ hội để tín dụng đen phát triển mạnh”, ông Định nói.

Ông Định cho biết tổng dư nợ của các hợp tác xã tính đến năm 2021 là khoảng 6.000 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 2002-2021 chỉ có khoảng 7.000 hợp tác xã được hỗ trợ quỹ tín dụng, bình quân chỉ có khoảng 700 hợp tác xã/năm (tương đương 3,7% số hợp tác xã được tiếp cận tín dụng hằng năm) và “con số này là rất ít”.

Ông Định cũng đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vấn đề. Trước hết, theo ông, nên khuyến khích ngân hàng thương mại xây dựng các gói tín dụng cho khu vực hợp tác xã và gắn với các chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ đã được thí điểm theo quyết định 1050 của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2014 nhưng không được tiếp tục triển khai.

Nên có các gói tín dụng cho nông dân khi áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình sản xuất chất lượng, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, Global GAP. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp khi liên kết với hợp tác xã phải đầu tư giống, phân bón; khuyến khích các hợp tác xã mở rộng thành viên, hợp tác, liên kết, sáp nhập giữa các hợp tác xã trong chuỗi để tạo thành quy mô lớn.

CHÍ QUỐC
TTO