23/12/2024

Làm gì để cao tốc hết ùn tắc?

Làm gì để cao tốc hết ùn tắc?

Chỉ còn vài ngày nữa là tới hạn chót 1.8 để tiến hành thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn trên các tuyến cao tốc cả nước.

 

 

Tuy nhiên, câu chuyện ùn tắc liên tiếp trong những ngày đầu triển khai trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây cho thấy còn nhiều vấn đề cần xử lý.

 

Nạp 2 triệu ETC vẫn phải trả tiền mặt

Ông T.H (TP.HCM) cho biết đã dán thẻ ETC hôm 25.7 và nộp tiền vào tài khoản 2 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 26.7 khi di chuyển vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, ông T.H rất bức xúc khi vẫn phải nhận thẻ giấy từ trạm Long Phước và phải đóng tiền mặt 98.000 đồng khi ra khỏi trạm Dầu Giây. Lý do được nhân viên trạm giải thích là “không đọc được thẻ”. Đây không phải là trường hợp hiếm khi một số tài khoản cho biết dù đã nạp được tiền nhưng hệ thống không đọc được nên vẫn phải trả tiền mặt. Nhân viên phải đến tận xe chụp hình thẻ ETC rồi xử lý trên máy tính, kéo dài thời gian khiến phương tiện phía sau phải chờ đợi, dẫn đến ùn tắc.

Làm gì để cao tốc hết ùn tắc? - ảnh 1

Còn quá nhiều vấn đề cần xử lý để giải quyết câu chuyện ùn tắc trên cao tốc   ĐỘC LẬP

Bắt đầu chuyến đi từ 8 giờ tại trụ sở công ty ở Q.7 (TP.HCM), ông Trương Long, nhân viên Công ty dịch vụ vận tải logistics T.H “hoảng hồn” khi thấy dòng xe nối đuôi nhau dài dằng dặc trên đại lộ Mai Chí Thọ đoạn rẽ vào hướng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (cao tốc HLD). Một tuần 3 – 4 lần di chuyển trên đoạn đường này tới văn phòng tại cảng Cái Mép – Thị Vải (thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), dù không còn xa lạ với tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra trên tuyến cao tốc HLD, song, theo ông Long, dòng xe qua trạm thu phí trong ngày đầu triển khai thử nghiệm ETC vô cùng hỗn loạn.

Rất ít tài xế biết thông tin về ETC nên các phương tiện chạy loạn giữa các làn, vào làn này không được lại vòng ra vào làn khác. Làn thu phí ETC còn phải tổ chức thu vé tay vì ún tắc quá nghiêm trọng. Tới trạm thu phí trên QL51, tình trạng tương tự cũng tái diễn. Quãng đường chưa tới 80 km nhưng ông Trương Long phải mất 3 giờ 30 phút di chuyển mới tới cảng Cái Mép – Thị Vải.

“Đi xe cá nhân, xe du lịch còn đỡ, xe tải chở hàng từ TP.HCM về cảng chậm hơn nữa, phải mất 5 – 6 giờ, thay vì chỉ 3 giờ theo tiêu chuẩn. Xe chúng tôi đi tuyến TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận cũng hay ùn tắc nhưng thường chạy giờ sớm, giờ khuya nên còn né được chút. Tuyến HLD coi như thua, đi 7 giờ sáng hay 7 giờ tối cũng như nhau, lúc nào cũng kẹt. Trước đi cao tốc thỉnh thoảng ùn ứ, nay thì hiếm lắm mới có ngày không kẹt. Xe đi chậm, hàng hóa tới trễ giờ, chi phí nhiên liệu tăng, tốc độ quay đầu xe bị hạn chế, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty”, ông Long ngán ngẩm.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC), lý do khiến cao tốc Long Thành – Dầu Giây ùn tắc liên tục trong 2 ngày đầu triển khai ETC chủ yếu do lượng xe chưa dán thẻ cao. Từ sáng sớm 26.7, ùn tắc cục bộ kéo dài hơn 1 km qua trạm thu phí Long Phước, ô tô nối đuôi nhau di chuyển rất chậm, do nhiều xe chưa dán thẻ hoặc tài khoản không đủ tiền. Khi qua trạm nhân viên phải thu tiền thủ công và hướng dẫn xe đến vị trí dán thẻ miễn phí.

Trao đổi Thanh Niên, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VETC (Tasco), cho biết tỷ lệ xe chưa dán thẻ đi vào làn ETC nhiều, nên nhân viên vận hành phải thêm công việc tư vấn khách hành dán thẻ ngay sau trạm, mất thêm thời gian lưu thông cho mỗi phương tiện. “Tỷ lệ phương tiện dán thẻ ETC lưu thông trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây mới chiếm có 44%”, ông Vinh nói.

 

Làn khẩn cấp để xử lý sự cố

Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc VEC, từ 1.8 sẽ bổ sung thêm 1 làn xử lý sự cố tại trạm thu phí Long Phước và trạm Dầu Giây để xử lý các sự cố khi vận hành. “Làn xử lý sự cố này chỉ áp dụng với các xe gặp sự cố kỹ thuật như đã dán thẻ hoặc nạp tiền nhưng gặp trục trặc khi qua trạm, không dành cho xe chưa dán thẻ ETC. Làn này sẽ lưu động khi có nhiều xe gặp sự cố, nhằm giảm ùn tắc trên tuyến”, ông Nhi cho biết.

Đáng chú ý, lãnh đạo của VEC cho biết nhiều vấn đề phát sinh sau khi vận hành ETC như các trường hợp xe dán trùng 2 thẻ của 2 đơn vị khác nhau, xe dán thẻ không đủ tiền trong tài khoản, xe dán thẻ không hợp lệ khiến máy không đọc được. Ngoài ra, nhiều xe chủ phương tiện muốn dán thẻ không dừng nhưng cũng không thực hiện được do giấy tờ không hợp lệ, xe đang đổi chủ… Đáng chú ý, có tình trạng xe trên hệ thống đã đăng ký ETC rồi nhưng thực chất không có thẻ. Qua khảo sát, hiện có hơn 300.000 xe đã được đăng ký trên hệ thống cả nước nhưng thực tế chưa dán thẻ ETC.

Tỷ lệ xe dán thẻ ETC tại TP.HCM hiện mới đạt hơn 55%, tỷ lệ này tại Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 57% và tại Đồng Nai là 53%. “Sau 1.8 tất cả phương tiện lưu thông trên cao tốc phải dán thẻ, nếu xe nào chưa dán thẻ cố tình vi phạm đi vào trạm thu phí sẽ bị phạt nặng. Thực tế, các cao tốc thời gian đầu vận hành cũng ít nhiều sẽ có trục trặc, như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng giai đoạn đầu thí điểm. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, tỷ lệ phương tiện dán thẻ tăng cao thì việc lưu thông cũng sẽ nhịp nhàng hơn, không còn cảnh ùn tắc nhiều”, ông Nhi cho biết.

Theo lộ trình, từ nay tới 1.8 VEC sẽ tiếp tục triển khai ETC hoàn toàn với các tuyến cao tốc còn lại là Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Nội Bài – Lào Cai. Để tránh ùn tắc phát sinh, lãnh đạo VEC đề nghị người dân nhanh chóng dán thẻ ETC để lưu thông trên cao tốc, tránh bị xử phạt; đồng thời đề nghị Cục CSGT xử lý nghiêm, triệt để với các trường hợp cố tình vi phạm.

Làm gì để cao tốc hết ùn tắc? - ảnh 2
Dòng xe dài dằng dặc chôn chân trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu GiâyĐỘC LẬP

 “Không dừng” hay “một dừng” vẫn kẹt

Việc đưa công nghệ thu phí tự động ETC vào sử dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhằm rút ngắn thời gian qua trạm, từ 36 – 72 giây (hình thức thu phí một dừng – MTC) xuống chỉ còn 6 – 12 giây. Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng qua 3 giai đoạn lớn và tiến đến bỏ hoàn toàn các cabin thu phí, chỉ giữ lại thiết bị nhận diện phương tiện có gắn ETC.

Giao lưu kinh tế – xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh ngày càng mạnh mẽ nhưng cao tốc thì vừa thiếu, vừa yếu, năng lực chỉ ở mức thấp nhất. Cũng chính vì dự báo chưa sát, đưa ra quy hoạch chưa sát nên việc điều chỉnh, sửa sai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn rất khó khăn do mất quỹ đất. Vừa do thiếu tiền, vừa vì thủ tục rườm rà, các dự án cao tốc, mở rộng cao tốc cứ mãi chậm tiến độ, ngày càng bị tốc độ phát triển của phương tiện giao thông bỏ xa.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM

Mục tiêu là vậy song thực tế dù thu phí không dừng hay một dừng cao tốc vẫn kẹt. Tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc HLD không phải đột biến do ngày đầu triển khai thu phí không dừng mà trong khoảng 5 năm qua, đường cao tốc này đã trở thành nỗi ám ảnh của các phương tiện vì ùn tắc triền miên, vừa thông xe 2 năm đã nhanh chóng quá tải. Được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007, cao tốc HLD chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 là đoạn An Phú – Long Thành với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu, đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2015 tới nay. Giai đoạn 2, hoàn chỉnh đoạn từ An Phú – Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe, thực hiện vào năm 2020.

Thế nhưng, từ giữa năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án mở rộng tuyến đường lên 12 làn xe, thay vì 8 làn xe theo quy hoạch. Nguyên nhân, trung bình mỗi ngày cao tốc HLD phục vụ 75.000 lượt xe trong khi cao tốc được thiết kế chỉ dành cho 59.000 lượt phương tiện/ngày.

Sau đó, khi Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trình phương án 3 tuyến đường chính kết nối TP.HCM và các địa phương khác với sân bay Long Thành, trong đó có cao tốc HLD, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã tiếp tục đề xuất Thủ tướng xem xét đầu tư mở rộng tuyến cao tốc HLD lên 10 – 12 làn xe, tức gấp 3 lần hiện tại. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, cao tốc HLD là trục giao thông chính kết nối với sân bay Long Thành, cùng với hiện trạng, nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu. Thế nhưng, phương án mở rộng tuyến cao tốc này đến nay đã được Bộ GTVT chốt với quy mô 8 làn xe đoạn dài gần 24 km, từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay, không đủ tải để chịu được số lượng phương tiện như hiện nay.

HÀ MAI – MAI HÀ

TNO